Người góa phụ Huế với cây cầu bắc qua thời gian

18/12/2018 16:11

Theo dõi trên

Đó 328 năm, đã bao nước chảy mây trôi qua, Cầu Ngói Thanh Toàn vẫn kiên trinh một kiếp phận làm một phương tiện giúp dân đi lại, là nơi hóng mát nghỉ ngơi của người dân quê.

Nằm trên đất Xứ Huế mộng mơ, cách Kinh thành Huế cổ kính không xa, có một cây cầu, mặc dù không có chiều dài, chiều rộng đáng nể, vật liệu làm bằng sắt bắc qua con sông Hương như cầu Tràng Tiền, mà chỉ là một cây cầu nhỏ, làm bằng gỗ, mái lợp ngói, bắc qua một con sông nhỏ, nhưng từ lâu nó đã đi vào kho tàng văn học dân gian Xứ Huế, qua câu ca:

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn,
Cho em về với một đoàn cho vui”.
 

Cầu Ngói Thanh Toàn nằm trên đất làng Thanh Toàn, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm thành phố Huế chừng 8 cây số. Mặc dù chỉ là một cây cầu xa kinh đô, nhưng  tên cầu cũng có thân phận chìm nổi. Chuyện kể rằng, dưới thời vua Minh Mạng, đất hai huyện Phú Vang, Phú Lộc được cắt ra để lập huyện Hương Thủy. Cầu ngói Thanh Toàn thuộc huyện Hương Thủy. Rồi chữ Thanh Toàn phạm húy một vị vua triều Nguyễn nên tên làng Thanh Toàn phải đổi thành Thanh Thủy, tên cầu cũng phải đổi theo. Tập san Đô thành hiếu cổ,  cụm từ Cầu ngói Thanh Thủy được dịch là “Le Pont couvert en tuilles” hay “Le Pont couvert de Thanh Thủy”. Tuy nhiên dân gian vẫn quen gọi là Cầu ngói Thanh Toàn. Tên gọi này được giữ nguyên đến ngày nay.
 
Cầu Ngói Thanh Toàn được xây dựng vào năm 1776, dưới thời Lê Trung hưng. Trải qua biết bao thiên tai địch họa, cây cầu vẫn giữ được hình dáng gốc. Theo tài liệu lịch sử và tài liệu dân gian thì Cầu Ngói Thanh Toàn đã được tu sửa nhiều lần. Lần thứ nhất vào năm Thiệu Trị thứ tư (1844), cầu bị mưa lụt làm hư hỏng nặng, dân làng góp tiền của sửa chữa, đến tháng 2 năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) cầu sửa xong (công việc được ghi khắc vào trụ cầu). Lần thứ hai, cầu lại bị bão năm Thìn (ngày 11/9/1904) giật sập, được dân làng sửa lại. Lần tu sửa này có một vài điểm đáng chú ý: 1. kích thước cầu bị thu hẹp chút ít, bề dài là 16.85m so với trước sửa là 18.75m; bề ngang là 4.63m, so với trước khi sửa là 5.82m. Kinh phí tu sửa 950 đồng (dân làng đóng 700 đồng, nhà nước tài trợ 250 đồng). Lần tu sửa thứ ba diễn ra vào năm 1956, lần thứ tư vào năm 1971 và lần tu sửa mới nhất vào năm 1991.
 
Cầu Ngói Thanh Toàn được làm theo kiểu “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Nguyên gốc, cầu dài 18,5m, rộng 5,82m, dựng trên 12 cột gỗ lim, chia thành 6 hàng. Phần “thượng gia”/nhà, chia làm ba gian. Gian giữa cao để cho thuyền bè qua lại, hai gian hai đầu chạy xuống thoai thoải gối lên hai bờ. Gian giữa bằng, mặt phía Tây gian giữa có thưng gỗ kín, đặt khám thờ bà Trần Thị Đạo - người đã bỏ tiền của xây dựng cầu hồi nửa sau thế kỷ XVIII. Lan can hai bên cầu để trống, đặt ghế dài cho khách bộ hành và dân làng ngồi hóng mát vào những ngày nóng nực, các nhà thơ ngồi tìm tứ thơ. Mái cầu lợp ngói. Tên gọi Cầu Ngói Thanh Toàn cũng từ đó mà ra. Trên nóc mái và cửa vào hai đầu cầu xây gạch, trát vôi, đắp rồng phượng, khảm câu đối màu sắc rực rỡ. Đơn cử, từ hướng chợ quê Thanh Thủy bước vào cầu, ta bắt gặp đôi câu đối khảm sành sứ, nét chữ không đẹp nhưng ý nghĩa rất thâm thúy.
 
 
Phiên âm:
Kiện cấu thiên thu truyền thắng tích
Ngừa kiều mỹ cảnh cựu quy mô
Dịch nghĩa:
Cầu ngói là một kiệt tác kiến trúc cổ
Một di tích thắng cảnh truyền lại nghìn sau
 
Không chỉ được lưu truyền trong ca dao, Cầu Ngói Thanh Toàn còn đi vào nhiều áng thơ văn của nhiều nhà thơ xứ Huế; trong đó có nhà thơ hoàng tộc nổi tiếng thời Nguyễn là Miên Thẩm (1819 - 1870). Khi về thăm Cầu Ngói Thanh Toàn (năm 1860), ông đã viết bài thơ “Đường Ngõa kiều”, trong đó có hai câu:
 
Thanh phong tiêu sái giang thiên chuyển
Quả phụ chưng thường miếu bán gian
Cụ Ưng Trình dịch:
Gió trong thanh thoát sông ngàn khúc
Bà góa kính thờ miếu nửa gian
 
Câu “Bà góa kính thờ miếu nửa gian” chính là nói đến tác giả của cây cầu này: bà Trần Thị Đạo - người đã bỏ tiền của xây dựng cầu hồi nửa sau thế kỷ XVIII. Khám thờ bà đặt ở mặt phía Tây gian giữa có thưng gỗ. Bà Trần Thị Đạo là cháu đời thứ sáu của một trong 12 vị khai canh làng Thanh Thủy (Thanh Toàn). Bà là vợ một vị quan đứng đầu 3 huyện Hương Trà, Phú Vinh và Quảng Điền do vua Lê cử từ sau ngày quân Trịnh chiếm được Phú Xuân vào đầu năm 1775. Không hiểu vì lý do gì tài liệu cũ không ghi tên chồng bà. Nhờ chức vị của chồng mà bà được phong tước: Đặc tiếng phụ quốc thượng tướng quân cẩm y vệ, phó quản lĩnh. Căn cứ vào tờ sắc của vua Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37 (tức năm 1776, thời gian quân Trịnh đang chiếm Phú Xuân) thì Cầu ngói Thanh Toàn được làm vào năm 1776. Tờ sắc có đoạn viết: “Bà Trần Thị Đạo, quán làng Thanh Toàn, là người có đức hạnh. Cuộc sống của bà làm cho mọi người ngưỡng mộ đủ mọi điều. Bà là người đáng ca ngợi hơn ai hết. Bà làm cho làng được ban ơn huệ (nhờ bà mà vua tha thuế sưu dịch cho dân làng) và người ta sẽ ghi nhớ hoài. Sắc chỉ này là để chứng tỏ điều Triều đình khen ngợi đối với người xây dựng chiếc cầu ngói ấy và để khuyến khích những người khác hào hiệp như bà”. (Địa chí Hương Thủy, NXB Thuận Hóa, 1998, tr.324  - 325).
 
Đó 328 năm, đã bao nước chảy mây trôi qua, Cầu Ngói Thanh Toàn vẫn kiên trinh một kiếp phận làm một phương tiện giúp dân đi lại, là nơi hóng mát nghỉ ngơi của người dân quê. Đền đáp lại, các thế hệ người dân nơi đây đã cùng nhau giữ gìn một di tích cổ ghi tạc dấu ấn kiến trúc thời Lê để lại cho con cháu mai sau. Cầu Ngói Thanh Toàn được nhà nước công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật (Quyết định ngày 14/7/1990).
 
Ngày nay, Cầu Ngói Thanh Toàn là một  điểm du lịch của Huế, được du khách gần xa rất thích thú bởi hương vị đồng quê của nó. Tấm gương hào hiệp của người đàn bà goá để lại cho đời cây cầu vắt qua hai thế kỷ không đáng nêu gương cho các đấng mày râu thời nay hay sao?
 
Thuỳ Linh - Quang Minh

Bạn đang đọc bài viết "Người góa phụ Huế với cây cầu bắc qua thời gian" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.