Trước khi đặt bút viết phóng sự “Nghề rừng”, tôi đã định tách riêng mảng nghề đi tìm trầm làm một phóng sự riêng biệt. Bởi tìm trầm là một nghề mang quá nhiều nổi đau và nước mắt. Cái nghề mà đằng sau những giấc mộng mong đổi đời thì rất nhiều vết thương vẫn mãi rỉ máu và những giọt nước mắt không thể lau khô cho những nổi đau tột cùng của mất mát. Sau cái chết của thương tâm của 5 phu trầm quê ở Quảng Bình làm rúng động cả nước, tôi chắc rằng giờ này ở đâu đó nơi những cánh rừng biên giới heo hút vẫn còn rất nhiều người đang lang thang giữa rừng thiêng nước độc để tìm trầm. Họ bất chấp cả tính mạng của mình để đi tìm giấc mộng đổi đời.
Ghé làng trầm Gia Hưng (xã Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) vào những ngày đầu năm, chúng tôi đã thấy những con người với những cái gùi bạc màu thời gian đang lầm lũi đứng đón chuyến xe đò buổi sáng để bắt đầu những chuyến tìm trầm dài ngày. Khi chiếc xe đò củ kỹ “cõng” những người phu trầm nặng nề xả làn khói đen kịt đi khuất, những người đưa tiễn bắt đầu ra về thì một người phụ nữ trẻ, bụng đang mang bầu và đứa con gái nhỏ vẫn đứng đó bần thần nhìn theo chiếc xe. Trên khuôn mặt chị thoáng những nét buồn. Khóe mắt của chị, giọt nước mắt vẫn chưa kịp khô khi chúng tôi bắt chuyện.
Chị là Nguyễn Thị Lam (Sinh năm 1989, trú xã Hưng Trạch) đang mang bầu tháng thứ 8 và đứa con gái nhỏ 3 tuổi tên Thương. Trên chuyến xe đò cũ kỹ vừa chạy có người chồng của chị anh Trần Văn Thi (Sinh năm 1988) theo những bạn trầm bắt đầu một chuyến đi mới mà chưa chắc đến ngày chị sinh em bé anh đã về kịp. Giọng buồn chị kể, chị lấy chồng đã bốn năm, vợ chồng chị đã cất được một căn nhà cấp 4 bằng toàn bộ số tiền mà chồng chị đi trầm gần 10 năm tích góp lại. Chồng chị theo nghề tìm trầm trước cả khi quen và lấy chị. Ra ở riêng, hai vợ chồng chỉ được 2 đám ruộng nhỏ do hai gia đình nội ngoại cắt cho, không đủ để chị làm nên anh tiếp tục theo chúng bạn đi tìm trầm. Chuyến đi của anh vừa rồi là chuyến mà chị phải khóc nhiều nhất từ khi lấy anh. “Bận đó, khi mấy phu trầm bị giết ở Quảng Trị được mấy bữa thì anh và hội của anh lại gùi cõng đi, làm tôi không ăn không ngủ được vì lo. Lạy trời chuyến đó anh đi ngắn ngày nên hơn tháng là về chứ đi lâu chắc ở nhà tôi cũng héo gầy mà chết vì lo”. Ở nhà được mấy bữa, anh lại tiếp tục lao theo giấc mộng trầm kỳ để người vợ trẻ ở nhà một mình vật vã với những cơn ốm nghén. Chỉ đến ngày 25 tết anh mới về với một ít tiền trang trải mấy ngày tết và đủ để đóng gùi cho chuyến đi tiếp.
“Ở cái làng Gia Hưng này người ta có nhà xây ở cũng do trầm mà người ta bỏ mạng cũng vì trầm”. Ông Trần Văn Lân một lão nông thở dài khi nói về chuyện trầm với chúng tôi. Theo ông Lân, làng Gia Hưng không chỉ có những người đóng gùi vào Quảng Trị, Khánh Hòa hay vào sâu tận biên giới Lào để tìm trầm mà còn có rất nhiều người sang cả Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Malaysia để làm trầm.
Đa số các phu trầm đều nuôi giấc mộng đổi đời nhờ trầm nhưng kết quả thì đa số họ nhận lại là ốm đau bệnh tật và cả những cái chết. Đến nay, nhắc đến những cái chết của phu trầm, ai không biết đến số phận nghiệt ngã của 5 phu trầm Quảng Bình bị giết ở vùng biên giới Lào, ở vùng rừng Quảng Trị. 5 phu trầm này họ đều là những người nghèo, họ quyết tâm thay đổi số phận mình bằng giấc mộng tìm trầm. Nhưng rồi giàu sang, tiền bạc đã không đến với họ mà cái giá họ trả là những cái chết đau lòng nơi vùng rừng thiêng nước độc lạnh lẽo. Một ngày nghiệt ngã đầu tháng 3/2013, 7 phu trầm quê Quảng Trạch, Quảng Bình đã gặp phải những tên “cướp rừng”. Không có tài sản để cướp, 5 trong số 7 người đã bị bọn cướp giết chết dã man như thời Trung cổ. Năm con người bị đánh chết tức tưởi và bị bọn cướp chôn cùng một cái hố. Hai người may mắn thoát chết có lẽ sẽ không bao giờ quên chuyến đi định mệnh đó.
Ở Quảng Bình, việc những phu trầm bỏ mạng trong rừng hay thậm chí là bỏ mạng ở đất khách quê người không còn là chuyện hiếm nữa. Cách làng Gia Hưng khoảng 50km, làng trầm Trúc Ly (xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) gần đây cũng nổi sóng vì những cuộc xuất ngoại tìm trầm. Ngày xưa, Trúc Ly vốn là một làng chài lưới, người dân sống với những mẻ cá, con tôm trên sông Nhật Lệ. Nhưng sau này nhiều người đã kiếm thêm nghề mới là lên rừng tìm trầm. Cho đến nay, nghề trầm đã thành nghề chính của làng với hơn 500 người theo nghề trong đó hơn 100 người đã xuất ngoại tìm trầm ở các nước như ở làng trầm Gia Hưng đã đi. Nghề trầm đã mang lại lợi ích kinh tế trước mắt cho những phu trầm, điều đó là không thể phủ nhận. Nhưng để kiếm được những đồng tiền đó, mô hôi nước mắt và máu đã đổ khá nhiều. Chưa kể đến làng Gia Hưng, riêng ở làng Trúc Ly, theo thống kê đã có hơn chục người chết vì trầm. Năm 2011 đến năm 2012 Trúc Ly đã có 16 người bỏ mạng nơi xứ người vì giấc mộng trầm.
Khi viết về bài này, tôi chợt nhớ đến một người cũng làm nghề tìm trầm mà tôi đã gặp lúc giáp tết Nguyên Đán. Đó là Nguyễn Sỹ Hoàng (SN 1987, ở Xuân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Hoàng cũng là một người đi trầm nhưng chỉ đi mót trầm ở những vùng rừng gần, với những chuyến đi ngắn ngày chừng trên dưới một tháng/chuyến. “Bọn em đi mót những mụn mùn trầm nhỏ bằng hạt lúa còn sót lại ở những gốc trầm đã khai thác ngày xưa thôi. Ngán đi xa rồi”. Tôi đã không tin vào mắt mình khi Hoàng khoe “chiến lợi phẩm” mà anh kiếm được sau gần 1 tháng ăn dầm nằm dề đào bới trong rừng. Đó những mẫu trầm chỉ bằng hạt lúa, hạt lớn nhất bằng nửa đốt ngón tay được đựng trong chưa đày một lọ thuốc berberin. “Năm 2012 em đi trầm gần bên Lào anh kìa, nhưng một lần ngã lèn (đá vôi) vợ nuôi mất 2 tháng và một lần suýt trôi vì lũ trong rừng nên em sợ quá chừa luôn. Giờ em chỉ kiếm loanh quanh những vùng rừng gần, cầu cho may mắn mỗi tháng được vài triệu nuôi vợ con là được rồi”.
“Đi vào rừng sâu thì có khi trúng trầm để đổi đời nhưng con cũng dễ mồ côi cha lắm”, câu nói đùa của Hoàng mà chúng tôi thấy nó đúng với nghề “ngậm ngãi tìm trầm” quá, và cũng nghe sao chua chát cho một cái nghề mà đồng tiền nhiều khi phải đổi bằng tính mạng – Nghề rừng.