Năng khiếu ca hát của Trần Văn Hồng đã bộc lộ khi mới lên 5, lên 6. Ở tuổi ấy, cậu đã biết hát, biết luyến láy những giai điệu dân ca ví giặm ở những âm vực cao, thấp khác nhau một cách đầy truyền cảm. Ngày qua ngày, cậu vẫn nuôi dưỡng tình yêu ấy qua những buổi luyện hát cùng bà, cùng mẹ và mạnh dạn tham gia những cuộc thi tại xóm và trường học.
Tới năm 11 tuổi, mốc son đánh dấu sự trưởng thành trong ca hát của cậu bé Trần Văn Hồng là khi cậu đạt giải Nhất trong Hội thi văn nghệ do trường tổ chức và tiếp đó là giải cao nhất Hội thi văn nghệ cấp huyện. Từ đó về sau, Trần Văn Hồng tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương và chinh phục trái tim của nhiều người yêu dân ca ví giặm bằng chính giọng hát của mình.
Khi những nông trường trên vùng Phủ Quỳ không còn nhộn nhịp như trước, những buổi diễn xướng và đối đáp cũng ngày càng thưa dần. Nặng lòng vì một giá trị văn hóa dân gian có nguy cơ bị mai một, lúc đó trong anh đã có một mong muốn đến cháy bỏng là khôi phục và gìn giữ lại những làn điệu ví, giặm của quê hương.
Để hiện thực hóa mong muốn đó, năm 1995 anh thành lập Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca ví giặm xã Đông Hiếu. Từ con số khiêm tốn chỉ có 4 người tham gia vào thời điểm đó, đến nay đã lên tới 31 thành viên.
Theo chia sẻ của anh, thành viên trong câu lạc bộ đầy đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Họ là những người nông dân, những công nhân, viên chức có chung niềm đam mê ca hát. Thời gian đầu hoạt động, Câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn nhưng vượt lên tất cả, các thành viên vẫn say sưa luyện tập và cất công sưu tầm những làn điệu dân ca ví giặm cổ và sáng tác lời mới cho nhiều làn điệu, màn đối đáp. Từ đây, tình yêu về dân ca, ví giặm đã ngày càng lan tỏa đến nhiều người.
Đặc biệt, câu lạc bộ đã tạo được tiếng vang sau nhiều hội thi, hội diễn trong vùng và cả trong khu vực. Gần đây nhất, câu lạc bộ đã đại diện cho tỉnh tham gia hội thi xây dựng gia đình hạnh phúc được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam. Đoàn vinh dự được đứng thứ 7 trong 46 đoàn tham gia của toàn quốc và đạt giải tiết mục mở đầu xuất sắc nhất của hội thi.
Trước đó, vào năm 2012, câu lạc bộ đã đạt giải A của Chung kết Liên hoan Dân ca ví giặm toàn tỉnh.
Những thành tích mà câu lạc bộ đạt được có sự đóng góp không hề nhỏ của nghệ nhân Trần Văn Hồng.
Anh Trần Văn Hồng bên những bằng khen, giấy khen do cá nhân anh đạt được trong gần 30 năm hoạt động ca hát dân ca ví, giặm.
Về cá nhân anh, trong 30 năm gắn liền với tình yêu dân ca ví giặm, anh đã gặt hái được nhiều thành tích, được trao tặng nhiều bằng khen, giải thưởng. Nổi bật trong đó là vào năm 2013 anh được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và được tặng thưởng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam. Năm 2015 được công nhận nghệ nhân ưu tú. Thời điểm đó, anh là nghệ nhân ưu tú trẻ nhất tỉnh được nhận giải thưởng này.
Với những thành tích đó, rất nhiều người đã dành sự ái mộ đối với cống hiến không mệt mỏi của anh trong gìn giữ một giá trị văn hóa dân gian quý giá của dân tộc. Nhưng đối với anh, những giải thưởng đó không phải là đích đến cuối cùng mà chính là sự truyền lửa cho những thế hệ trẻ sau này. Đó chính là lý do khiến anh và các thành viên còn lại của câu lạc bộ do mình thành lập không ngại ngần tìm kiếm các hạt nhân có năng khiếu văn nghệ rồi từ đó truyền dạy cho các em những làn điệu dân ca truyền thống.
Em Trần Ngọc Dịu, lớp 7A, trường THCS Đông Hiếu là một trong những tài năng trẻ được anh Hồng nhiệt tình truyền dạy.
Cùng với đó, anh còn tiến hành truyền dạy cho nhiều học sinh tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trên địa bàn thị xã. Từ đây, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành và gặt hái được nhiều thành tích, từ đó tạo sự lan tỏa mạnh mẽ tình yêu dân ca ví, giặm trong thế hệ trẻ hôm nay của vùng thị xã Thái Hòa nói riêng và Phủ Quỳ nói chung.