Với dáng đứng mạnh mẽ, hải đăng Kê Gà như khẳng định vị thế của một ngọn hải đăng cổ xưa và cao nhất Đông Nam Á - Ảnh: vnanet.vn
Thời Pháp thuộc, khi thiết lập nha hành chính tại Phan Thiết, người Pháp đã chọn đảo Kê Gà xây dựng một ngọn hải đăng cho vùng cực Nam Trung Bộ để dẫn đường cho tàu thuyền đánh cá. Kỹ sư Chnavat, người Pháp, là người thiết kế công trình này. Được khởi công xây dựng vào năm 1897, hoàn thành năm 1898 và đưa vào sử dụng năm 1900. Trên bản đồ địa lý Việt Nam, người Pháp ghi tên đảo là Kéga.
Trong quần thể di tích này còn có một căn nhà lớn hình vuông mỗi cạnh 40m, dưới nhà là một hầm chứa nước, sâu 3m, trước nhà có một giếng gọi là giếng Tiên. Xung quanh chân hải đăng có hai hàng hoa sứ, do người Pháp trồng sau khi xây dựng ngọn hải đăng, vẫn tỏa bóng mát quanh năm làm nên một nét đặc biệt cho nơi này.
Vào bên trong hải đăng, du khách phải bước lên 184 bậc thang xoắn trôn ốc để lên đỉnh. Tại đây, một ban-công rộng rãi mở ra để du khách đứng nhìn biển xanh bao la. Những khu nghỉ dưỡng, bãi đá, bờ biển... trải dài hàng chục cây số đều được thu gọn vào tầm mắt.
Những mệt mỏi sau khi đi bộ lên các bậc thang cao 54 mét sẽ được xua tan bởi cảnh đẹp của thiên nhiên và làn gió biển mát rượi khiến du khách cảm thấy phấn chấn. Thời điểm lý tưởng nhất trong ngày để lên đỉnh Kê Gà là lúc hoàng hôn. Nhưng những người mê biển thì sẽ ở lại đảo qua đêm để câu cá, ngắm ánh trăng vằng vặc vào ban đêm bên ngọn lửa hồng và ngắm nhìn bình minh hùng vĩ hiện dần trên mặt biển...
Bên cạnh đó, ngọn đèn hải đăng ở mũi Kê Gà được ví như “con mắt thần” ngày đêm dõi theo cuộc sống mưu sinh hàng ngàn ngư dân khu vực biển Kê Gà và vùng lân cận. Và đặc biệt hơn ngọn hải đăng sẽ kiểm soát vùng biển rộng lớn với tính năng dự báo, đã giúp cho ngư dân vùng biển nơi đây yên tâm ra khơi, đánh bắt, khai thác hải sản từ xưa đến nay.