Ngôi Miếu hàng trăm năm tuổi ở Bạc Liêu

16/04/2016 18:30

Theo dõi trên

Bạc Liêu nổi tiếng cả nước với những câu vọng cổ, những cảnh đẹp, giai thoại về Hắc Bạch công tử đốt tiền nấu trứng đó là những điều thu hút khách đến tham quan du lịch, có thêm dịp khám phá nơi được mệnh danh giấc mơ tình yêu này. Bên những điều tuyệt vời về cảnh quan hay những giai thoại, Bạc Liêu còn là vùng đất của nhiều chùa chiền, miếu trăm tuổi, trong đó chắc chắn phải kể đến Phước Đức cổ miếu.



Người Hoa xây Miếu vào khoảng năm 1810

Phước Đức cổ miếu tọa lạc tại số 74 Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu. Đây là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sống ở Bạc Liêu, nó được một nhóm người Hoa xây dựng vào khoảng năm 1810, bàn thờ chính là thờ Ông Bổn - Một vị thần được coi là có công khai hoang đất đai và phù trợ cho mọi người sinh cơ lập nghiệp có cuộc sống an lành.

Đến với Phước Đức cổ miếu sẽ tận mắt thấy được kiến trúc đặc biệt theo cấu trúc của người Hoa cổ.


Cổ miếu này được xem một kiến trúc nghệ thuật qui mô và hoàn mỹ từ đầu kèo, đầu xiên cho đến các linh thú và hoa văn trên các khánh thờ đều được chạm khắc tinh tế. Mỗi bộ phận trong miếu là một cổ vật có giá trị nghệ thuật cao bởi chúng đã tồn tại trên 100 năm. Những tấm biển bằng đá cũng như bằng gỗ khắc chữ Hán và mạ vàng cũng là những tác phẩm có giá trị được khắc rất sắc sáo rất uy nghiệm và hùng mạnh.
 
 
Sau nhiều lần trùng tu, ngôi miếu ngày nay tọa lạc trên một diện tích 580m2, xây theo hình chữ Quốc, một lối kiến trúc cung đình triều Minh

Lễ hội Đản sinh thần Phước Đức (còn gọi là lễ Sinh nhật ông Bổn) thường được tổ chức vào tháng 3. Lễ hội tưởng nhớ đến vị thần (ông Bổn) được coi là có công khai hoang đất đai và phù trợ cho mọi người sinh cơ lập nghiệp có cuộc sống an lành.

Đây là lễ chính của miếu. Lễ được diễn ra vào lúc tám giờ sáng, nghi lễ phải trải qua nhiều giai đoạn như: Hiến đèn, hiến hương, dâng hoa, dâng trà, dâng rượu, hiến vật tế (thường là heo)… Sau Lễ tế Ông là Lễ "Đấu đèn", lễ này diễn ra trong không khí vui nhộn của những người đến dự lễ, ban tổ chức lễ sẽ định số đèn theo từng năm (thường thì chọn 3 cây đèn, dạng đèn Kéo quân) và sau đó, sẽ đem từng cây đèn ra đấu giá, ai trả giá cao sẽ được "Thỉnh đèn" về nhà. Số tiền thu được từ cuộc đấu đèn, sẽ sử dụng cho công tác cứu tế hay những hoạt động xã hội khác.

Phước Đức cổ miếu là một công trình kiến trúc độc đáo có một không hai ở vùng đất Bạc Liêu trù phú. Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật ấy đã được các nghệ nhân liên kết với nhau một cách hài hòa và chặt chẽ tạo thành một kiến trúc độc đáo vô song. Với giá trị nghệ thuật ấy Phước Đức cổ miếu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
 
Công Quốc

Bạn đang đọc bài viết "Ngôi Miếu hàng trăm năm tuổi ở Bạc Liêu" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.