Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân - 44 năm vào vai Bác Hồ

02/05/2018 16:25

Theo dõi trên

Tôi được đến tham dự buổi biểu diễn của Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân dành cho các cán bộ chủ chốt của tỉnh tại hội trường Trường Chính trị tỉnh với tiết mục độc diễn “Tình Bác ấm lòng dân”. Khi nghệ sĩ bước ra sân khấu trong hình tượng Bác Hồ thì khán giả vỗ tay nồng nhiệt.

Khi tiếng nói cất lên “Bác gửi lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần tới toàn thể đại biểu...” thì tiếng vỗ tay càng lớn hơn...



Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân.

Nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ

Sau khi tẩy trang, người nghệ sĩ 75 tuổi vẫn giữ nguyên phong thái điềm đạm như khi ông vào vai Bác Hồ trên sân khấu. Cùng với đó là sự chân thành, gần gũi luôn tỏa ra từ nụ cười đôn hậu càng khiến những người đối diện ấn tượng mãi. Có lẽ với chừng ấy năm thể hiện hình tượng Bác Hồ, cùng hơn 1.900 lần hóa thân vào vai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thật sự thấm vào tâm hồn ông.

Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân là một trong số ít nghệ sĩ của cả nước thành công khi hóa thân vào hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Sinh năm 1943, tại thôn Phúc Cai, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, người thanh niên Nguyễn Văn Tân đã sớm trở thành diễn viên đoàn cải lương Vinh Quang của Bắc Giang vào năm 1962.

Ông may mắn được gặp Bác Hồ trong cả 2 lần khi Bác về thăm Bắc Giang vào năm 1961 và 1963. Đấy là 2 sự kiện lịch sử quan trọng của Bắc Giang. Và mãi đến bây giờ, hình ảnh vị lãnh tụ của dân tộc trong bộ áo quần nâu giản dị vẫn còn in mãi trong tâm trí ông. Ông kể: “Khi ấy, tôi còn là đoàn viên thanh niên nông thôn xã Xuân Hương. Ngày 6-4-1961, Bác Hồ về thăm Bắc Giang, tôi cùng đại biểu quân dân chính đảng địa phương từ sáng sớm đã tập trung, đi bộ 6 cây số để đón “đại biểu quan trọng”. Hôm đó trời mưa, tôi nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ mời thiếu nhi cùng lên lễ đài với Bác. Rồi Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn cho tất cả cùng hát”. Lần thứ hai gặp Bác Hồ là vào năm 1963 khi hợp nhất 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc. Lúc ấy ông đã là diễn viên đoàn cải lương Vinh Quang, đoàn cải lương được thông báo cùng nhân dân thị xã Bắc Giang đón Bác Hồ tại sân vận động.

Những kỷ niệm ngắn ngủi trong hai lần được gặp Bác Hồ có lẽ đã trở thành sợi dây nhân duyên để trong suốt sự nghiệp diễn xuất của mình, ông trọn vẹn hóa thân vào hình tượng Bác. Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân bắt đầu thể hiện hình tượng Bác Hồ từ năm 1974. Vượt qua những điểm yếu về mặt hình thể bằng kỹ thuật hóa trang điêu luyện, ông bắt đầu nghiên cứu tư liệu, luyện tập giọng nói, phong thái của Bác. Để cho đến hôm nay, 44 năm đứng trên sân khấu trong hình tượng Bác Hồ, gần hai ngàn lần hóa thân, không biết bao nhiêu lần ông đã làm khán giả xúc động trước hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của dân tộc. Hình ảnh ông chọn thể hiện là giai đoạn lúc Bác Hồ đã cao niên nhưng vẫn còn khỏe mạnh, từ năm 1960 - 1965, với mái tóc bạc phơ, sắc diện hồng hào trong bộ quần áo kaki vàng kem, đi dép cao su.

Rèn luyện nên giống Bác

Nội dung trình bày trước khán giả được ông nghiên cứu, trích lọc kỹ càng từ những tài liệu chính thức của Đảng ta về Bác Hồ. Ông được sự góp ý của nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhất là được ông Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác Hồ tặng 10 tập Hồ Chí Minh toàn tập, cũng như trực tiếp góp ý về những cử chỉ, phong thái của Bác Hồ khi còn sinh thời.

Có thể nói, điều thành công của ông bên cạnh nắm vững những thông tin, tư liệu về Bác, cũng như phong thái của Người đó là ông đã luyện tập thể hiện thành công chất giọng Nghệ An trầm ấm của Bác Hồ. Để bắt chước, ông đã nghe lại những băng tư liệu ghi âm giọng nói của Bác, qua nhiều năm càng lúc càng thuần thục hơn. Ông kể: “Qua những đoạn băng ghi âm lời nói của Bác Hồ, tôi được biết thêm những lúc Bác đọc thơ, pha trò. Qua đó, phần nào hiểu hơn về phong thái của Người. Nhớ nhất là có đoạn ghi âm Bác Hồ đọc thơ: “Năm qua thắng lợi vẻ vang, Năm nay tiền tuyến chắc còn thắng to…”. Bác cứ đọc đi đọc lại mãi bài thơ này đến khi đọc tốt mới thôi. Có đoạn Bác hỏi những người ở cạnh khi đó: “Bác đã đọc tốt chưa? Bác đọc tốt thế sao không hoan hô Bác?” Bên dưới vừa khóc vừa hoan hô vì cảm động. Vì lúc ấy Bác Hồ bị bệnh, ho nhiều, đọc mấy lần mới xong”.

Đối với Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân, từ khi vào hình tượng Bác Hồ, cả trong đời thường ông cũng đã sống nền nếp và gìn giữ tác phong chuẩn mực. Trong giao tiếp, sinh hoạt, ăn uống không chè chén, say sưa. Ông nói: “Mình phải giữ hình tượng Bác Hồ mãi mãi thanh cao trong lòng mọi người”.

Ông đã đến Bến Tre 2 lần vào năm 1996 và năm 2003. Với lòng cảm phục tinh thần cách mạng, phong trào Đồng khởi của nhân dân Bến Tre, đặc biệt là Nữ tướng Nguyễn Thị Định, đến Bến Tre lần nào, ông cũng đến viếng đền thờ nữ tướng. “Nhìn thấy Bến Tre nay thay da đổi thịt, ngày càng phát triển, trù phú hơn xưa, tôi rất mừng vui”, ông nói.

Trong suốt cuộc gặp gỡ, ông không nói nhiều về mình mà câu chuyện đều xoay quanh về Bác Hồ, về những điều mà bản thân ông phát hiện, đúc rút ra được từ tác phong, phẩm chất cao quý của Người. Tất cả không cầu kỳ, phô trương mà là những điều vô cùng giản dị đã khiến ông rung động mãi không thôi. Có lẽ chính từ những điều đơn sơ ấy xuất phát từ con người vĩ đại Hồ Chí Minh đã làm cho người nghệ sĩ càng tâm huyết hơn, diễn xuất nhập tâm, có hồn hơn.

Hóa thân hình tượng Bác Hồ đối với ông không chỉ là một vai diễn, mà còn là cả một sự nghiệp dày công nghiên cứu, rèn luyện bản thân để trở nên giống Bác. Diện mạo có thể hóa trang, quần áo, giày dép có thể bắt chước, lời thoại có thể học thuộc, thần thái, giọng nói có thể luyện tập nhưng đáng quý nhất chính là làm sao để tư tưởng, đạo đức của Người thật sự thấm vào bản thân mình, trở thành một phần trong cách sống, cách làm việc hằng ngày và truyền tải đến mọi người; để cùng nhau học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách cụ thể.


Thanh Đồng
Theo Báo Đồng Khởi

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân - 44 năm vào vai Bác Hồ" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.