Ngược dòng Lam ghé bến Giang Đình

17/05/2018 15:40

Theo dõi trên

Quê tôi ở làng Ngư Hải, tổng Chân Lộc cũ. Xưa, chí sỹ Đặng Thái Thân hoạt động và bị giặc Pháp bắt cũng ở làng này. Phía tả ngạn sông Lam đổ ra cửa Hội Thống là làng Cổ Đan, đất tổ của Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh làm quan dưới hai triều, nhà Lê và nhà Tây Sơn. Từ bến đò Cổ Đan ngửa mặt sang Nghi Xuân đoạn bến Giang Đình là xứ Tiên Điền.

Thuở còn để chỏm, trong những đêm ngồi đò theo bác dâu đi buôn chè buôn chiếu chợ Trụ, chợ Đình và nghe ví đò dọc, bác tôi nói, đó là quê hương của cụ Nguyễn Du. Nghe nhắc Tố Như vào cái thời một chữ bẻ đôi chưa tỏ, tôi đâu ngờ đó là danh tánh của Đại thi hào dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới mà những vần thơ tiếng Việt đã vượt “Qua các biên thùy ngôn ngữ/ Cỏ non trong thơ ông/ Ra ngoài thế kỷ vẫn còn xanh” (Chế Lan Viên)...

 
Khu Di tích Nguyễn Du.
 
Khắp mọi miền, những người ngưỡng kính Đại thi hào và yêu quý Truyện Kiều đều có chung khao khát được một lần đặt chân lên đất Tiên Điền, được thắp tuần nhang bái vọng bậc thi thánh. Tôi cũng vậy. Thực ra, không biết đã bao nhiêu lần về với đất Nghi Xuân và thăm di tích Nguyễn Du nhưng mùa này vẫn muốn được dạo gót quê nhà cụ Nguyễn.
 
Đến Tiên Điền, tôi không mượn con đường cái quan qua cầu Bến Thủy mà xuống bến Cổ Đan thuê một chuyến đò. Đò trôi theo con nước triều dâng. Dòng sông Lam trưa nắng lấp lóa mà tâm hồn mát rượi. Cụ Nhã lái đò cũng là người hay chữ. Tay vặn mái chèo, miệng cụ đưa đẩy: “Xuống bến sông Rum bắt vài con cá - Lên truông Ngàn Hống hái nửa trái sim - Thương em anh phải đi tìm - Bây chừ xáp mặt như Kim xáp Kiều”. Tôi như lây cái nỗi niềm cụ Nhã, người cắm sào trên bến bấy nhiêu năm nay và không biết bao lần đón đưa “tao nhân mặc khách” về viếng Tố Như. Tôi là kẻ hậu sinh, chỉ dám nhẩn nha đôi đoạn truyện Kiều và cúi đầu ngưỡng vọng bậc thi tài “Mực muốn múa mà bút muốn bay, chữ hay phô mà câu hay nói” (Đào Nguyên Phổ).
 
Thuyền cập bến Giang Đình, cụ Nhã cắm sào ngồi đợi. Tôi ngoái nhìn ngàn lau man mác dưới bến và cảm nhận như “Ngàn lau từ Nguyễn thấy - Bạc trắng đến bây giờ”. Lần theo ngọn tiểu khê tôi bước khẽ vào nhà tư văn họ Nguyễn. Cảnh vật khỏa khuây, nắng vừa độ chí trên đầu. Đâu cảnh đoàn viên, đâu sân hòe quế! Những rêu phong phủ trên nền gạch cũ nâng bước chân tôi về cõi xa xưa. Đất Nghi Xuân nay còn ít “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”, làng cũ Tiên Điền giờ là phố xá sầm uất, nhà xây ngói mới. Theo chiều những chiếc lá vàng bay, đám trẻ mục đồng cũng cùng tôi lần về không gian cổ tích trong ngày thực tại…
 
Gốc tích của dòng họ Nguyễn Tiên Điền từ huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Có một cuộc thiên di gia hệ đã đưa những người họ Nguyễn vào lập cư ở chốn Tiên Điền, Hoan Diễn. Nguồn gốc sâu xa của cuộc thiên di đó đã được bắt đầu từ câu chuyện tình ngắn ngủi của cậu ấm Toại con họ Nguyễn Doãn ở Tảo Dương và cô Thanh Hiền con họ Nguyễn Đức ở Canh Hoạch. Cuộc tình huyền thoại đã sinh ra cậu con trai tên là Nguyễn Thuyến, ông tổ xa xưa của dòng Nguyễn Tiên Điền. Ông là người đậu Trạng Nguyên khoa thi Hội năm Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính thứ ba, đời Mạc Đăng Dung. Sau Mạc mất ngôi, ông quay sang làm tôi nhà Lê, làm đến chức Thượng thư, được phong tước Quận công và được ban thái ấp Tiên Điền...
 
Phả hệ và những truyền sử về gia tộc Nguyễn Du sách vở đã nói nhiều, kẻ hậu sinh không dám lạm ngôn, chỉ lật từng trang “Hoan châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả” mà thắp một tuần nhang kính vọng. Xa xưa, trên mặt đất nơi tôi đang đứng có dấu chân của những bậc trâm anh thế phiệt, những người lừng danh trong một đại gia. Trong dòng họ khoa bảng nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ ở xứ Nghệ ấy, có một bậc văn nhân từng chối bỏ kinh kỳ, từ đường hoạn lộ, về đây gửi can tràng đinh ninh mài lệ chép thơ Nguyễn Du về lại Tiên Điền lần thứ hai để viết Truyện Kiều vào thời gian nào, 1796 hay là trước đó? Đó là công việc của các nhà nghiên cứu, chỉ biết, đất Tiên Điền từ thưở Nam Dương Hầu Nguyễn Nhiệm vào nương náu trong thời lưu lạc đến khi về lại của hậu duệ Nguyễn Du đã cách hàng trăm năm. Nếu cuộc tìm đến của người xưa đã để lại di duệ và công trạng cho dòng họ thì sự tìm về của người sau đã làm cho dòng họ muôn thưở lừng danh.
 
Làng cũ Tiên Điền nơi tôi di gót trong trưa hoài vọng đã từng lưu truyền một câu ca dao: “Sông về cho núi khỏa chân - Để đất nuôi dưỡng văn nhân cho đời”. Xa xa, một dãy núi trùng điệp như lũy đá chống trời và ngay mép chân tôi, một con sông trẻ như rồng cuộn đổ ra cửa biển bao la. Núi phát nguyên từ nhiều nơi, sông nhận nước từ nhiều nguồn về đây châu tuần tạo nên cảnh quan kỳ thú. Đó là Hồng Lĩnh cao vời, Lam Giang sâu xanh. Đến đất Nghi Xuân, khách tha phương dễ cảm nhận về một miền dĩ vãng.
 
Lam Giang chia nước với sông Cửu Long, với sông Chu, sông Gianh ở phía thượng lưu. Sông Lam chảy qua Phù Thạch thì gặp núi Hồng, tiếng địa phương gọi là Ngàn Hống. Vào thời nhà Trần, Phạm Sư Mạnh từng viết: “Hương tượng sơn cao hơn Bắc Đẩu”, ý nói: Các ngọn núi Hương Sơn và Thiên Tượng trong dãy Hồng Lĩnh cao chạm đến ngõ Bắc Đẩu nhà Trời. Núi sông quấn quýt với nhau, núi sông hòa điệu tình người: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây - Sông Lam hết nước đó đây hết tình”. Câu ca ấy, người xứ Nghệ ai ai cũng thuộc. Từ Tiên Điền, Lam Giang xuôi không xa lắm là gặp cửa biển Hội Thống, sông - núi - biển giao hòa. Có phải chăng thế đất, thế nước đã góp phần tạo nên sự đua phát nhân tài? Tích xưa có chép, thưở đầu dựng nước, Kinh Dương Vương khởi lập triều Hùng từng một lần có ý chọn Hồng Lam làm đất đế kinh. Qua các triều đại, Mai Hắc Đế xây tháp cờ, Lý Thái Tổ mở trại Định Phiên, Lý Thánh Tông lập hành cung, Trần Minh Tông dựng bia đá, Lê Thánh Tông làm thơ vịnh, Quang Trung dựng kinh đô Phượng Hoàng, Gia Long chọn cảnh Hồng Lam khắc vào cửu đỉnh... Và chính đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Hồng Lĩnh, Lam Giang vô hạn thắng” (Cảnh đẹp Hồng Lam khôn tả xiết). Làng Tiên Điền - Nghi Xuân như “bụng con rồng cao ráo, bằng phẳng, bên trái dựa vào núi Hồng, bên phải là dải sông Lam uốn khúc, phía trước đảo Song Ngư nổi lên như hai đóa hoa biển. Chợ Giang Đình sớm chiều nhóm họp đông vui, đường thủy bộ đôi chiều thông suốt, thật là nơi danh thắng vậy” (Nghi Xuân địa chí).


 
Các đào nương Nghi Xuân biểu diễn ca trù Cổ Đạm tại Khu di tích Nguyễn Du.
 
Qua bao thăng trầm, biến cải, từ Bích Câu - Thăng Long đến trấn Sơn Nam, từ Kinh Bắc về miệt Thái Bình, cuối cùng Nguyễn tiên sinh đã chọn đất quê để gửi can tràng. Năm tháng quê hương đối với ông vừa thân thuộc lại vừa bí ẩn. Từ thưở còn là cậu Chiêu Bảy theo mẹ về chịu tang cha cho đến khi xế đời về lại sau tháng năm lưu lạc, ông đã trải qua biết bao biến thiên thế sự, nhân tình. Tôi nhìn lên Ngàn Hống cao xanh như còn thấy bóng ông nhong nhong yên ngựa vượt truông, trèo đèo vào Trường Lưu hát ví phường vải hay trắng đêm ngâm họa nỗi đau đời cùng văn phái Hồng Sơn. Nhìn ra bến Giang Đình tưởng tượng như còn đó bóng ẩn sỹ Tố Như phe phẩy quạt điều hóng gió Lam giang. Thời của ông, đất Tiên Điền còn bần bạc lắm. Ông trầm mặc cùng quê nhà nắng sớm mưa mai. Ông ăn bát cơm độn khoai với quả cà om chát mặn, uống bát nước chè xanh thơm thảo hương thôn. Ông chia sẻ nỗi niềm với người ngư phủ, với kẻ tiều phu, với thập loại chúng sinh. Ông nghe nhiều lời ăn tiếng nói của dân gian, hiểu tâm tính của ngô, khoai, kê, đỗ. Bậc văn nhân từng đội mũ cánh chuồn chọn lối sống của kẻ dân dã. Trong cái sâu thẳm của tâm tình quê kiểng, cái lẽ biến dịch hồ hải tang điền, ông cảm kích, ông đớn đau và những trang viết thấu tới cao xanh cũng bắt đầu từ những đêm nhỏ lệ bên đèn. Âu đó cũng là nhân cách của kẻ sỹ trong thời li loạn. Ông là văn nhân tìm đúng cho mình con đường đắc dụng giữa buổi hỗn trào…
 
Tôi bái lạy từ đường họ Nguyễn và di gót trên con đường cát mịn tìm đến phần mộ Đại thi hào. Nhớ hồi còn là sinh viên, gần ba mươi năm trước, tôi và bạn bè từng viếng mộ Tố Như. Phần mộ của người ngày ấy vẫn chỉ là nấm đất sơ sài bên cỏ dại chẳng khác mấy với mấy câu tả luận của Nguyễn Đức Bính, một học trò Trường Quốc học Vinh niên khóa 1927-1928: “Hỡi ôi, đây có phải là nơi yên nghỉ cuối cùng của một nhà thơ lớn hay không? Tác giả tập thơ Những sự trừng phạt thì có mộ ở điện Pathéon, còn tác giả Kim Vân Kiều thì chỉ có một nắm đất nhỏ để làm nơi yên nghỉ”. À mà cũng phải, cái bất tử đâu cần đến tượng đồng bia đá, dù giờ đây, di mộ của Nguyễn Du đã được hậu nhân tôn tạo uy nghi.
 
Có lẽ ngày xưa ông từng đi lại nhiều lần trên con đường này và ngẫm điều “cát vàng cồn nọ”, buồn nỗi “cửa bể chiều hôm”, khóc cùng “thế gian lắm việc thương tâm”. Không thể nào thay đổi thời thế, ông đành gửi tâm can vào Từ Hải. Không đủ sẻ chia cảm kích với phận người, ông đành giãi bày nỗi lòng trong thân phận Thúy Kiều. Làm quan thời đại phong ba bão táp, không thể làm nhiều điều ích dân, ông nhỏ lệ trước thập loại chúng sinh. Tôi đốt nén nhang thơm bái bốn phương trời cung kính dâng lên phần mộ thi nhân. Trong khói hương như chứa nỗi trắc ẩn vào tiết Thanh minh đôi Thúy gặp nấm đất Đạm Tiên hồng nhan bạc phận mà nhớ một điều gì như nhớ cỏ lau ngàn xưa trên đường Kiều xao xác. Ngơ ngẩn cùng trời đất, tôi nhẩn nha cùng những câu thơ Tố Như: “Tam niên lưỡng cú đắc - Nhất ngâm song lệ lưu” (Ba năm viết được hai câu thơ - Đọc lên hai hàng lệ tuôn chảy). Bậc văn nhân như cùng chìm mình trong cõi trầm luân, như cùng chịu cảnh oan trái, đau thương của mọi kiếp người. Ông khóc nỗi người, ai khóc nỗi ông: “Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như”...
 
Người dân nhiều quốc gia đã thổn thức với thân phận nàng Kiều vì Truyện Kiều được dịch ra nhiều thứ tiếng. Người Việt trăm năm qua đã kính mộ suy tôn bậc ẩn sĩ tài danh dưới chân dãy Hồng Sơn là Đại thi hào dân tộc và nhân loại vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Những điều ấy, trong những đêm thao thức tàn canh bên bến Giang Đình quê nhà Nguyễn Du không ngờ. Ông cũng không ngờ những vầng trăng trong thơ ông, những ngọn cỏ non trong thơ ông đã trở thành nguồn năng lượng nhân văn bất tử. Có một không gian Nguyễn Du, một không gian Truyện Kiều âm ỉ đồng hành suốt chiều dài dân tộc, cả quặn thắt trong trầm luân đau đớn và hòa ca trong khải hoàn vinh quang.
 
Nhà thơ Chế Lan Viên thật đúng khi dự báo: “Một ngày kia Truyện Kiều mới phát ra hết lượng tử của mình - Những vỉa thơ nhân loại quên đi, và phát hiện ra những vần thơ ẩn náu - Hồn ta ơi! Hôm nay ngươi thanh bình mà ngày mai giông bão - Trong câu Kiều xưa ta tìm ra Nguyễn Du mà tìm cả chính mình...”. Truyện Kiều, áng văn bất hủ đã hòa cảm cùng mọi kiếp người tự cổ chí kim, từ bậc đại nho đến người hành khất. Nàng Thúy Kiều từng bước chân vào tận chốn cung đình cao sang lẫn mái tranh xóm nghèo xơ xác. Xưa, bà nội tôi mù chữ vẫn thuộc nằm lòng những câu Kiều ru tôi vào giấc. Mẹ tôi thuở thanh xuân đi hát Kiều, lẩy Kiều chọn bạn. Bạn tôi mỗi lần bất ổn lại lật sách bói Kiều. Tôi vẫn thường ví một câu Kiều mỗi khi băn khoăn xáp sự.
 
Bóng chiều đã ngả về Tây, tôi lạy từ vong hồn cụ Nguyễn. Thuyền đã nhổ neo rời bến Giang Đình. Sóng nước vỗ lao xao mạn thuyền nghe như sóng Tiền Đường xưa vọng lại. Xa xa, khu di tích Nguyễn Du khuất dần sau rặng phi lao. Tôi tự hứa với mình, sẽ lại về nơi này nương bóng ngàn lau lật giở những dòng cảo thơm ngày xưa cụ mài mực chong đèn mà viết chuyện “trăm năm trong cõi người ta”. Chợt nhận ra rằng, trong thi hứng Nguyễn Du, “cõi người ta” ấy không chỉ là cõi nước Việt mình...
 

Uông Thái Biểu
Theo Báo Lâm Đồng

Bạn đang đọc bài viết "Ngược dòng Lam ghé bến Giang Đình" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.