Động lực để xoá bỏ “lời nguyền”
Năm 1974, khi chị Hồ Thị Con tròn 16 tuổi, chị với anh Hồ Văn Cu là người cùng bản làm đám cưới, rồi lần lượt sáu đứa con ra đời. Mặc dù cuộc sống chưa được đầy đủ, nhưng gia đình sống vui vẻ, hạnh phúc; vợ chồng tần tảo cùng nhau làm ăn nuôi dạy các con khôn lớn. Năm 2001, chồng chị Con đổ bệnh và qua đời, chị góa bụa ở tuổi 43.
Chồng mất tròn năm, gia đình bên chồng sang đánh tiếng đưa chị về làm vợ của Hồ Văn Thục (sinh năm 1966), là em trai của chồng chị, trong khi Thục đã có vợ con, mà vợ Thục lại chính là em gái chị. Người đầu tiên bên nhà chồng sang nói chị Con về làm vợ hai của Thục lại chính là em gái của mình. Chị Con đã tìm cách “hoãn binh” nhưng vẫn sống trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm. Thấy vậy, bà con dân bản cự nự: “Nếu có chuyện chi xảy ra với bản như có người chết vì đau ốm bản sẽ phạt mày nhiều con trâu, con bò để cúng con ma núi...”.
Năm 2002, khi còn “trốn” nối dây, chị đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã Trường Sơn, chị được anh em cán bộ xã động viên không nên theo tục lệ cũ. Chị nghĩ rằng làm công tác dân vận mà tự mình không bỏ được cái tục “nối dây” thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Chị nghĩ: “Lấy như thế là vi phạm luật hôn nhân gia đình, khi đi tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch ai nghe mình?”. Từ đó chị quyết phá bỏ tục “nối dây”, chị đã nói với bố chồng: “Con xin ra khỏi họ (chồng) để ở vậy nuôi con, thờ chồng”. Thấy chị kiên quyết vậy, Thục và gia đình chồng không bắt ép nữa.
Từ khi ra khỏi họ Hồ Văn, chị vẫn đi về như một người con dâu hiền thảo với nhà chồng. Con, cháu chị vẫn qua lại với gia đình bên chồng, thân thiết và tình nghĩa. Tất cả những đứa cháu ruột của anh Thục được chị nuôi lớn lên, khỏe mạnh và được học hành. Dân bản thì chờ đợi ngày nào đó bị ốm đau vì chị đã làm con ma núi giận dữ. Thế nhưng ngày, tháng, năm qua đi vẫn chẳng thấy ai bị ốm đau cả. Nhiều người trong bản mới bảo nhau: Chị Con nói đúng rồi, nối cái dây như cũ là không tốt. Cứ đi làm vợ của anh hay em chồng mình là không được, lại phải đẻ thêm con rồi nuôi khổ cái thân mình lắm, phải học cái tốt của người Kinh thôi.
Năm 2004, chị Con còn được dân bản tín nhiệm bầu trúng vào HĐND xã và huyện.
Chị Hồ Thị Con (người đầu tiên bên trái) trong buổi giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Bru-Vân Kiều tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Minh Phương.
Xây dựng gia đình theo nếp sống mới
Noi gương chị Hồ Thị Con, các chị Hồ Thị Hòa, Hồ Thị Núi và đến nay cả xã Trường Sơn có trên 20 chị không “nối dây” để xây dựng gia đình theo nếp sống mới. Những đứa con cái của các chị cũng hiểu tấm lòng của mẹ nên đều chịu khó học tập, lao động. Không chị nào tỏ ra hối hận khi theo gương chị Con.
Riêng chị Con, nỗi lo của gia đình chồng về một mình phải nuôi nhiều miệng ăn khi không còn chồng đã được giải tỏa. Để tiếp tục chứng minh với dân bản, với dòng họ Hồ Văn, việc phá bỏ tục “Nối dây” không làm con ma núi nổi giận, chị và các con cố gắng thật nhiều trong làm kinh tế. Mấy mẹ con chị phải vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi vừa gắng sức làm gấp bội để khẳng định rằng: Tục nối dây không còn phù hợp nữa, không thực hiện tục nối dây, gia đình, dòng họ, dân bản vẫn sống hòa thuận, hạnh phúc.
Hàng năm, gia đình chị Con nuôi được nhiều bò, làm mỗi năm hơn 1.000 lon đậu xanh đổi gạo ăn đủ quanh năm. Chị Con đã tích cực vận động con cháu trong dòng họ mình vay vốn, nhận đất trồng rừng, không khai thác lâm thổ sản trái phép, chuyển hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, lập vườn đồi trồng cây ăn quả, mở rộng các mô hình dịch vụ đa dạng có nguồn thu nhập cao.
Nhờ có kế hoạch làm ăn mà những năm trở lại đây, đời sống của gia đình con cháu của chị đã khá hơn trước. Hiện nay, gia đình chị Con có đàn trâu trên 10 con, có 2ha rừng, có một vườn cây ăn quả. Từ việc làm thiết thực có hiệu quả của gia đình, con, cháu, anh em trong dòng họ, chị Con càng vững tâm, tự tin, tích cực đến từng bản, từng nhà trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện.
Mưa dầm thấm lâu, đến nay đại bộ phận nhân dân, trong đó có đồng bào Vân kiều đã chấp hành tốt công tác bảo vệ rừng và trồng mới hàng trăm ha rừng, phủ lại xanh màu cho rừng. Chị vui mừng tâm sự: “Nhiều chị theo mình không nối dây cũng làm đủ ăn, mua được con bò như mình, lấy chồng lấy vợ được cho con rồi”. Nhiều cán bộ ở xã Trường Sơn đã không khỏi vui mừng, nói rằng: “Huyện, tỉnh đã khen ngợi xã mình đó. Từ khi chị Con không chịu nối dây đến nay, nhiều người làm theo rồi. Bản Bến Đường là bản đi đầu, không bắt ép ai nối dây nữa, cũng không còn ai muốn nối dây nữa...”.
Theo Hoàng Văn Tân (Làng Việt Online)