Cùng chiêm ngưỡng những hiện vật cổ được lưu giữ tại đình, chúng tôi bất ngờ hơn khi biết, di tích này có niên đại ngót nghìn năm tuổi. Bác Lê Văn Lai - Trưởng ban quản lý di tích đình làng Phú Khê cho biết: “Đình làng Phú Khê là báu vật của bao thế hệ người dân trong làng. Năm 2013 là thời điểm đánh dấu cuộc “đại trùng tu” di tích. Bởi trải qua thăng trầm, đình làng bị xuống cấp nhiều hạng mục, yêu cầu về việc trùng tu là đòi hỏi cấp thiết. Nhưng trùng tu di tích là điều vô cùng khó, trong đó khó khăn nhất là vấn đề kinh phí”.
Và rồi bác nhắc đến một người con của làng, người có đóng góp rất lớn vào cuộc đại trùng tu năm ấy, đó là thầy giáo Lê Minh Phấn, người đã dành tâm huyết cùng số tiền hàng tỉ đồng cho việc trùng tu. Nói rồi bác dẫn chúng tôi vào bên trong khu vực hậu cung của đình và giải thích: toàn bộ khu vực này được thầy giáo Lê Minh Phấn công đức số tiền 1 tỷ đồng cho việc tôn tạo.
Bất ngờ đầu tiên khi chúng tôi gặp thầy là dáng vẻ điềm đạm. Ở tuổi ngoài 40, lẽ thường chưa nhiều người nghĩ tới chuyện công đức tiền trùng tu di tích, đặc biệt với những người xa quê nhiều năm, sống ở nơi đô thị tấp nập, thật ít thời gian để người ta nghĩ về cây đa, giếng nước, sân đình. Nhưng, thầy giáo trẻ chứng minh điều ngược lại, dù ở xa hay gần, công việc bận rộn bao nhiêu, chỉ cần trong lòng bạn có quê hương, bạn vẫn luôn đau đáu về nó.
Trong câu chuyện của của mình, thầy chia sẻ: “Tôi thấy mình may mắn khi được sinh ra ở làng Phú Khê, nơi hai xã chung một làng. Mọi thứ của tuổi thơ gắn liền với nơi này, ngày nhỏ vẫn thường theo bà và mẹ ra đình làng dâng hương. Rồi những ngày hội làng vui hơn tết. Chưa kể những trưa hè, ra đình làng chơi rồi ngủ quên... tất cả những ký ức đó đã theo tôi lớn lên, nuôi dưỡng tôi trưởng thành. Để rồi tôi luôn tâm niệm, sau này khi có thể, mình nhất định phải làm điều gì đó cho làng quê nơi mình đã sinh ra, để trả một món nợ ân tình”. Trong câu chuyện của mình, thầy tự hào cho biết: đình làng Phú Khê đẹp và linh thiêng lắm. Đó là không gian sinh hoạt tâm linh của cả làng. Gia đình nào có việc lớn cũng ra đình dâng hương cầu may mắn, đặc biệt là với những gia đình có con chuẩn bị bước vào những kì thi lớn thì việc ra đình thắp hương là thủ tục không thể thiếu.
Cuộc sống buộc thầy phải rời quê hương khá sớm, để rồi mỗi lần nhớ về nơi này, quê hương lại hiện ra với những ký ức đẹp nhất của tuổi thơ. Trong một lần về thăm đình, thấy lòng sao xót xa khi nhìn di tích xuống cấp. Dù chẳng nói cùng ai, nhưng từ lúc đó thầy đã tâm niệm phải làm điều gì đó cho nơi này.
Vợ chồng thầy giáo Lê Minh Phấn chia sẻ với PV Báo VH&ĐS về việc làm của mình.
Năm 2013, khi di tích đình làng Phú Khê được trùng tu, được sự đồng thuận của cơ quan chức năng và người dân địa phương, thầy giáo Lê Minh Phấn đã đảm nhận toàn bộ kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo khu vực hậu cung của di tích. Nói về điều này, thầy cho biết: đình làng ngoài việc sinh hoạt cộng đồng còn là không gian tâm linh vô cùng linh thiêng. Qua thời gian chiến tranh, khu vực hậu cung, nơi thờ thành hoàng làng gần như đã bị mất, chỉ còn nền móng cũ. Nếu đình làng mà không có hậu cung thì thật vô cùng đáng tiếc.
Và, chúng tôi không chỉ ngưỡng mộ thầy bởi số tiền lớn đã đóng góp mà còn cảm phục hơn là sự tận tâm. Khi được đảm trách việc tôn tạo hậu cung di tích, ngoài việc tuân thủ theo quy định nguyên mẫu thì thầy còn cẩn thận trong từng chi tiết. Trong đó, đối với toàn bộ ngói lợp, vợ chồng thầy đã tìm đến tận huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ) để đặt mua ngói đóng thủ công và nung bằng rạ, bã mía. Và 5 tháng tôn tạo di tích cũng chính là thời gian thầy hàng tuần miệt mài đi về giữa Thanh Hóa - Hà Nội. “Dù có vất vả nhưng từng ngày được chứng kiến công trình hoàn thiện, đó là niềm vui lớn nhất” - thầy Phấn chia sẻ.
Về số tiền không hề nhỏ đối với một người làm nghề giáo mà thầy đã đóng góp cho việc trùng tu di tích, thầy giáo Lê Minh Phấn vô cùng thẳng thắn: “Số tiền đó được dành dụm từ những giờ lên lớp, bằng tri thức và sự nỗ lực”.Và thầy nói thêm: “Mình mở trung tâm đào tạo chất lượng cao hóa học phổ thông tại Hà Nội, chuyên dạy hóa học cho các em học sinh từ lớp 8 đến lớp 12. Dù là nghề nào, khi bạn cố gắng hết mình, bạn vẫn có thể thành công.
Và trong câu chuyện với chúng tôi, thầy giáo Lê Minh Phấn cũng không ngừng nhắc đến vợ mình, chị Nguyễn Thị Khương với tất cả sự biết ơn: “dù không cùng quê song vợ chính là người thấu hiểu và chia sẻ với mình về tiền bạc và tâm lực cho việc tôn tạo di tích, vì cô ấy hiểu ai cũng có một quê hương để nhớ, để trở về”.
Nói về việc đóng góp kinh phí cho việc trùng tu di tích đình làng Phú Khê của thầy giáo Lê Minh Phấn, ông Lê Thanh Cảnh - Trưởng phòng VHTT huyện Hoằng Hóa cho biết: Nếu các di tích đình làng trên địa bàn huyện ở các địa phương khác cũng nhận được sự quan tâm, đóng góp của các “Mạnh Thường quân” như thầy Lê Minh Phấn thì công tác trùng tu, tôn tạo di tích đình làng sẽ không còn là bài toán quá nan giải như hiện nay.
Với số lượng hàng trăm di tích đình làng trên địa bàn cả tỉnh đang trong tình trạng xuống cấp, cần được trùng tu nhưng lại phải đối mặt với bài toán kinh phí thì di tích đình làng Phú Khê thật may mắn. Bởi lẽ di tích không chỉ được người dân quan tâm giữ gìn mà còn có những “Mạnh Thường quân” chẳng toan tính khi đầu tư. Có một thực tế, đối với những di tích như đền, phủ, chùa thì việc kêu gọi kinh phí trùng tu, tôn tạo không mấy khó khăn, nhưng lại vô cùng khó khăn đối với những di tích như đình làng, nơi vốn được xem là “linh hồn” văn hóa làng truyền thống. Tại sao vậy? Trả lời về điều này, thầy giáo Lê Minh Phấn cho rằng: “Khi người ta không xuất phát từ nhu cầu vụ lợi cá nhân thì di tích nào cũng xứng đáng được quan tâm, trân trọng và bảo vệ”.