Người Sài Gòn tử tế

10/08/2015 16:55

Theo dõi trên

Tôi thích Sài Gòn vào buổi sớm, với sự hòa trộn của “hỗn hợp” âm thanh: tiếng còi xe, tiếng bát đũa, tiếng nhạc, tiếng rao, tiếng người cười nói; thích những gánh quà sáng sực nức mùi thức ăn; thích nhìn người Sài Gòn thong thả nhâm nhi ly cà phê đen đá… Song, điều làm tôi yêu Sài Gòn nhất là có nhiều con người bình dị, luôn tử tế và hào hiệp.

Sự thân thiện và tin cậy

Tôi có tật rất hay quên. Đi đường bật đèn xi nhan xong thì thường hay quên tắt. Những khi như vậy, thường có người chạy vượt qua rồi quay mặt sang nhắc: “Em ơi, tắt xi nhan kìa!”, “Tắt xi nhan, em ơi!”. Tôi cũng thường thấy nhiều người khác lơ đễnh như tôi liền được người đi đường ân cần nhắc như vậy: “Gạt chân chống, anh ơi!”, “Chú ơi, cột lại hàng, coi chừng rớt!”, hay “Bánh xe sau mềm quá, chị bơm ngay đi!”. Nghe thiệt dễ thương hết sức! Mỗi khi chạy xe trên đường, được nghe nhắc, dù chẳng biết họ là ai, chỉ lướt qua nhau mà chả kịp nhìn mặt, nhưng trong lòng cứ thấy vui vui vì được nhận sự quan tâm nhắc nhở từ những con người xa lạ mà thân tình.

Có hôm tôi ghé qua chỗ một cô bán rau quả, hỏi mua có 1 trái bí, vậy mà cô vẫn chu đáo hỏi: “Lấy hành về nấu canh không con?”. Tôi đáp rằng chỉ mua về luộc, thì cô nói: “Vậy thì lấy ớt”. Tôi từ chối vì mình không ăn cay được, nhưng cô bảo: “Cứ lấy đi con, cô cho mà, không tính tiền ớt đâu!”. Hôm khác, tôi ghé mua há cảo ở quán trên đường Cô Giang. Nhận há cảo rồi mới biết quên mang theo tiền. Cười gượng gạo, xấu hổ muốn đào lỗ chui xuống luôn. Đang tính nói người bán thông cảm, cho để há cảo lại để chạy về lấy tiền, lòng cứ lo sẽ bị cằn nhằn, nhưng chị cười bảo: “Cứ mang về đi em, hôm nào ghé qua đưa tiền chị sau cũng được!”. Tôi mang về, chưa kịp ăn, đã vội lấy tiền mang ra trả luôn, vì không muốn người bán phải mất lòng tin. Ngẫm nghĩ người bán sẵn sàng cho mình mua thiếu để khi khác trả tiền, như đặt cược 50/50 vậy. Giả dụ như mình không quay lại trả tiền thì họ cũng có biết mình là ai, ở đâu mà đòi. Hẳn người bán rất hiểu rằng đó là câu chuyện của lòng tin và danh dự, lẽ nào có ai được tin cậy như vậy mà bán đứng danh dự của mình và vùi dập lòng tin của người khác chỉ vì 20.000 đồng! Và không chỉ như vậy, đây cũng là do tính hào sảng, chấp nhận khả năng có thể bị mất 20.000 đồng cho mua chịu, chứ không muốn làm khó người khác.




Anh Lý Ngọc Bình làm nghề sửa giày dép trên lề đường Huỳnh Văn Bánh (phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM) nhận sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, người thu gom rác, với mong muốn giúp họ có được đôi dép, đôi giày lành lặn khi đi kiếm sống. (Trong ảnh: anh Bình vui vẻ trao giày cho một người bán vé số). Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Ấm áp tình người

Hồi đầu, khi mới về TPHCM học đại học, đường phố đối với tôi như một mê cung vậy. Hẻm trong hẻm, xuyệt ngang xuyệt dọc lung tung hết. Nhưng không phải lo không tìm được nơi cần đến, vì ở đây đúng là đường ở ngay miệng. Đi đâu không biết đường thì cứ hỏi. Hỏi chú xe ôm, hỏi chị bán nước mía, hỏi anh sửa xe bên đường, hỏi ai cũng được. Người Sài Gòn luôn vội vã trong nhịp sống đô thị, nhưng không bao giờ từ chối một lời hỏi nhờ chỉ đường. Nhiều khi tôi thật cảm động khi được hướng dẫn rất cặn kẽ: “Bây giờ chạy thẳng nha con, đó, con thấy cái ngã tư đó hông, quẹo về phía tay mặt nha, xong chạy thẳng, thấy cái bùng binh thì chạy vòng quẹo trái. Hổng nhớ hả, vậy có giấy viết hông, chú vẽ đường cho, không thôi đi lạc, mất công nữa!”.

Có lần tôi đang băng qua đường thì phải vội vã thắng gấp để tránh chiếc xe tải. Vì thắng gấp quá nên cả người và xe đổ nhào xuống đường, tôi nằm luôn giữa làn xe đang lao đi vùn vụt trên đường, vì bị chiếc xe của mình đè lên chân, nên không đứng lên được. May sao, có mấy chú xe ôm gần đó chạy ra giúp, người nâng xe lên, người đỡ dậy, ai cũng xuýt xoa hỏi han xem có bị đau không. Tôi đã từng nghe kể có những người vô cảm, thậm chí lợi dụng lúc người bị tai nạn giao thông đang ngã trên đường để tranh thủ hôi của, tuy vậy tôi nhận biết rằng ngoại trừ sự vô cảm của một vài người, thì vẫn có rất nhiều người Sài Gòn tử tế, ân cần.

Trên hè phố TPHCM có nhiều bình nước do cư dân đặt trước nhà, ghi chữ “Trà đá miễn phí. Xin mời!”. Thời sinh viên, cũng có đôi lần, nhờ những tấm lòng thơm thảo ấy mà tôi qua cơn khát cháy cổ giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn. Chẳng những hào hiệp lo nước uống miễn phí, người Sài Gòn cũng chăm chút lo những phần cơm miễn phí tặng bệnh nhân nghèo, sửa xe miễn phí cho người khuyết tật, sửa giày dép miễn phí cho người lao động kiếm sống trên đường phố... Có khu phố còn có tủ thuốc miễn phí.

Sống ở Sài Gòn, có những thứ người ta trao đổi với nhau không phải bằng tiền, mà bằng tình người.

Theo LÊ HƯỜNG (SGGP Online)

Bạn đang đọc bài viết "Người Sài Gòn tử tế " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.