“Người Hà Nội” 70 năm đi cùng dân tộc

14/10/2017 23:10

Theo dõi trên

Hôm nay, 14 tháng 10 năm 2017, tại tư gia nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai thứ nhà văn Nguyễn Đình Thi, đã diễn ra cuộc giao lưu văn nghệ đầm ấm để kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm bất hủ của Nguyễn Đình Thi “Người Hà Nội”.


Nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ… đã đến chung niềm vui với “Người Hà Nội”, qua 70 mùa xuân, vẫn đồng hành với dân tộc. Mọi người lắng nghe lại bản thu âm từ lâu rồi bài hát bất hủ này do Nghệ sĩ Trần Khánh cùng đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam trình diễn, rồi bản thu âm do NSND Lê Dung trình bày. Sau đó, Hiền Anh Sao Mai hát “Người Hà Nội” với tất cả nhiệt huyết của một ca sĩ trẻ thời đại mới. Nhà văn, nhạc sĩ Phạm Việt Long công bố ca khúc phổ nhạc bài thơ của Nguyễn Đình Thi “Ngày về”, với tiêu đề “Hà Nội ngày về”. Ca sĩ Hiền Anh đã kịp thời tập và trình bày ca khúc này, có tính chất báo cáo để lấy ý kiến rồi sẽ cùng nhạc sĩ Phạm Việt Long tu chỉnh, làm bản phối khí chỉn chu, công bố chính thức vào một ngày không xa.
 
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã nói về đứa con tinh thần của mình như sau:

“Bài Người Hà Nội tôi viết vào đầu năm 1947, dịp gần Tết. Khi đó Hà Nội còn đang chiến đấu rất quyết liệt. Do công tác, tôi tạt vào làng Khúc Thuỷ bên bờ sông Nhuệ, Đối diện với làng Cự Đà bên kia sông lúc bấy giờ là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ Hà Nội đưa về. Thời gian ấy, do phân công ở trên, tôi cùng anh Thép Mới, bạn học với tôi từ hồi còn học ở trường Bưởi, làm tờ báo Cứu quốc của mặt trận Hà Nội, sau này gọi là Cứu quốc Thủ đô. Tôi rời Hà Nội ra ngoại thành đúng vào đêm 19 tháng chạp tức đêm ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội. Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và Hà Nội cứ bốc cháy - một cảnh tượng rất hùng vĩ mà sau đã xuất hiện trong bài hát "Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời..." 
 
Trong ngôi nhà tôi ở làng Khúc Thủy có một chiếc đàn piano của đồng bào tản cư bỏ lại vì bị hỏng. Tôi ở đấy và hàng ngày Hà Nội vẫn đang chiến đấu thành ra có ý làm một bài hát về Hà Nội. Một buổi tối, tôi ngồi và đàn, gõ mổ cò mấy nốt nhạc. Tự nhiên trong đầu óc tôi vọng lên những nhịp pháo gầm, những tiếng súng và bầu trời Hà Nội cháy hiển hiện trở lại. Tứ nhạc cứ thế hiện ra. Cảnh đầu tiên là "Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung, Hà Nội vùng đứng lên... ", rồi nhớ Hà Nội có "Hà Nội đẹp sao, Hà Nội vui sao..." rồi kết thúc trở lại những câu đầu. Lúc đó bài Người Hà Nội tôi chỉ viết đến đấy. Anh Thép Mới tình cờ đọc được những dòng nhạc tôi viết nháp trên một tờ giấy. Anh khuyến khích và thế là bài hát ấy được in ở báo Cứu quốc Tết 1947 gửi tặng các chiến sĩ Trung đoàn Quyết tử ở Liên khu Một (sau được tổ chức thành Trung đoàn Thủ đô). Lúc đầu bài hát có tên là “Bài hát của một người Hà Nội”. Sau trận đánh ở Hà Nội, các cơ quan chuyển lên Việt Bắc. Thu Đông Việt Bắc năm 1947, Pháp lại nhảy dù xuống Bắc Cạn đánh lên Thái Nguyên, Tuyên Quang. Chính trong những ngày ấy tôi mới nghĩ đến việc viết đoạn kết cho bài hát, đến khoảng Tết năm 1948 thì xong”. 
 
..."Khi tôi viết xong phần đầu bài hát, các anh ở Đài phát thanh biết và mời về hát trên phát thanh. Hồi đó, phòng thu ở trong một cái hang trong Hà Đông, gần chùa Trầm. Cùng biểu diễn với tôi có hai người Đức - một là tiến sĩ triết học, một là tiến sĩ sử học. Hai anh này trước ở trong quân đội Pháp, sau bỏ quân đội Pháp theo mình. Một anh có cái đàn banjo, một anh có cái thìa cứ thế ngồi gõ trên bàn. Năm 1948 khi tôi viết xong đoạn Ngày về, anh Nguyễn Xuân Khoát viết phối khí cho một dàn nhạc dây và bài hát được biểu diễn lần đầu cũng vào năm 1948 ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên bởi dàn nhạc dây do chính anh Khoát chỉ huy. Vào năm 1951, bài hát được biểu diễn ở Berlin tại Liên hoan Thanh niên thế giới. Hồi đó, ngoài bài Người Hà Nội của tôi còn có bài Sông Lô, Làng Tôi của anh Văn Cao và một vài bài nữa. Các bài hát của mình được chơi bởi một dàn nhạc người Đức toàn các ông cụ, bà cụ tóc bạc cả, do ban tổ chức Festival giúp cho chứ đoàn đại biểu ta đi từ kháng chiến sang, không có dàn nhạc. Tôi đưa bản phối khí của anh Khoát cho ban tổ chức, một nhạc trưởng người Đức viết cho dàn nhạc. Tại Festival, có lúc dàn nhạc chơi, có lúc tôi hát có dàn nhạc đệm. Ban tổ chức có ghi âm lại, sau các Việt kiều dự Festival về Pháp lại đem theo sang bên đó. Bài hát đã đi ra nước ngoài như thế.
 
Tôi còn nhớ hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, sau trận đánh đồi A1 trong 18 ngày đêm, lúc bộ đội được ra nghỉ, tôi leo lên một cái đồi cao. Giữa tiếng súng vẫn nổ, pháo sáng lập loè, một anh bộ đội đi trên đường nghêu ngao hát "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây...". Tôi vô cùng cảm động. Mãi sau này giải phóng bài hát mới được các nghệ sĩ thể hiện. Tôi đã được nghe chị Mỹ Bình (bây giờ là giảng viên Nhạc viện Hà Nội) hát trên đài. Tôi thấy chị hát rất chuẩn. Về sau, bài hát được chọn trong chương trình thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội. Anh Văn Vượng cũng rất thích và đã chuyển soạn cho ghi ta".  
 
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát kể: Sau Hội nghị Tuyên huấn Trung ương kết thúc, nhạc sĩ tác giả Nguyễn Đình Thi đã được đồng chí Trường Chinh tìm gặp. Nguyễn Đình Thi đã không ngờ được đồng chí Trường Chinh dẫn đi gặp Bác Hồ và được Bác bảo hát bài "Người Hà Nội" cho Bác nghe. Không phải là ca sĩ, nhưng Nguyễn Đình Thi đã đem hết tấm lòng thành kính ra hát phục vụ Bác, Bác chăm chú nghe, khen hay.
 
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước kể: Tại Festival Berlin 1951 có đoàn Việt Nam tham dự, trong chương trình ca nhạc có tiết mục bài hát "Người Hà Nội". Các đồng chí nước chủ nhà anh em CHDC Đức đã giúp đoàn Việt Nam một dàn nhạc đệm cho các bài hát Việt Nam. Họ là những nghệ sĩ lừng danh thế giới. Bất ngờ một sự cố xảy ra. Đến khi bài hát "Người Hà Nội" lên sàn diễn thì người chỉ huy dàn nhạc bị mệt tới mức không thể ra sân khấu được. Không cách nào khác, Nguyễn Đình Thi là thành viên của Đoàn Việt Nam đã… cầm đũa bước lên… "vung đũa" chỉ huy một dàn nhạc lừng danh thế giới mà… không hề được xem "tổng phổ" trước khi… cầm đũa bước lên bục. (các đoạn trên trích bài của nhà báo Phan Anh).
 
Còn hôm nay, mặc dù bác Nguyễn Đình Thi đã đi xa mãi mãi, “Người Hà Nội” vẫn ngân vang, qua giọng hát của các ca sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp tại chính nhà con trai của bác, khiến cho không khí buổi giao lưu nghệ thuật vừa ấm áp, vừa sôi nổi, động viên mọi người tiếp tục sống và cống hiến cho Hà Nội, cho đất nước.
 
Thuỳ Linh

Bạn đang đọc bài viết "“Người Hà Nội” 70 năm đi cùng dân tộc" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.