Nghiệp đò sông nước Cái Răng

28/07/2016 13:49

Theo dõi trên

Chợ nổi Cái Răng là điểm đến yêu thích của du khách khi đến Cần Thơ. Ðể đến chợ nổi, du khách phải đi đò. Và cùng với đó đã hình thành một nghề mới cho những người dân ở Cần Thơ – nghề chở khách đi tham quan chợ nổi Cái Răng. Công việc nhẹ nhàng, lịch sự, nhưng thu nhập thì chẳng đáng là bao.



Trên đường về bà Nhường mới bán hàng để kiếm thêm thu nhập, nhưng bà vẫn yêu cầu khách mặc đủ áo phao cho đến lúc rời đò.

Gian nan “nghiệp” chở đò

Đến Cần Thơ mà không đi thăm chợ nổi Cái Răng thì thật là lãng phí chuyến đi. Dù vậy, những đò chở khách thăm chợ nổi mỗi ngày cũng chỉ chở một chuyến, chủ nhật thì chạy được 2 chuyến. Theo bà Nguyễn Thị Nhường, năm nay 56 tuổi, chủ một đò chở khách đi thăm chợ nổi Cái Răng – cũng là máy trưởng của đò này, thì chợ họp cả ngày, nhưng khách tham quan chỉ đi buổi sáng, trưa và chiều gần như không có khách. Mỗi một chuyến, công ty du lịch trả cho chủ đò 290.000 đồng; chủ đò phải trả cho tài công 100.000 đồng mỗi chuyến, tiền nhiên liệu chủ đò cũng trả, vậy thu nhập còn lại chẳng là bao. Bà Nhường bộc bạch: “Chạy “chua” ra tiền lắm, nhưng là nghiệp rồi, nên mình phải đeo, phải chạy phục vụ suốt cho bà con”.

Phóng viên hỏi thu nhập thấp vậy sao không đổi nghề, chọn nghề khác cho thu nhập đảm bảo hơn thì bà Nhường cho biết, làm nghề chở đò đưa khách tham quan chợ nổi Cái Răng đã mười mấy năm rồi. Điều này như một cái nghiệp quấn lấy thân, cứ như vậy làm thôi, không hề có ý định đổi nghề. Mỗi ngày chỉ kiếm vài chục ngàn, đủ tiền cá mắm chợ búa cho gia đình thôi, giàu thì không giàu, nhưng cũng đủ ăn. Chủ đò thì vậy, tài công cùng long đong không kém.

Trên thực tế, nghề chạy đò cũng có thể kiếm thêm bằng cách ra bến hoặc xuống lộ đón khách lẻ, khách đi tham quan tự túc. Việc này có thểm kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên để đón thêm khách cũng không phải dễ dàng. Những khách quen, những công ty du lịch khác có thể liên hệ với chủ đò qua số điện thoại di động trên vỏ đò. Các đò cũng có thể ra bến, xuống đường đón khách lẻ để kiếm thêm thu nhập, nhưng cũng phải tranh giành với nhau; còn phải cạnh tranh với các đò nhỏ chỉ chở một vài người. “Tôi già rồi nên không tranh được. Những người trẻ thì họ ra bến, xuống đường “xí khách”. Họ xí rồi thì khách chỉ được mặc cả giá, người khác không chen vào được. Người ngoài mà chen vào là cãi nhau, cự nhau, thậm chí đánh nhau”. – Bà Nhường bộc bạch.

Phục vụ khách chu đáo

Để tiết kiệm chi phí, bà Nhường cũng phải học máy trưởng – là yêu cầu bắt buộc - để được xuống đò phục vụ khách. Nhà bà có hai chiếc đò thì cả bà và con dâu đều học máy trưởng và xuống đò phục vụ khách. Công việc của bà khi xuống đò ngoài lo phụ trách máy của đò còn là xếp khách, lấy áo phao cho khách, nhắc nhở và yêu cầu khách mặc áo phao trước khi xuất bến; đây là những công việc đòi hỏi sự nhẫn nại, chu đáo. Và bà đã làm rất tốt công việc phục vụ của mình khi trời rất nóng nhưng tất cả du khách trên chuyến đò cùng phóng viên đã không ngại mặc áo phao trên người...

Điều làm phóng viên cảm nhận sự chu đáo sâu sắc lại là điều khác. Sau khi tham chợ nổi Cái Răng, theo chương trình của đoàn, đoàn sẽ ghé một điểm bán hàng lưu niệm ngay bên cạnh chợ nổi. Ở đây du khách có thể mua nhiều thứ đặc trưng của khu vực miền Tây để làm quà. Vậy nhưng sau khi du khách trở ra từ điểm bán hàng lưu niệm xuống đò để về, bà Nhường mới bắt đầu công việc “kiếm thêm” của mình. Bà cũng soạn ra các thứ quà lưu niệm để mời khách mua. Bà cho biết, chở đò không được bao nhiêu cả, nên cũng tranh thủ bán chút đồ kiếm thêm; mỗi chiếc móc khóa, vòng tay, con thú… giá từ 10.000 – 20.000 đồng thì bà kiếm được thêm từ 2.000 – 5.000 đồng. Khách Việt Nam thì chỉ bán được với giá đó, khách nước ngoài thì bán giá cao hơn và có thể kiếm thêm được 10.000 đồng cho một sản phẩm.

Thắc mắc về hành động lạ lẫm của bà Nhường, vì sao bà không soạn hàng ra bán và mời khách mua trước khi khách vào cửa hàng lưu niệm, như vậy sẽ bán được nhiều hàng hơn. Bà Nhường cho biết, trước đó là khách mới xuống đò, tâm trạng khách đang háo hức để xem chợ nổi, nếu mình mời khách mua sẽ làm khách mất hứng, không vui. Còn trên đường về, khách đã xem chợ nổi rồi, cũng được tham quan cửa hàng và mua quà lưu niệm rồi, nếu mời thêm họ không mua cũng sẽ vui vẻ, không mất hứng. Mình mưu sinh, kiếm tiền cho cuộc sống thật, nhưng cũng phải để ý đến tâm trạng của khách, cũng không nhất thiết phải tranh mua tranh bán.

Quả thật, cũng hiếm có người như bà Nhường. Chở đò thì ngại tranh giành cãi vã mà không đón khách lẻ, chỉ chở khách theo hợp đồng hợp tác với các công ty. Bán hàng lưu niệm thì phải quan tâm đến tâm trạng du khách, không vì bán được hàng, tăng thu nhập mà làm du khách cảm thấy mất hứng, không vui. Có lẽ những lao động trong ngành Du lịch, dù trực tiếp hay gián tiếp, ai cũng có cái tâm như bà Nhường, thì việc thực hiện tốt Chỉ thị 18 của Thủ tướng về du lịch là đương nhiên, và môi trường du lịch sẽ ngày càng được cải thiện tích cực.

(Theo Báo Du Lịch)

PHƯỚC HÀ
Bạn đang đọc bài viết "Nghiệp đò sông nước Cái Răng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.