Nếu bên lĩnh vực ca nhạc, những ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương, Đàm Vĩnh Hưng… ngoài đam mê nghệ thuật còn thành lập công ty riêng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực để duy trì sự giàu có, nổi tiếng của mình. Hoặc họ liên doanh với các nhà đầu tư vốn là bạn bè, khán giả thâm tình, cho mượn tên làm thương hiệu để mở các tiệm buôn bán thức ăn, quán cà phê, quán kem, thậm chí kinh doanh "mì cay Hàn Quốc cấp độ cao". Tất cả đều phất lên nhờ vào sự nhanh nhẹn, dựa vào uy tín, tên tuổi sáng rực trong nghệ thuật. Thế nhưng, với nghệ sĩ sân khấu cải lương, điểm lại sẽ thấy họ luôn gặp nhiều gian truân trong việc kinh doanh, dẫu biết rằng nếu có nghề tay trái sẽ là cứu cánh đối với đời sống của họ hiện nay khi sàn diễn cứ tắt đèn vì thiếu khán giả.
Sau ba năm nhìn lại lò bánh mì đã từng đổ vốn đầu tư hơn cả tỷ đồng, nghệ sĩ Cẩm Thu chua xót: "Thức khuya, dậy sớm là chuyện bình thường. Làm lò bánh mì sức nóng của than đốt như thiêu sống mình sau mỗi suất đi diễn hoặc đi quay phim cải lương về. Đời nghệ sĩ đi hát về khuya mà sáng sớm phải dậy để điều động nhân viên nướng bánh, giao bánh đúng hẹn, nghĩ lại thấy oải vô cùng. Nhưng lúc đó ham lắm, vì nếu thành công thì nghề tay trái này sẽ là phương tiện gánh vác cho thu nhập đủ để các con ăn học, rồi chi phí cho nhiều công việc mà trước đó vẫn còn nợ như: sửa nhà, mua xe hơi trả góp…Thế rồi lò bánh mì cứ bị thâm hụt vốn vì các đại lý nhận bánh xin ghi nợ. Có đại lý quỵt luôn, trốn mất. Chưa kể đến các xe bán bánh mì dạo, mua mỗi ngày một ít nhưng kết toán cuối tháng gần 1000 ổ, và một buổi sáng đẹp trời xe bánh mì….mất tích. Do mình tin nên không hỏi nhà cửa ở đâu, vậy là mất tiền. Cứ thế không bao lâu dẹp lò trong cơn khủng hoảng vì… nợ".
NSND Ngọc Giàu một thời sang sạp vải bán ở chợ Bến Thành kể: "Khán giả biết Ngọc Giàu buôn bán vải cũng ra chợ mua ủng hộ. Nhưng rồi về sau người ta đi coi mặt Ngọc Giàu ngồi bán vải nhiều hơn là… mua vải. Với lại bán buôn thì phải có lời, có lãi, Ngọc Giàu nghe khán giả trả giá riết mà không bớt thì cũng kỳ, mà bớt riết thì không có lãi. Tiền thuế, tiền vải tồn, tiền sang quầy kinh doanh… đủ thứ tiền khiến cuối tháng chóng mặt, mà vốn thì cứ thâm hụt, bù lỗ mãi. Chỉ chưa đến 6 tháng, tôi sang tiệm vải". Theo bà, ông Tổ nghề dường như chỉ cho nghệ sĩ cải lương sống một nghề, hiếm hoi lắm mới có được nghệ sĩ làm nghề tay trái mà thành công.
NSƯT Ngọc Huyền cũng từng mở lò bán bánh ngọt ở Phú Nhuận. Khi đó tiệm bánh khang trang và đông khách. Nhưng rồi chỉ trụ được thời gian ngắn bởi cách tính toán để đủ lãi dành cho chi phí đầu tư đã không khéo, dẫn đến thua lỗ. "Thời đó, Huyền và mẹ cực lắm. Lo đủ mọi chuyện, từ nhân công cho đến vật liệu chế biến, rồi kể cả các kiểu bánh để có sức cạnh tranh. Nhưng vẫn phải rời bỏ ý định làm nghề tay trái vì dường như ông Tổ không đãi ngộ mình, chỉ muốn mình toàn tâm, toàn ý cho sân khấu" - NSƯT Ngọc Huyền kể.
NS Bình Tinh và ca sĩ Nhật Minh hùn vốn mở tiệm chăm sóc sắc đẹp và làm tóc (ở quận 1, TP HCM) cũng không mấy thành công. Cả hai rút khỏi phần hùm khi "người bạn thân thương tình cho nợ lại con số mà mình phải bù đắp vì lỗ. Nghệ sĩ khó mà kinh doanh nếu không có đủ vốn. Vì đủ tiền mới có thể duy trì chịu đựng để nuôi thương hiệu, còn hùn vốn sẽ không kham nổi vì lãi suất ngân hàng" - NS Bình Tinh cho biết.
Nghệ sĩ Linh Tý một thời cũng vay nợ ngân hàng để mở tiệm cho thuê Internet tại nhà. Số tiền đầu tư mua máy, cài đặt đủ thứ công nghệ mới, ngốn hết gần 500 triệu đồng. Nhưng rồi chỉ hoạt động được vài tháng thì "phải tu bổ liên tục hệ thống máy mới, mà tiền nợ cũ chưa thanh toán lấy đâu đầu tư cái mới. Khách vào tiệm chê vì thiếu nhiều ứng dụng và cứ thế vắng dần, đến dẹp tiệm". NS Linh Tý cho biết khi anh dồn số vốn cuối đầu tư quán ốc cùng với diễn viên điện ảnh Hùng Thuận, rồi cũng hoạt động vài tháng, đành sang lại quán trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, TP HCM.
NSƯT Thanh Điền và Thanh Kim Huệ một thời kinh doanh tiệm chụp ảnh nghệ thuật. Nhưng sau một năm thua trắng vì tiền thuê nhà quá cao. Chi phí mua sắm trang thiết bị, đầu tư cho mỹ phẩm, phục trang áo cưới ngốn hàng trăm triệu đồng. "Chúng tôi vất vả một thời gian mới sang lại toàn bộ đồ nghề với giá rẽ. Lỗ nhiều nên đau xót lắm!" - NSƯT Thanh Điền chua xót.