Người thổi “hồn” vào gốc tre

15/12/2014 11:11

Theo dõi trên

Với nhiều người gốc tre chỉ là vật để làm củi đun nấu nhưng một khi đến với bàn tay khéo léo cùng khối óc đầy sáng tạo nghệ thuật. Anh Huỳnh Phương Đỏ (phường Cẩm An, Hội An, Quang Nam) đã biến những vật vô tri vô giác ấy thành những bức tượng đẹp đến kỳ lạ khiến cho ai mỗi lần ghé thăm cơ sở chế tác của mình đều phải ngõ ngàng và thán phục.

Sinh ra và lớn lên ở, phường Cẩm An (TP Hội An, Quảng Nam). Tuổi thơ của anh Huỳnh Phương Đỏ trải qua như những con sóng luôn dập dềnh trên mặt nước trên dòng sông Hoài trước nhà. Khi biết đọc cái chữ, đếm được con số anh phải bỏ học giữa chừng theo cha mẹ lặn lội mò cua, bắt hến để trang trải cuộc sống. 
 


Một góc trưng bày sản phẩm được chế tác từ gốc tre của vợ chồng anh Đỏ 

Vốn có năng khiếu hội họa từ nhỏ, năm 16 tuổi anh được cha mẹ cho theo học nghề điêu khắc gỗ ở làng mộc ở Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An với các nghệ nhân nổi tiếng như Huỳnh Sướng, Huỳnh Ri. Với tay nghề “cao” anh được các chủ sở điêu khắc lôi kéo đi khắp nơi. Có lúc làm thợ mãi ở huyện miền núi Tây Giang, có khi vào tận Nha Trang. 

Khi nghề điêu khắc gỗ không đủ nuôi sống bản thân và gia đình có những thời điểm anh Đỏ đành phải “gác nghề” chuyển đổi sang nghề bán bánh chưng, bắp luộc dạo để trang trải cuộc sống mưu sinh cho cả gia đình. Rồi sau trận lụt lịch sử xảy ra năm 1999, cái nghề điêu khắc trên gốc tre đến với anh  như một sự “định mệnh”. 

Anh nhớ lại: “Đó là trận lụt lịch sử xẩy ra hồi cuối năm 1999, khi đó cả TP Hội An chìm ngập trong nước lũ khủng khiếp. Nước ngập đến nóc nhà, ngồi trên gian gác lửng nhìn nước lũ dâng cao, bỗng từ đâu đó xuất hiện một gốc cây đã mộc lượn lờ trước mặt. Vớt lên thì đó là một gốc tre đã khô, trong đầu khi đó suy nghĩ chỉ vớt lên đục đẽo cho đỡ “ngứa ngày” tay nghề và chờ những ngày chờ nước lũ rút. Không ngờ mình lại bén duyên với gốc tre từ đó…”.

Trong những ngày chờ nước lũ rút, dọc ven con sông Hoài trước nhà có rất nhiều những gốc tre trôi dạt về anh lại nhặt mang về để “thực ngiệm” nâng cao kỹ năng cho tay nghề của mình. Vốn có kiến thức từ nghề điêu khắc gỗ nên việc chạm, tạc trên gốc tre với anh cũng tương đối dễ dàng. Những tác phẩm được ra lò trong những ngày đợi lũ rút được mọi người trong khu phố tán ngợi. Cũng từ đó, ngày nào anh Đỏ cũng say sưa, chạm trỗ bên gốc tre mà mình lựa chọn về. "Khác với điêu khắc trên gỗ thì điêu khắc, chạm trỗ trên gốc tre tương đối khó hơn vì mỗi gốc tre nó có một hình thù khác nhau vì thế nên lúc nào mình cũng phải “chạy” theo nó. Để có một tác phẩm đẹp, ưng ý trước hết mình phải có trí tưởng tượng, sáng tạo sao cho hình tượng phù hợp với từng vóc dáng của gốc tre. Chẳng hạn, khi thấy rễ tre cong ngang và rậm thì chỉ có tạc tượng Quan Công oai hùng, râu tóc bay trong gió mới hợp. Nếu rễ tre cong ra trước thì chỉ có thể tạc tượng Trương Phi, Tổ sư Đạt Ma…”, anh Đỏ tâm sự.

Anh cũng cho biết thêm, tạc tượng trên gốc tre là một kiểu nghệ thuật bất quy tắc mà không phải trường lớp nào có thể dạy được theo kiểu khuôn mẫu. Không những thế, để tượng có "hồn” khi lựa chọn gốc tre phải biết chọn sao cho có thế phù hợp.

Cho đến bây giờ, đã trải qua hơn 16 năm gắn mình với nghề làm đẹp “gốc tre”. Đến với phòng trưng bày sản phẩm của anh trên TP hội An chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những kiệt tác được làm từ những gốc tre xù xì, thô ráp. Tác phẩm nào cũng được anh thổi hồn vào từng nét vô cùng sống động nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là những tác phẩm về các Tượng Phật Di Lặc cùng với phong thái tươi vui, tượng Đạt Ma tổ sư vô cùng nghiêm khắc, tượng Quan Công cương nghị khi xung trận… Nhìn bức tường treo kín bởi hàng trăm đầu tượng nào Phúc - Lộc - Thọ, Phật Thích Ca, Nữ thần tự do… cho đến cụm tượng phức tạp như Tứ đại thiên vương, Bát tiên… 

Để có được những tác phẩm mê hoặc trên anh Đỏ đã phải trải qua không ít lần thất bại. Chia sẻ về nghề anh cho biết: Việc điêu khắc trên tre có nhiều nét tương đồng với điêu khắc trên gỗ nhưng đòi hỏi sự khéo léo bởi thao tác khó hơn. Tùy hình dạng của mỗi gốc tre, nghệ nhân phải có cách chế tác, định hình tượng sao cho phù hợp. Đồng thời, người cầm đục phải có một đức tính kiên trì mới tạo được những bức tượng có “hồn” được. 

Cũng theo anh Đỏ, để theo đuổi nghệ thuật tạo hình từ gốc tre cần nhiều yếu tố cả về tâm lẫn trí. Trong tất cả các tượng anh từng làm ra, khó nhất là làm tượng Phật các loại. Bởi những ánh mắt, nét miệng của Phật được lấy sao cho thẩm mỹ, cho cái thiện hiển hiện là điều không dễ dàng. Ở Phật có 36 tướng tốt, khi làm mỗi bức tượng đại diện cho mỗi tướng khác nhau, người điêu khắc phải am hiểu về Phật học. 

Từ một ý tưởng mưu sinh, cho đến giờ, cái nghiệp tạc tượng gốc tre đã biến anh thành một “nghệ nhân” khi nào không hay. Thương hiệu “Phương Đỏ gốc tre” cũng xuất hiện từ đó. Những tác phẩm của anh làm ra cũng nhanh chóng vượt ra khỏi lũy tre làng, đi tới nhiều vùng trong cả nước. Từ  đất mũi Cà Mau cho đến tận Sơn La, Hòa Bình. Có những tác phẩm theo khách tham quan du lịch đã “vượt biên” sang tận các nước phương Tây. 

Vượt qua ý nghĩa ban đầu, từ một ý tưởng mưu sinh đến nay phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của anh đang trở thành điểm đến không thể thiếu với khách du lịch mỗi khi có dịp đến với phố cổ Hội An. Anh cũng cho biết thêm, sắp tới ngày Noen anh sẽ cho ra mắt một tác phẩm cây thông được kết tạo bởi 600 gốc tre Việt với những hình thù đặc biệt về tôn giáo. Vì với anh từ lâu cây tre nó trở thành hình ảnh rất đỗi quen thuôc với đời sống của mỗi con người Việt Nam chúng ta. 
 
Hữu Tiến

Bạn đang đọc bài viết "Người thổi “hồn” vào gốc tre" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.