Ngôi chùa nuôi chứa cán bộ cách mạng

23/11/2015 14:29

Theo dõi trên

Tọa lạc ở ấp Phú An 1 (xã Bình Hòa, Châu Thành), Tân An tự (có tên gọi là chùa Đạo Cậy) là nơi giấu vũ khí, nuôi chứa nhiều cán bộ hoạt động cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chùa được dựng lên từ năm 1923 đến nay, đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng những ký ức, dấu ấn về cái nôi lịch sử vẫn còn được lưu giữ.

 

Chùa Tân An – nơi nuôi chứa cán bộ qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
 
Theo như ghi chép, năm 1914, thầy Chí Tâm, đệ tử Đức Phật thầy Tây An đến nơi đây cất một cái am (cách chùa Tân An hiện nay khoảng 50m về hướng Tây). Đến năm 1915, ông Hồ Nam Lầu được sinh ra, năm ông được 7 tuổi thì thầy Chí Tâm đến xin ông về làm đệ tử của thầy và gọi là ông Đạo Nhỏ. Tuy tuổi nhỏ, nhưng ông Đạo Nhỏ thường xuyên trị bệnh cứu người bằng những vị thuốc đơn giản. Đến năm 1923, ông Đạo Nhỏ mới xây được chùa, nhưng bằng tre lá đơn sơ, chủ yếu dùng làm nơi tu hành và hốt thuốc nam trị bệnh cho người dân trong vùng. Một thời gian sau, thầy Chí Tâm đi về núi Ba Thê (Thoại Sơn).
 
Có lòng yêu nước sâu sắc, ông Hồ Nam Lầu (người dân trong vùng còn gọi là ông Đạo Cậy) giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 1945, ông Đạo Cậy thành lập cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng ngay tại chùa. Chưa hết, ông còn vận động những người thân tín tham gia tổ chức và tập kết ra Bắc nhiều đợt. Vào thời kỳ chống thực dân Pháp, ông từng là Ủy viên Mặt trận Việt Minh An Giang. Để hoạt động cách mạng thuận lợi, ông Đạo Cậy ẩn dưới vỏ bọc hành đạo tu hành và hốt thuốc nam chữa bệnh cho người dân. Thông qua đó, ông ra sức tuyên truyền, vận động mọi người đứng về cách mạng, không cho con em các gia đình theo giặc, đứng trong hàng ngũ binh sĩ ngụy quân, ngụy quyền… Bên cạnh đó, ông Đạo Cậy còn vận động những người đã đi theo giặc quay về với cách mạng. Để giúp cách mạng, ông cùng gia đình góp công sức, quyên tiền bạc mua sắm lương thực, thuốc men, vũ khí ủng hộ lực lượng kháng chiến. Ổng bỏ tiền ra mua đất ở nhiều nơi để cán bộ cất trại làm rẫy, trồng lúa nuôi cán bộ, dân nghèo và thông qua đó cũng tiện việc theo dõi tình hình giặc. Khi đế quốc Mỹ xâm chiếm nước ta, ông Đạo Cậy nhận lệnh liên kết cơ sở cách mạng ở lục tỉnh Nam Kỳ. Ông tìm mọi cách gây cản trở, khó khăn cho chính quyền ngụy quân, ngụy quyền trước đây và tìm cách mua súng đạn giao cho chiến trường các tỉnh.
 
Có thể nói, cùng với vợ và 3 người con của mình, ông đã vận chuyển hàng trăm lượt tiếp tế quân lương, tài liệu bí mật của tổ chức đến các vùng giải phóng, căn cứ cách mạng ở khu vực Vạt Lài và B1, B2 (Vương quốc Campuchia)…
 



Khuôn viên chùa Tân An
 
Đến năm 1948, chùa trở thành cơ sở vững chắc nuôi chứa cách mạng, là nơi trung chuyển quân lương để tập kết ra Bắc nhiều đợt an toàn. Ở dãy Đông lang là 2 hầm bí mật để cán bộ ở và hội họp. Bên hông chùa có khu mộ đá là nơi nhận liên lạc tin tức, chỉ thị cách mạng từ cơ sở để cập nhật tình hình vào tổ chức đấu tranh trực diện với giặc. Còn tượng Phật lớn ngay chánh điện có cầu thang giả lên la-phông là điểm tập hợp an toàn của các lãnh đạo cấp tỉnh, huyện thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, điển hình như các đồng chí: Cù Minh Quyền, Ngô Đức Kế, mười Tôn, mười Ô, ba Liêm, chín Lãnh… Các đồng chí này đã chỉ đạo tổ chức tập hợp hàng ngàn người dân tham gia nhiều đợt biểu tình và phong trào đấu tranh chống bắt lính, thu thuế, đàn áp vô cớ. Với các chiến dịch “Trừ gian diệt ác”, cách mạng đã xử tử nhiều tên ác ôn, phá đồn Kinh Quýt, đồn nghĩa quân 116, đánh sập cầu Mặc Cần Dưng, giết chết tên Đại úy - quận trưởng Châu Thành. Sau đó là chiến thắng vang dội Vàm Kinh Nhà Lầu, Mương Hội Đồng, Cua Chùa, Mương Trâu…
 
Ngày 1-12-1966, ông Đạo Cậy bệnh nặng qua đời, vợ và các con ông tiếp tục lo việc kinh kệ và nuôi chứa cán bộ. Hiện nay, chùa Tân An được xây dựng mới khang trang, uy nghiêm với các công trình, chính điện, hậu tổ, nhà khói, nhà khách với diện tích gần 4.000m2. Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa cũng tổ chức các ngày lễ cúng vào các rằm lớn trong năm: Rằm tháng giêng (lễ Thượng ngươn), rằm tháng 7 (lễ Trung Ngươn), rằm tháng 10 (lễ Hạ ngươn).
 
Với bề dày lịch sử, cùng thành tích nuôi chứa cán bộ cách mạng xuyên suốt trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vào ngày 26-11-2003, chùa Tân An (chùa Đạo Cậy) được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Theo Ánh Nguyên (TTMT)

Bạn đang đọc bài viết "Ngôi chùa nuôi chứa cán bộ cách mạng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.