Nghệ nhân “Chín Quý”

19/06/2016 10:07

Theo dõi trên

Hẹn đến lần thứ 3, chúng tôi mới gặp được nghệ nhân “đặc biệt” Lê Thanh Quý (hiện ngụ phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) bởi ông luôn bận rộn với những “sô” biểu diễn dày đặc ở các tỉnh miền Tây.

 
Nghệ nhân Lê Thanh Quý đang biểu diễn
 
Dù đã ở tuổi 67, nhưng ông vẫn tỏ ra nhanh nhẹn, vui tính khi kể về cơ duyên của mình để gắn bó với các nhạc cụ phục vụ loại hình đờn ca tài tử, cải lương, nhạc lễ gần 50 năm qua. Năm 13 tuổi, ông làm quen với cây đàn bầu do cha ông biểu diễn tại quê nhà (tỉnh Khánh Hòa). Năm 17 tuổi khi ngón đờn khá điêu luyện ông đầu quân cho các đoàn cải lương: Hương Mùa Thu, Kim Chung, Đồng Tháp Mười, Hương Tràm, Hương Biển… Cũng trong thời gian này duyên nợ đã gắn kết ông với nghệ sĩ Trang Kim Tuyến cho đến nay.
 
Năm 1993, ông về công tác tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) với vai trò vừa là nhạc công, vừa huấn luyện các loại nhạc cụ cho lớp trẻ tại địa phương. Điều rất đặc biệt là nghệ nhân Lê Thanh Quý hiện đang sử dụng rất thuần thục nhiều loại nhạc cụ dân tộc như: đờn bầu, cò, sến, hạ uy cầm, ghi ta...
 
Ông Quý tâm sự: “Nhạc cụ dân tộc là vốn quý của đất nước, mình phải biết tôn trọng, giữ gìn và phát huy nó không để bị mai một theo thời gian…”.
 
Không chỉ vậy, nghệ nhân này hiện đang sở hữu nhiều loại nhạc cụ dân tộc tự chế rất độc đáo có một không hai tại Việt Nam như: đờn tam huyền di (thay thế cùng lúc 3 loại: đờn tranh, đờn bầu và đờn hạ uy di); đờn vĩ cầm kết hợp đờn gáo; đờn măng-đô-lin kết hợp trống nhạc lễ và đờn sến; đờn ngũ âm huyền (kết hợp cùng lúc 5 cây đờn bầu)…
 
Nghệ nhân Lê Thanh Quý kể thêm: “Tôi luôn tìm tòi sáng tạo cái mới, cái khác lạ của nhạc cụ dân tộc để quảng bá đến người hâm mộ trong và ngoài nước…”.
 
Tiếng lành đồn xa, nhiều địa phương khắp cả nước đã mời ông đi lưu diễn để “mục sở thị” ngón đờn và các nhạc cụ “kỳ dị” của ông. Riêng bản thân ông đã đạt rất nhiều giải thưởng về loại hình biểu diễn nhạc cụ từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố.
 
Điều rất trân trọng là tất cả các thành viên trong gia đình ông gồm vợ chồng ông, con trai, con dâu đều tham gia biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa thị xã Ngã Bảy. Bên cạnh đó, khi người hâm mộ có yêu cầu thì cả gia đình “Chín Quý” sẵn sàng phục vụ với nhiều thể loại khác nhau như: hát nhạc lễ, trích đoạn cải lương, đờn ca tài tử, vọng cổ, tân nhạc với những loại nhạc cụ “không đụng hàng”.
 
Dù thành công đến vậy, nhưng hiện nay, nghệ nhân Lê Thanh Quý vẫn canh cánh nỗi lo: “Tôi rất buồn vì chưa có truyền nhân thực sự, điều kiện để biểu diễn quảng bá, truyền dạy cho lớp trẻ quá hạn hẹp, chưa được quan tâm, đầu tư thỏa đáng…”.

Theo Báo Hậu Giang

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân “Chín Quý”" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.