Thanh Chương

Ngũ Nhạc Linh từ ở Côn Sơn

09/03/2016 15:21

Theo dõi trên

Mùa xuân, du khách thập phương về trẩy hội Côn Sơn, có ngày đông hàng chục ngàn người. Chùa Côn Sơn hấp dẫn tín đồ du khách thập phương, nhưng cũng ở trong khu vực này, có một địa danh không kém phần hấp dẫn, đó là: Ngũ Nhạc 5 cung hay Ngũ Nhạc 5 phương.



Ức Trai Linh từ, nơi thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi trên núi Ngũ Nhạc

Di tích miếu Ngũ Nhạc ở Hải Dương được xây dựng trên 5 đỉnh núi thuộc thôn An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh. Núi có chiều dài gần 4500m, đỉnh cao nhất là 238m.Núi Ngũ Nhạc nằm về phía Đông Bắc của núi Côn Sơn. Núi có 5 đỉnh. Trên 5 đỉnh này, người xưa cho xây 5 miếu thờ 5 phương, tượng trưng cho 5 hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Vì thế mới lý giải được vì sao đường cao, dốc dài, mà các tín đồ phật tử và du khách vẫn hành hương lên Ngũ Nhạc để cầu phúc, tránh họa, mong cho mùa màng phong đăng hòa cốc, quốc thái dân an.Trên mỗi ngọn đều có một miếu thờ thần, ứng với mỗi phương. Núi Ngũ Nhạc nằm giữa các ngọn núi: Tây Nam giáp núi Côn Sơn, Kỳ Lân, chân núi có chùa Côn Sơn; phía Tây Bắc là dãy núi Rồng. Trong thung lũng núi Rồng có đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo; phía Nam là núi Phượng Hoàng, trên núi có đền thờ nhà giáo Chu Văn An; phía Đông là núi Thanh Mai, có chùa cổ Thanh Mai u tịch, thâm nghiêm - nơi tu hành và viên tịch của Đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa.       

Ngũ Nhạc là công trình mới được tỉnh Hải Dương xây dựng, tôn tạo đồng bộ từ đường bộ hành đến kiến trúc các ngôi miếu.Các ngôi miếu đều quay về hướng Nam - nơi có hồ Côn Sơn quanh năm nước biếc.Đường bộ hành lên núi dài 1,8km, ẩn mình dưới rừng thông khép tán xanh tươi. Ngũ Nhạc Linh từ với 5 ngôi miếu trên núi thành hệ thống di tích khép kín bằng con đường lát đá toàn xanh Thanh Hóa hàng nghìn bậc, dẫn từ Tam quan dưới chân núi lên đỉnh Trung miếu và từ đỉnh vòng xuống qua Thạch Bàn, đền thờ Trần Nguyên Đán, nối với đền Nguyễn Trãi và chùa Côn Sơn...

Trong tâm thức dân gian, Ngũ Nhạc là ngọn núi thiêng, mà khí thiêng từ các phương hội tụ lại, nơi ngự trị, thưởng ngoạn phong cảnh của các vị thần tiên... Bởi vậy, xưa nay đều được tổ chức tế lễ thần linh trên núi khi mùa xuân về... với các khóa cúng: trời Phật, thánh thần; cúng trung thiên, cầu đảo.v.v.... cầu cho quốc thái dân an, giải ách trừ tai, nhân khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt… Sau khi các nghi thức tế lễ kết thúc, là lễ tặng ngũ cốc cho đại diện các ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng mọi người có mặt. Với ý nghĩa, từ 5 loại hạt giống (ngô, lúa, đỗ, lạc, kê) đã hấp thụ tinh hoa của trời đất và khí thiêng sông núi các đại biểu cùng mọi người mang về gieo trồng, nhân giống cho toàn thể nhân dân. Đây là nét đặc biệt mang ý nghĩa sâu sắc của lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc Linh từ ở Hải Dương...

Kết thúc các nghi thức chính thức tại trung cung, du khách sẽ xuống núi và vào dâng hương tại các miếu: Tây, Đông và Nam nhạc; thăm di tích Thạch Bàn-nơi Bác Hồ nghỉ chân khi Người về thăm Côn Sơn; vào dâng hương tại đền quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán, anh hùng dân tộc-danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại Ức Trai Linh từ, theo hành trình khép kín...

Ngũ Nhạc Linh từ được tỉnh Hải Dương xây dựng lại, cùng với các công trình: Chùa Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi và đền Thanh Hư v.v... đã tạo thêm những nét văn hóa tâm linh độc đáo làm hài lòng du khách thập phương khi về với Côn Sơn - Kiếp Bạc.

(Theo Báo Du Lịch)

HỒNG LUẠ
Bạn đang đọc bài viết "Ngũ Nhạc Linh từ ở Côn Sơn" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.