Nhà nghiên cứu văn hoá Chăm Quảng Văn Đại
Con mắt “tinh đời” của nhà nghiên cứu...
Ông Quảng Văn Đại là một trong những người nổi tiếng nhất hiện nay về lĩnh vực văn hóa Chăm, đặc biệt là việc ông dành nhiều công sức của mình chuyên tâm sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật các thư tịch cổ. Thư tịch cổ của người Chăm được viết chủ yếu trên lá buông, giấy quyển, giấy dó… ghi nhận tất cả những tinh túy của đời sống, văn hóa, tín ngưỡng tộc người từ xa xưa cho đến nay. Kho tàng thư tịch cổ là tài liệu cực kỳ quý hiếm, có thể góp phần đáng kể vén bức màn nhuốm màu sắc huyền ảo về đời sống và vẻ đẹp văn hóa của tộc người Chăm. Ông là một trong những người còn đọc được tài liệu, thư tịch quý giá này. Trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm thư tịch cổ, ông còn phát hiện nhiều hoa văn trên vải Chăm cổ.
Trước đây, trong những dịp lễ hội Katê, người Chăm thường mang theo nhiều lễ vật để dâng cúng lên các vị thần, trong đó có vải thổ cẩm. Chỉ riêng tháp Po Klong Garai ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã lưu lại hàng trăm tấm thổ cẩm của người xưa, có tấm ước tính niên đại mấy trăm năm. Nhưng vải vóc ở đền tháp thường không để lâu, chúng nhanh chóng bị hư hỏng, mục nát. Những chiếc rương đựng vải cúng thần thường quá tải vì những tấm vải hư hỏng nên các sư cả, người quản đền thường loại bỏ bớt đi một ít. Khi biết những mảnh vải mục kia sẽ bị loại bỏ, ông đã xin phép các vị sư cả cắt lấy lại những đường nét hoa văn trên đó. Với cách làm đơn giản như vậy ông đã giữ lại gần 50 mẫu hoa văn cổ khác nhau của người Chăm. Sau đó, ông đã mang chúng gửi vào kho lưu trữ của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận.
...Tinh hoa của người xưa qua từng dải hoa văn
Theo tập quán xưa, tất cả trang phục, vải vóc, bảo vật của vua Chăm do người Raglai cất giữ. Đến ngày lễ Katê thì từ người Raglai, chuyển y trang về lại tháp Po Klong Garai, gọi là Lễ rước y trang (Rauk khan aw Po Yang). Đây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội diễn ra rất trọng thể. Người ta tiến hành thay y phục cho vua tại đền tháp với nhiều nghi lễ thiêng liêng. Lễ rước y trang và thay y phục cho vua thần trong lễ Katê hàng năm là cách mà người Chăm gìn giữ y phục, vải vóc, những báu vật của vua chúa cách nay hàng trăm năm.
Cũng nhờ cách giữ gìn y trang, vải vóc của vua chúa như thế cho nên một số nhà nghiên cứu như ông Đại đã sưu tầm được những mẫu hoa văn trên hoàng phục và trên diềm váy các vị thần như: Po Rome, Po Dam, Po Klaong Mânai. Đáng kể nhất là hoa văn thần Siva và Người cưỡi con công. Theo ông Quảng Văn Đại, nhiều hoa văn cổ của người Chăm rất đẹp, thể hiện sự khéo léo của thợ dệt ngày xưa. Ngoài Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, các bảo tàng ở Pháp cũng lưu giữ nhiều hoa văn Chăm cổ. Tuy nhiên, trong hàng chục mẫu hoa văn được sưu tầm, lưu giữ, trưng bày thì nhiều mẫu đã bị thất truyền, không tìm thấy bóng dáng của chúng trên các sản phẩm thổ cẩm hiện tại. Cũng may là nghệ nhân Phú Thị Mỡ đã phục chế thành công được một số mẫu, trong đó có hoa văn thần Siva múa và hoa văn Người cưỡi con công.
Những mẫu hoa văn cổ của người Chăm được lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận
Cùng với sản phẩm dệt cung đình thời xưa, vải dệt dân gian Chăm ở đền Po Klong Garai mà nhà nghiên cứu Quảng Văn Đại sưu tầm được cho thấy nghề dệt xưa rất phát triển, tạo ra nhiều mẫu hoa văn đẹp, làm giàu cho kho tàng mỹ thuật dân gian Chăm. Nhiều mẫu hoa văn cổ trên chất liệu vải thổ cẩm có giá trị cao về nghệ thuật, thể hiện truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Chăm.