Nghi thức tế lễ đáng chú ý trong dịp tết nguyên đán ở chùa Linh Ứng, Đà Nẵng

11/01/2017 17:21

Theo dõi trên

Là một trong những địa điểm linh thiêng nổi tiếng ở miền Trung, mỗi dịp lễ tết, chùa Linh Ứng (Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng đón hàng lượt người tới hành lễ, cúng bái cầu an. Vậy nhưng, trong quá trình hành lễ nhiều người còn còn khá lúng túng khi chưa hiểu rõ cách lễ cho phù hợp trong khi tới đây. Để giải quyết những thắc mắc này, Thượng Tọa Thích Thiện Nguyện muốn hướng dẫn cho người dân những việc nên làm khi đến chùa cầu may những ngày đầu năm.



Cổng vào chùa Linh Ứng.

Chùa Linh Ứng tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về hướng Đông Bắc. Chùa rộng hơn 20ha, được xây dựng trên sườn núi bãi Bụt với độ cao 100m so với mực nước biển. Điện chính Tam Bảo của chùa có sức chứa lớn, là nơi trang nghiêm và thanh tịnh nhất. Chính giữa là bức tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, phía bên phải là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, bên trái là Tam tạng Phật và bốn vị Thần Long Hộ Pháp cùng 18 vị La Hán được sắp xếp theo quy luật, bảo vệ cho khu chính điện. Điểm nhấn độc đáo nhất của ngôi chùa này chính là bức tượng Phật Bà Quan Thế Âm cao khoảng 67m, tương đương với tòa nhà 30 tầng. Bên trong lòng tượng có 17 tầng tháp, mỗi tầng thờ 21 vị Phật, La Hán khác nhau gọi là “Phật trung hữu Phật”. Hiện đây là tượng Phật đứng cao nhất Việt Nam.

Không chỉ biết đến là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo đặc trưng mà chùa Linh Ứng còn là điểm đến du lịch tính ngưỡng nổi tiếng tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Theo Thượng Tọa Thích Thiện Nguyện (Trụ trì chùa Linh Ứng) cho biết thì trong năm hầu như ngày nào cũng có người đến vãn cảnh chùa vừa thắp hương kính phật. Đặc biệt là những ngày rằm, mồng 1 và lễ tết thì lượng người đến đây tăng lên gấp bội. “Vào dịp tết, chùa chúng tôi đón hàng ngàn lượt khách tới lễ phật, cầu tài, cầu lộc và bình an trong năm mới. Lượng người chỉ giảm đi cho đến hết tháng giêng. Điều đặc biệt mà tôi nhận thấy là khách thập phương tới đây để lễ bái vào những ngày tết đông hơn nhiều so với những người dân Đà Nẵng - Quảng Nam. Trong đó phải kể đến những người dân ở miền Bắc và miền Nam. Bình thường, họ đã đi lễ các chùa nổi tiếng ở gần nơi sinh sống như chùa Hương, Chùa Bái Đính, Chùa Bà Đen… sau đó còn tới chùa chúng tôi hành lễ. Họ bảo rằng, công việc làm ăn thường nay đây mai đó nên cần sự che chở của đức Phật ở mọi nơi. Có như vậy công việc làm ăn trong năm tới mới thuận buồn xuôi gió. Hơn nữa, tục đi lễ chùa đầu năm cũng là truyền thống từ bao đời nay của người dân Việt Nam. Người dân các tỉnh phía Bắc vô cùng chú trọng vấn đề này, kể cả những tín đồ Phật giáo hoặc những người không theo Phật. Chỉ cần nghe chỗ nào linh thiêng là sẽ tìm về”, Thượng Tọa Thích Thiện Nguyện chia sẻ.
 


Điện Tam Bảo và tượng Phật Bà Quan Âm là hai địa điểm người dân tới hành lễ. 

“Chùa Linh Ứng là một ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng, là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng chúng tôi. Tuy tôi không phải là người nhà Phật nhưng ngày mồng 1 tết năm nào nhà tôi cũng đến để bái lễ, cầu mong cho gia đình có một năm mới được nhiều điều như ý. Bây giờ chùa Linh Ứng đã được nhiều người biết đến nên số lượng khách phương xa mỗi năm một đông hơn. Cứ vào dịp tết thì trong chùa thời điểm nào cũng chật kín người, có khi phải đợi cả một buổi tôi mới bái lễ xong”, chị Trần Thị Cúc (một người dân TP Đà Nẵng) tâm sự. 

Mỗi ngôi chùa đều có một kiến trúc không giống nhau, chính lý do này mà nhiều khách thập phương tới đây vẫn cảm thấy loay hoay không biết cách hành lễ như thế nào cho đúng. Vừa đúng theo tập tục vùng miền và đúng những địa điểm cần tế lễ. Bên cạnh đó, số lượng người về đây trong những ngày tết rất đông khiến cho việc tìm người hướng dẫn kính phật càng trở nên khó khăn hơn. Thêm nữa là các sư thầy trong chùa không đủ nhiều để chỉ dẫn cho từng người một. Vì lí do này mà cùng một ngôi chùa nhưng nhiều người lại thực hiện theo một cách sám bái khác nhau tạo ra sự hỗn độn không nên có ở nơi cửa phật thiền môn. 

Theo Thượng Tọa Thích Thiện Nguyện, hiện nay, chùa Linh Ứng có 2 địa điểm để người dân đến cúng lễ, cầu an. Đó là Điện chính Tam Bảo nằm đối diện cổng chùa đi vào thêm 200m và địa điểm còn lại là tượng Phật Bà Quan Âm nằm chếch về phía tay phải của chính điện. Đối với 2 địa điểm này thì cách cầu lễ cũng khác nhau. “Ở chính điện là nơi thờ phật Thích Ca Mâu Ni, người dân đến đây hành lễ nên cầu xin những ước nguyện của mình trong năm tới như công việc làm ăn được thuận buồm xuôi gió, cầu tài, cầu lộc. Còn đối với việc hành lễ nơi tượng Phật Bà Quan Âm thì nên cầu sự bình an, sức khỏe, giải bày những nỗi khổ và sự sui xẻo vừa gặp trong năm qua để Phật bà cứu độ chúng sinh, xua đi những vận rủi, giải trừ tai họa đem lại may mắn đến cho mình. Điều quan trọng trong khi đi lễ phật là phải thành tâm sám bái, dù có là tín đồ của phật giáo hay không đều phải một lòng thành kính trước phật. Có như thế những ước nguyện của người dân mới được đức phật thấu hiểu và ban phước, cho sự may mắn, tài lộc, bình an”, Thượng Tọa Thích Thiện Nguyện chia sẻ.
 


Tượng thần tài ở trước cửa chính của Điện Tam Bảo sẽ là nơi người dân tới xin lộc đầu năm.

“Người dân đến cúng phật tại chùa chỉ nên mang các đồ lễ đơn giản, không phải rườm rà, quá nhiều đồ lễ mới thể hiện sự thành tâm của mình. Có 2 cách cúng lễ tại chùa Linh Ứng là cúng lên Phật bằng các lễ vật như hương, hoa quả, nhang đèn và thứ 2 là phát tâm cúng tiền. Việc phát tâm cúng tiền có thể có và có thể không vì đây không phải là điều bắt buộc. Bên cạnh đó cúng bao nhiêu thì tùy theo điều kiện của từng người, từng nhà. Những điều này mang một ý nghĩa ý nghĩa gieo trồng phước đức, kết duyên với phật, rước may mắn về với mình. Đối với việc thắp hương lên bàn thờ phật cũng vậy. Nhiều người nghĩ rằng nếu thắp càng nhiều hương thì được nhiều may mắn hơn nhưng mọi người không nên có suy nghĩ như thế. Người dân tới chùa quan trọng là mang theo lòng thành. Bởi vậy mỗi người chỉ nên thắp 1 nén hương lên bàn thờ phật là đủ. Đa số nhiều người vẫn còn có suy nghĩ chưa đúng về điều này mà có khi mang cả bó hương thắp lên bàn thờ phật. Điều này là không nên”, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện nói thêm. 

Ngoài việc thắp hương kính phật, cầu cho gia đình năm mới bình an, được nhiều may mắn và tài lộc thì người dân đến chùa ngày đầu năm cũng muốn xin lộc từ nhà chùa. Đáp ứng điều này, vào dịp tết, những sư thầy trong chùa Linh Ứng sẽ đặt thùng phát lộc ở bên cạnh tượng thần tài nằm ngay trước cửa chính của Điện Tam Bảo. Người dân sau khi hành lễ xong có thể tới đây để xin lộc và được các sư thầy trong chùa giảng giải về săm lộc của mình. “Hái lộc đầu năm ở chùa là nét đẹp của người dân Việt Nam bao đời nay. Vậy nhưng nhiều người đến chùa với ý định xin lộc nhưng lại có những hành động không đẹp. Đặc biệt là hiện tượng bẻ cành, hái lá trên cây cối trong nhà chùa để lấy lộc vẫn thường xuyên diễn ra trong dịp đầu năm mới. Người xưa có câu rằng dù cây kim, ngọn cỏ của người khác nhưng không được chủ nhân cho phép thì không được đụng tới. Đây cũng có thể gọi là hành động ăn cắp thế nên nó sẽ không có tác dụng gì mà ngược lại còn cho thấy sự không thành tâm của người tới cúng phật. Như thế thì đức phật sẽ không mang lại may mắn cho họ và những lời cầu nguyện của người đó xem như vô ích. Bởi vậy tôi muốn nhắc nhở mọi người đừng có suy nghĩ như thế. Đến chùa thì cần nghiêm túc hơn. Cửa phật là chốn thiền môn thanh tịnh, trang nghiêm. Người đến chùa cũng nên giữ phép lịch sự, không nên đùa giỡn. Bên cạnh đó, những ngày tết người tới kính phật rất đông, dù có thế nào đi nữa cũng không được chen lấn xô đẩy mong sớm hoàn thành của mình là được mà phải biết trước biết sau trong quá trình hành lễ. Mình không chỉ biết đến lợi ích của mình mà còn phải nghĩ đến lợi ích của những người khác nữa”, Thượng Tọa Thích Thiện Nguyện căn dặn. 

Được biết, trước sự quán triệt chặt chẽ của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong những năm trở lại đây, du khách đi lễ ở chùa Linh Ứng sẽ không cảm thấy phiền toái vì tình trạng ăn xin và bán hàng rong trước cổng chùa như vẫn thường xảy ra ở một số địa điểm cầu lễ khác. “Chùa chúng tôi dù trong các dịp lễ hay ngày tết luôn đảm bảo tính trang nghiêm ngay cả trong chùa và trước cổng. Không có bất cứ một hiện tượng nào làm mất đi hình ảnh của chốn linh thiêng. Nhà chùa cũng rất mong muốn mỗi người dân tới cũng giữ ý tứ, nhất là đảm bảo vấn đề vệ sinh trong chùa, không xả rác bừa bãi làm mất đi hình ảnh của chốn linh thiêng, thanh tịnh”, Thượng Tọa Thích Thiện Nguyện bộc bạch.
 
Tiêu Dao

Bạn đang đọc bài viết "Nghi thức tế lễ đáng chú ý trong dịp tết nguyên đán ở chùa Linh Ứng, Đà Nẵng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.