Một ngày làm việc của nghệ sĩ (NS) Mai Thành bắt đầu từ rất sớm. Tưới những chậu phong lan trắng ngoài sân rồi châm cho mình một bình trà ngon ngồi thưởng thức. Trời mưa hay nắng thì thói quen đó vẫn vậy.
Hạnh phúc giản đơn
Ông nói ít có ai thấy được giá trị của cuộc sống bình thường, một việc đơn giản nào đó nhưng mang lại nhiều niềm hạnh phúc. NS Mai Thành bộc bạch: "Đã sống một cuộc đời thì chúng ta phải sống cho trọn kiếp người dù cuộc sống có thế nào đi nữa. Sống yêu thương, chân thành, vị tha sẽ hưởng được trọn vẹn hạnh phúc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Chẳng mấy ai có thể hài lòng về cuộc sống của mình nhưng mỗi người phải biết tự cân bằng trong cuộc sống; đừng bao giờ để mình rơi vào tình trạng bế tắc, không có lối ra".
Năm 13 tuổi, ông cùng gia đình di cư từ Long Xuyên lên Sài Gòn. Cha mẹ ông chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Mê hát từ nhỏ, ông đếm tháng ngày lớn lên bằng những cái nghề có thể giúp gia đình có tiền đong gạo. Cứ mỗi lần có được tiền ăn sáng, ông gom góp đi mua những cuốn sách in bài ca vọng cổ để tập ca. Ba năm sau, ông thi vào khóa diễn viên đầu tiên của Trường Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM). "Thầy Năm Châu và cô Bảy Phùng Há cưng tôi lắm, khi đó chạy cờ, múa kiếm, nhắc tuồng, làm quân hầu, múa ngựa... tôi đều làm. Cả ngày không muốn rời sàn tập, ai dạy gì thì cũng học và làm cho tới cùng. Có thể nhờ cá tính đó mà tôi được thầy cô khen là kép cải lương tử tế" - ông bồi hồi nhớ lại.
Không hẳn "người về rũ áo lau son phấn" khi sàn diễn cải lương đụng một trận "té lửa" với phim ảnh Hồng Kông, khiến các gánh hát trôi dạt khắp nơi, lúc đó, ông về trụ hẳn ở Đoàn Kịch nói Kim Cương. "Tưởng rằng Mai Thành sẽ diễn lại cải lương nhưng khi ra kịch, anh đã cùng tôi mở đường để có được một dòng kịch Nam Bộ tại Sài Gòn. Thời đó, Mai Thành cũng đắt sô lắm, quay truyền hình cho nhiều ban kịch, vai ông già là số 1. Không để bị trùng lắp với những vai diễn đã đóng, mỗi khi tập tuồng, Mai Thành là người có ý kiến tranh luận nhiều nhất để vai mình hay, vai bạn diễn cũng hay" - NSND Kim Cương trìu mến nhắc lại.
U80 chưa ngơi nghỉ
Năm nay đã 78 tuổi, ông chưa một ngày ngơi nghỉ. Cứ có phim, có kịch là lên đường cùng cái ba-lô quen thuộc. Vóc dáng khắc khổ nhưng gương mặt phúc hậu, chòm râu bạc trắng, ánh mắt đăm chiêu, ẩn chứa bao nỗi niềm. Sâu tận trong những cái nhìn thân thương, truyền cảm của ông là tia sáng mang lại hơi ấm cho người bạn diễn; dù trẻ tuổi hay trung niên, họ đều nhận từ ánh mắt đó sự ân cần chia sẻ. Ở bất kỳ đoàn làm phim nào, sau khi đóng máy hoặc vở diễn nào ngưng diễn sau một thời gian miệt mài di chuyển từ thành thị cho tới thôn quê, các đồng nghiệp trẻ đều xúc động lưu luyến khi phải chia tay NS Mai Thành. Vợ ông thường than rằng ông là người hay bị ám ảnh bởi đời sống nghệ thuật. Dứt khỏi phim, kịch rồi nhưng vai diễn đó cứ theo ông về nhà.
Tôi có dịp trò chuyện cùng ông mỗi khi Đoàn Kịch nói Kim Cương họp mặt. Ông là người luôn đến sớm hơn tất cả mọi người. Ông nói: "Quen rồi, đi đâu cũng không để ai chờ đợi mình". Ông miên man kể về bước đường đưa đẩy ông trở thành học trò cưng của NSND Phùng Há. Ông nói đời ông diễm phúc hơn nhiều đồng nghiệp là được làm học trò của 2 ngôi sao bắc đẩu của cải lương và kịch, đó là NSND Phùng Há và NSND Bảy Nam.
Khi hỏi ông trăn trở điều gì nhất ở tuổi đời gần 80 này, ông cười và nói: "Tôi mong có được cơ hội như má Bảy Nam ở tuổi 94 vẫn được diễn cùng con cháu, dẫu một suất thôi cũng mát dạ".
Đau đáu về chuẩn mực làm nghề
Một thành viên của Đoàn Kịch nói Kim Cương có 3 năm lăn lộn ở cánh gà sân khấu, NSƯT Hữu Châu kể lại: "Tôi thích xem chú Mai Thành diễn vai ông cậu Sinh trong vở kịch "Lá sầu riêng" mà sau này tôi có được dịp diễn lại nhân vật này. Vai chỉ có 2 lớp nhưng nhân vật có 2 giai đoạn để diễn viên hóa thân. Tôi quan sát chú Mai Thành diễn, rồi tự mình suy nghĩ từ cách hóa trang, dáng đi cho đến giọng nói. Chú chăm chút, tỉ mỉ lắm; bà ngoại Bảy Nam khó trong cách làm tuồng bao nhiêu thì chú Mai Thành cũng y như thế nên vai nào chú diễn đều toát lên thần sắc, đầy ấn tượng".
"Nghệ thuật rộng lớn muôn trùng, mình thì quá bé nhỏ. Thế nên khi đã nhận vai thì phải cố gắng mang hết sức lực, không lấy cái danh của mình mà làm ẩu" - NS Mai Thành bộc bạch.
Ông nói mình thấy đau nhất khi chuẩn mực làm nghề của giới sân khấu bị xem nhẹ thời gian gần đây. Tuổi trẻ hiện nay gắn với nghệ thuật nhờ có truyền thông và "lợi ích nhóm" nên nhanh nổi tiếng. Bạo phát, bạo tàn là điều tất yếu xảy ra khi chính NS xem nhẹ vai trò là chiến sĩ của mình. "Tôi nhớ chú sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) lúc sinh thời đến thăm Đoàn Kịch nói Kim Cương, ông trìu mến nói với anh em chúng tôi: Văn hóa là thứ hàng hóa đặc biệt. Người làm văn hóa cũng phải đóng chuẩn sự đặc biệt đó".
Chuẩn mực làm nghề đối với ông còn được hiểu qua việc sắp xếp học tuồng, thuộc tuồng và có sự tương tác với bạn diễn. Ông nói ngày nay giới trẻ làm gì cũng vội và sản phẩm của họ làm ra đều đóng chữ "vội" nên khán giả bị "dội". Cũng may sớm lộ diện nhiều lỗ hổng để cho công luận lên tiếng chấn chỉnh. "Tôi cho rằng mọi sự lộn xộn mà báo chí nêu sẽ được những người làm nghề có tâm điều chỉnh lại" - NS Mai Thành tin tưởng.
25 năm trôi qua, kể từ ngày đóng bộ phim đầu tiên, niềm say mê điện ảnh trong lòng ông vẫn dạt dào. Hiện nay những khi rảnh, ông vẫn tranh thủ dạy ca hát, dạy múa cho các diễn viên trẻ tại nhà văn hóa các quận và Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, CLB Bừng Sáng...
Ông còn âm thầm dìu dắt nhiều diễn viên trẻ của các sân khấu kịch khi họ nhận vai lão. Hàng trăm vai diễn ông lão từ giàu có cho đến nghèo hèn đều được ông rút ruột truyền lại. Các diễn viên trẻ học ở ông không phải qua thị phạm của một người thầy trên bục giảng mà qua những lời phân tích, gợi mở để họ cùng ông đi vào tận sâu thẳm mối quan hệ của các nhân vật.
Cuộc sống đời thường của ông rất hạnh phúc với người vợ và 8 con. Con út của ông năm nay đã 32 tuổi, đại gia đình của ông cộng lại có 36 con, cháu, dâu, rể. Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình của ông là: "Làm đúng bổn phận của mình".
NS Mai Thành sinh năm 1939. Ông được biết đến với các vai diễn trong các vở cải lương nổi tiếng như: "Khi người điên biết yêu", "Giai nhân và ác quỷ", "Lá sầu riêng", "Dưới hai màu áo", "Men nắng", "Vó ngựa truy phong"...
Năm 1981, ông bắt đầu bước vào làng điện ảnh với vai diễn đầu tiên, giám đốc Tư Trực trong phim "Biển sáng". Sau này các đạo diễn tìm vai ông già đều mời ông thể hiện và ông được khen ngợi qua các phim: "Xóm nước đen", "Chuyện của Tuấn", "Chim phóng sinh", "Chung cư", "Con chó Phèn", "Ngày ấy quê tôi", "Người đẹp Tây Đô", "Sương gió biên thùy"...