Ngôi chùa xây từ trên xuống (bài 2)

21/01/2017 11:55

Theo dõi trên

Ngôi chùa với lầu tháp cao vời vợi có thể nhìn thấy được từ tất cả mọi nơi trong thành phố vốn đã là điều khá đặc biệt ở phố núi Pleiku vốn chập chùng uốn lượn, thế nhưng điều mọi người cảm thấy kỳ lạ và vô cùng đặc biệt ở ngọn tháp ấy là việc ngọn tháp được xây “từ trên nóc xuống” và khi nhìn từ xa tất cả mọi người đều có thể thấy được điều đó.



Chùa Minh Thành

>> Bí ẩn về bức tượng Phật Quan Thế Âm có khả năng hóa giải sóng thần ở Đà Nẵng chu du khắp Đông Á


Xây dựng bảo tháp “có một không hai”


“Ngôi chùa gì mà kỳ lạ quá, cứ như từ trên trời làm xuống vậy!”, đó là lời trầm trồ của không ít người khi lần đầu tiên đứng từ xa chiêm ngưỡng chùa Minh Thành, một trong những ngôi chùa lớn và vào loại đẹp nhất ở Tây Nguyên này.

Chùa Minh Thành tọa lạc tọa lạc ở số 14A đường Nguyễn Viết Xuân (phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai). Chùa Minh Thành được xem là điểm tham quan hấp dẫn của thành phố Pleiku - Gia Lai, nơi vẫn đón hàng trăm ngàn lượt người đến chiêm bái và tham quan thời gian qua mặc dù vẫn đang trong thời gian xây dựng dở dang. Tất nhiên, khi đến nơi đây, mọi người đều không khỏi trước kinh ngạc trước việc hoàn thành một ngôi bảo tháp, là điểm nhấn lớn nhất của chùa với chiều cao 72m, gồm 9  tầng. Từ mọi phía của thành phố Pleiku, bất kỳ ai cũng có thể thấy thấp thoáng thấy bóng dáng bảo tháp hiện ra trong sương sớm ở thành phố này. 


Bảo tháp hiện lên với vẻ uy nghi, cao nổi bật so với các công trình khác trong phố núi. Trụ trì của chùa là thượng tọa Thích Tâm Mãn, người đã đóng góp nhiều công sức trong việc tu bổ chùa, cũng như xây mới các công trình khác. Một điều kỳ lạ và hết sức đáng ngạc nhiên là những người xây dựng ngôi bảo tháp này lại tiến hành xây tháp từ trên xuống, ngược hẳn với cách xây dựng thông thường là làm từ dưới lên. Cách đây gần chục năm, ngôi bảo tháp này đã được khởi công xây dựng, với những phần rất khó “còn hơn lên trời” như tâm sự của những người thi công ngôi chùa này cho biết. Đặc biệt là việc thi công ngôi bảo tháp gặp rất nhiều khó khăn vì phải thay đổi liên tục các xây dựng, để rồi lựa chọn ra một cách tưởng chừng như bất khả thi, nhưng lại mang đến thành công cao nhất là cách xây từ trên xuống.

Thông thường với các bảo tháp khác, người xây dựng sẽ thực hiện từ dưới lên, bắt đầu từ chân tháp, tới các tầng tháp và cuối cùng là đỉnh tháp. Thực hiện việc xây dựng như thế thì sẽ dễ dàng hơn cho thợ. Nhưng riêng với bảo tháp xá lợi ở chùa Minh Thành này, sau khi tham khảo ý kiến của rất nhiều nhóm thợ, cộng với việc tìm thông tin từ khắp nơi, chưa thấy ở đâu, chưa thấy một công trình cao tầng nào lại có ý tưởng và cách thực hiện từ trên xuống như thế, nên thượng tọa Thích Tâm Mãn trụ trì chùa Minh Thành, vốn được học tập và tu luyện ở rất nhiều nước trên thế giới đã quyết định thực hiệc công việc khó khăn và dường như chưa ở đâu làm với bảo tháp của chùa.

Khi các nhóm thợ được mời đến để “nhận thầu” công trình này, tất cả đã phải lắc đầu trước cách xây dựng “không đâu có” này, bởi rất khó để thực hiện. Cuối cùng, một nhóm thợ đã “dũng cảm” nhận thầu. Đó là nhóm thợ của ông Nguyễn Sáu, người từng thực hiện việc xây dựng nhiều ngôi chùa ở địa phương này.

 




Bảo tháp xá lợi kỳ lạ được xây dựng từ trên xuống

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Sáu cho biết, để xây dựng được bảo tháp xá lợi đặc biệt này, với chiều cao ngất ngưởng như thế, được coi là một trong những công trình cao và khó thực hiện nhất thành phố, không tính tới các tòa cao ốc của Đức Long Gia Lai, hay Hoàng Anh Gia Lai tới vài chục tầng, ông và nhóm thợ đã phải huy động tất cả nhân lực, vật lực, huy động nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất vào xây dựng bảo tháp này. Địa điểm xây dựng bảo tháp là trên một ngọn đồi, xung quang lại có hồ nước nên khó khăn đưa công cụ xây dựng vào. Chưa hết, việc hình dung ra bảo tháp sẽ có hình dáng như thế nào mặc dù đã có bản vẽ cũng là điều không dễ dàng, bởi có hình dung ra được thì việc xây dựng mới dễ dàng. Bảo tháp cao tới 72m, lại phải thực hiện từ trên nóc xuống với những chi tiết cực kỳ tỉ mỉ trang trí theo đúng phong cách phật giáo. Để xây tòa tháp đặc biệt này, những người thợ đã phải dựng dàn giáo cao ngất trời để đổ bê tông những cột trụ trước. Hàng loạt cột trụ được dựng lên cùng với hệ thống dàn giáo xây dựng khiến nhiều người ban đầu không thể hiểu được tại sao lại có một công trình như thế, khi bên dưới lại chẳng có gì ngoài bãi đất trống.

Sau khi dựng xong cột trụ, thì phần việc còn lại là xây các tầng tháp. Phải đổ bê tông từng tầng tháp một từ trên xuống dưới là công việc cực kỳ khó khăn. “Đổ xong tầng nào là lại bắt tay ngay vào việc hoàn thiện tầng ấy ngay, để còn làm tầng bên dưới. Quả thực đây là cách làm có một không hai từ trước tới nay tôi và các anh em thực hiện. Nguyên nhân không phải thích “chơi trội”, mà vì nếu xây dựng cơ bản như các công trình khác từ dưới lên thì các phần gạch đá vôi vữa của phần trên sẽ rơi xuống phần dưới, làm ảnh hưởng tới phần dưới. Do đó sư cụ trụ trì đã quyết định làm từ trên xuống, làm đến đâu hoàn thiện cả phần trang trí, mỹ thuật và coi như xong phần đó. Bảo tháp này cao tới 72m cho 9 tầng, nên mỗi tầng là cả một công trình nghệ thuật đấy!”, ông Nguyễn Sáu cho biết. 

Bảo tháp xá lợi này có đáy hình vuông, gồm 9 tầng và phần tháp nhọn. Tầng dưới cùng cao 9m, có kích thước 11mx11m. Tầng trên cùng nhỏ hơn nhiều, mỗi cạnh vuông chỉ có 3,6m. Sau khi các cột tháp và mê các tầng được làm xong, các công việc còn lại được thực hiện tuần từ từ trên xuống dưới như xây tường, làm cửa, chạm khắc trang trí các tầng. Việc xây dựng phải chính xác tuyệt đối, bởi chỉ cần sai lệch một chút thì việc xây dựng các tầng dưới sẽ vô cùng khó khăn, và gần như không thể làm lại được. 
 


Tượng Phật nghìn tay nghìn mắt trong chùa

Ngôi chùa độc đáo ở Tây Nguyên

Ngay từ những ngày đầu cách đây cả chục năm, nhóm thợ của ông Nguyễn Sáu cũng không thể hình dung được việc xây dựng bảo tháp lại khó khăn và kỳ công đến thế. Xây xong tầng nào là hoàn thiện luôn tầng ấy. Tầng 9 rồi xây xuống tầng 8, rồi các tầng dưới nữa. Thế nên rất nhiều người nhìn từ xa thấy ngọn bảo tháp này đều trầm trồ bởi không ai có thể tưởng tượng được rằng lại có kiểu xây tháp kỳ lạ như thế. Cứ từng tầng làm xong là nổi bật lên giữa nền trời xanh thẫm cao nguyên. Thu hút sự chú ý và quan tâm của đông đảo phật tử đạo hữu và cả người dân của thành phố. Việc làm này, theo ông Nguyến Sáu, sẽ góp phần tạo ấn tượng cho bất kỳ ai đứng nhìn từ xa cũng đều thấy tháp, và xác định được vị trí của chùa. Và tất  nhiên, khi nhìn từ xa, mọi người đều thấy rất rõ ràng một ngôi tháp với những mái viền cong vun vút như được xây từ trên trời xây xuống, chứ không phải cách xây đơn thuần từ dưới đất lên. Ông Sáu nhớ lại khi một vài tầng lầu trên được làm xong, mà bên các tầng dưới chẳng có gì ngoài mấy cột trụ và giàn giáo ngổn ngang, nhìn cảnh đó rất thú vị. Khi ấy, nếu đứng đằng xa nhìn sẽ thấy màu sắc các tầng trên đã hoàn thành nổi bật giữa trời đất, “cứ như tòa lầu lưng chừng giữa trời vậy”. Còn đứng ở gần nhìn cũng rất nhiều cảm xúc, bởi các tầng bên trên đã làm xong hiện ra vẻ đẹp trầm mặc, nhất là những hôm ánh nắng mặt trời rực rỡ, các tầng lầu trên ấy phản chiếu lại ánh mặt trời, như tỏa ra hào quang rực rỡ khắp xung quanh. Đứng trên tầng hai của chánh điện, mọi người có thể ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh của Pleiku với lung linh sắc quỳ vàng chen lẫn phố.

Theo lời anh Trung Từ, một tăng ni giúp sự cụ trụ trì quản lí những việc nhà chùa trong thời gian ông đi vắng: “Nhiều công trình trong chùa, đặc biệt là công trình Bảo tháp Xá Lợi được trụ trì dành rất nhiều tâm huyết. Từ lâu thầy đã lên ý tưởng xây dựng, vẽ thiết kế Bảo tháp, để làm sao vừa thể hiện được phần tinh túy trong kiến trúc Phật giáo, vừa thể hiện được tầm vóc cao lớn nổi bật khắp phố núi Pleiku”. Về ngôi Bảo tháp này, anh Trung Từ cho biết, được bắt đầu xây dựng năm 2003. Qua nhiều năm thiết kế, xây dựng và hoàn thiện, bây giờ bảo tháp đang dần hiện lên sừng sững uy nghi của mình giữa trời xanh mây trắng cao nguyên, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại bảo tháp vẫn chưa hoàn thành, còn đang thực hiện những công đoạn cuối cùng. “Việc xây dựng Bảo tháp này trước hết nhằm phụng thờ Xá Lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Phật – Bồ tát khác, sau đó là nhằm chấn hưng, tôn vinh đạo Phật ở Gia Lai nói riêng, cả nước nói chung. Đây là mong muốn của thầy trụ trì cũng như các tăng ni trong chùa. Việc xây dựng Bảo tháp này đã được trụ trì ấp ủ và lên ý tưởng từ rất lâu, từ khi mới thầy mới đi tu cách nay nhiều năm!”, anh Trung Từ bồi hồi kể lại. 

Cũng theo lời anh Trung Từ, sở dĩ Bảo tháp và những công trình khác được bắt đầu xây dựng cách nay hơn chục năm mà vẫn chưa xong bởi vì nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến các nguyên nhân như kinh phí, sự chau chuốt về mặt kiến trúc, nhân công ít ỏi, thời tiết thất thường. Đặc biệt, mọi người dất rất ấn tượng với kiến trúc của ngôi bảo tháp này. Việc tạo dáng cho các bức tượng, chạm trổ đường nét trên mái tháp, trên cửa,… được thầy trụ trì hướng dẫn rất kĩ, rất tỉ mỉ để làm sao toát lên được sự uy nghi, hùng vĩ, đồng thời cũng tạo nên vẻ trầm tư, tịch mịch, sự lắng đọng như một chốn bồng lai. 

Từ lâu chùa Minh Thành đã trở nên điểm đến hấp dẫn, quan trọng của người dân và tín đồ phật tử Gia Lai nói riêng, cả nước nói chung. Đến đây, ta sẽ cảm nhận được đầy đủ không gian – không khí Phật giáo, đồng thời có cơ hội tìm hiểu những đặc sắc kiến trúc Phật giáo không phải ở ngôi chùa nào cũng có được. Ở đây có dáng dấp của những ngôi chùa nổi tiếng trong nước, với sự sắp xếp các công trình kiến trúc trong chùa dựa trên không gian kiến trúc thời Lý – Trần, tiếp nối nghệ thuật kiến trúc phương Đông. Chùa Minh Thành là sự đúc kết kiến trúc từ nhiều ngôi chùa: mái dựa theo mái chùa Một Cột, gác chuông dựa theo gác chuông chùa Keo, tượng thờ tạc theo tượng thờ chùa Tây Phương, khuôn viên sắp đặt theo lối cung điện chùa Thiên Mụ. Sau hơn 10 năm làm việc tích cực của tăng chúng trong chùa cùng các công nhân xây dựng, ngôi chùa khoác lên mình một chiếc áo mới, uy nghi tỏa ánh hào quang khắp phố núi. Chùa Minh Thành được coi là ngôi chùa lớn, có kiến trúc độc đáo hàng đầu ở Tây Nguyên. 
 
Tiêu Dao

Bạn đang đọc bài viết "Ngôi chùa xây từ trên xuống (bài 2)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.