Nghệ nhân Kim Nghinh
Nhờ vậy, chỉ sau một năm học, cậu bé Kim Nghinh đã có thể theo cha đi biểu diễn kéo đàn cò vào những các dịp lễ hội tại các chùa Khmer trong huyện. Lời khen một nhạc công nhí chơi đàn cò rất hay đã đến tai Ban lãnh đạo Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh.
Với mong muốn vun đắp cho tài năng trẻ, năm 1982, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã tuyển dụng và đào tạo Kim Nghinh học thêm các loại nhạc cụ truyền thống để bổ sung vào lực lượng nhạc công của đoàn. Chỉ sau 3 năm học tập, Kim Nghinh đã sử dụng thành thạo tất cả các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm và chính thức trở thành nhạc công chính của đoàn khi vừa tròn 18 tuổi.
Tuy đã trở thành nhạc công trụ cột của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, nhưng NSƯT Kim Nghinh vẫn không bao giờ thấy tự mãn. Anh bộc bạch: “Tôi đến với nghệ thuật ngoài lòng đam mê còn có thêm trách nhiệm là góp sức mình để phát huy nền nghệ thuật của dân tộc lên tầm cao hơn và sâu rộng hơn. Bởi đây là tâm nguyện cha tôi đã đeo đuổi gần suốt cuộc đời”.
Ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ của người nhạc công, anh bắt tay vào sáng tác. Tuy chưa từng được đào tạo về sáng tác âm nhạc dân tộc Khmer, nhưng chỉ bằng vốn kinh nghiệm nhạc lý và tình yêu nghệ thuật, NSƯT Kim Nghinh đã gặt hái được thành công rất lớn. Năm 1988, nhạc phẩm “Tình ca” đầu tay của anh sáng tác đã được đông đảo công chúng đón nhận. Từ đó đến nay, anh đã cho ra đời trên 40 nhạc phẩm. Hầu hết các nhạc phẩm mà nghệ sỹ Kim Nghinh sáng tác mang chủ đề ca ngợi về người mẹ, về tình yêu quê hương, đất nước, chứa đựng sâu sắc tính nhân văn. Những nhạc phẩm: Ơn mẹ, Cô gái đồng quê, Tình chung thủy, Bóng cây thốt nốt, Mùa hoa nở… là những tác phẩm thường xuyên được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Trà Vinh thu âm phát sóng, là những tác phẩm được đông đảo đồng bào Khmer ở Nam bộ yêu thích, thường xuyên gửi thư yêu cầu.
Ở tuổi đời 45, NSƯT Kim Nghinh không chỉ là nhà sáng tác, nhạc công giỏi mà còn là người thầy rất tận tâm đào tạo lớp nghệ nhân trẻ kế thừa của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh và các đội nhạc lễ ở các chùa Khmer trong tỉnh.
Tâm sự về những dự định trong tương lai, NSƯT Kim Nghinh cho biết: “Hiện nay, nhạc cổ truyền dân tộc Khmer ở các phum sóc thông qua việc truyền miệng còn khá nhiều, nhưng chưa có ai cất công sưu tầm, ghi chép lại, nên nguy cơ mai một rất lớn. Vì vậy, tôi đang ấp ủ một tâm nguyện sưu tầm, ghi chép lại để bổ sung vào kho tàng nghệ thuật của dân tộc mình. Là nghệ nhân có thể góp được chút sức mình vào công việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc thì đó mới niềm vui, mới gọi là đền đáp nghĩa tình với công chúng”.