Người dân Ngư Lộc háo hức đi trẩy hội. Ảnh: Quách Du.
Theo truyền miệng của người dân trong xã, lễ hội Cầu Ngư xuất phát từ lễ hội Cầu Mát của ngư dân làng Diêm Phố và có từ khi làng mới thành lập vào thời nhà Lê. Đây được xem là lễ hội Cầu Ngư lớn nhất và đặc trưng nhất của khu vực ven biển tỉnh Thanh Hóa.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc) cho biết, năm nào cũng vậy, người dân nơi đây rất háo hức để tổ chức lễ hội. Vào những ngày diễn ra lễ, tất cả người dân trong xã đều gác lại toàn bộ công việc để đi xem lễ rước kiệu và rước thuyền Long Châu.
“Tham dự lễ hội, không chỉ tôi mà tất cả người dân trong xã đều cầu mong một năm trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió và cá về đầy khoang”- anh Tuấn nói.
Lễ hội với sự tham dự của hàng nghìn người. Ảnh: Quách Du
Được biết, mở đầu lễ hội là màn rước thuyền Long Châu và rước kiệu vua. Nghi lễ được bà con tổ chức trang nghiêm với mong ước thần linh chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển.
Ngoài ra, sau phần hội, người dân trong xã tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao sôi nổi như; thi câu mực, kéo lưới, thi cờ tướng, hát giao duyên, biểu diễn nhạc lưu thuỷ…không khí tạo nên một nét đẹp văn hóa, tinh thần đoàn kết của người dân nơi đây.
Được biết, xã Ngư Lộc là xã có dân số đông nhất huyện Hậu Lộc với tổng số dân lên đến hơn 18.000 người. Đây là xã có mật độ dân số lớn nhất Việt Nam (khoảng hơn 40.000 người/km2).
Một số hình ảnh về lễ hội:
Đông đảo người dân trong xã dự lễ rước thuyền Long Châu. Ảnh: Quách Du
Sau nghi lễ, thuyền Long Châu sẽ được hóa vàng ngay tại bờ biển để cầu may. Ảnh: Quách Du
Theo laodong.vn