Nghe nhạc - Niềm vui duy nhất

21/01/2021 16:28

Theo dõi trên

Nghe nhạc - đấy là niềm vui duy nhất có ở loài người. Và khoảng 5 năm gần đây, loài người đã thử nghiệm cho loài bò nghe nhạc cổ điển, uống bia ở Nhật, Úc. Còn ở Việt Nam chả biết có phải tếu không, người ta thử nghiệm cho bò nghe Mr Đàm hát. Thật là kỳ diệu!

Bữa nọ, bọn tôi gồm mấy người mỗi người làm việc một lĩnh vực và có một vị thuộc dạng không vừa đâu trong lĩnh vực âm nhạc. Chúng tôi tranh cãi nảy lửa về gu âm nhạc. Rồi có vị hăng quá hùng hồn tuyên bố người có văn hóa cao thì phải biết nhạc cổ điển, nghe được nhạc cổ điển. Tôi cãi, vớ vẩn, nghe nhạc gì là sở thích của mỗi người. Có ông “bác học bỏ mẹ ra” lại thích nhạc Bolero. Điển hình có lần tôi chứng kiến một người tôi quen biết ngủ khò khò trên hàng ghế VIP, ngay từ bản nhạc hòa tấu đầu tiên của buổi công diễn dàn dựng công phu của một nghệ sĩ nổi tiếng.
 

Vậy người quen của tôi có đáng trách vì không nghe được nhạc “hàn lâm” không? Không! Anh ta chỉ đáng trách vì nếu đã không thích nghe dòng nhạc này thì đừng cả nể mà đi để rồi ngủ gật. Gây nên một hình ảnh thiếu tính thẩm mỹ trong một không khí toàn những người khá nghiêm túc hoặc giả vờ nghiêm túc nghe nhạc.
 
Nói giả vờ vì đại đa số các vị không biết nghe vì nhiều lẽ. Trước khi biểu diễn một bản nhạc, hoặc hòa tấu nào đó nhất là sonate, người dẫn chương trình thường giới thiệu sơ lược về bản nhạc: mở đầu, diễn biến và kết thúc… Cách giữa mỗi đoạn thường có dừng một chút để chuyển sang đoạn tiếp theo. Nhưng các vị đại sư nghe nhạc nhà ta vỗ tay ầm ĩ tưởng là đã kết thúc. Rồi khi nghệ sĩ tiếp tục chơi thì mới tẽn tò nhìn nhau. Ôi xấu hổ quá. Chưa hết mà đã vỗ tay rầm rầm.

Thực ra chẳng ai tự biết tất cả mọi việc. Nếu ngày bé của tôi không rơi đúng vào thời bao cấp cả xã hội nghèo khó, chẳng có thứ gì giải trí hoặc trau dồi văn hóa ngoài cái radio thì có lẽ tôi cũng chẳng có chút hiểu biết nào về âm nhạc. Ngày ấy, vào mỗi buổi trưa, chương trình âm nhạc cổ điển và thính phòng kéo dài 1 tiếng. Ban đầu nghe buồn ngủ kinh khủng vì chả thấy gần gũi thân thương bằng Ca Huế, Chèo, Ca Trù, Quan Họ quê mình. Bố cái thằng tây, nhạc gì mà cứ nghe tí là buồn ngủ. Mãi về sau ba tôi mới hướng dẫn cho nghe. Đây, cái đoạn này chính là vĩ cầm, nghe nó réo rắt hơn Guitare. Đây là sáo, đây là Saxophone, đây là Trumpet… đại loại thế. Dần dần mới thích nghe để đầu tiên là thử xem khả năng nhận biết nhạc cụ, sau mới đến cảm nhận tiếng nhạc chơi hay hay dở… Đến khi biết nghe nhạc thì tôi thích hòa tấu bài “Ru con mùa Đông” của Đặng Hữu Phúc và bản hòa tấu Ngồi tựa mạn thuyền (Dân ca Quan họ).
 
Những người giỏi về âm nhạc nói với tôi rằng, nhạc cổ điển của Tây cũng giống như nhạc Quan họ của Ta. Người ta chỉ có thể thích một hương thơm của loài hoa nào đó vì nó tồn tại trong đời sống và ký ức từ khi sinh ra, thì âm nhạc cũng vậy. Những nhạc cụ và giai điệu chỉ có thể làm người ta cảm thấy thích thú, say mê vì nó đã quen thuộc từ khí hậu, từ cây cỏ hoa lá, từ những cánh đồng lúa mạch của Tây và lúa nước của Ta. Khi giai điệu cất lên là người ta có thể hòa vào giai điệu mà rung động khi tưởng tượng về những điều quen thuộc.
 
Điều đó lý giải tại sao những người đã từng đi Nga lại yêu thích nhạc Nga. Những người từng du học Pháp lại thích âm nhạc Pháp, thích Céline Dion, Vanessa Paradis vân vân và mây mây. Một số người Việt sính ngoại có thể không biết điều này: dân ca quan họ và ca trù Việt Nam cũng là một dòng nhạc “hàn lâm”. Những dòng nhạc này được ví ngang tầm văn hóa với Kinh kịch của Trung Quốc, như Nhã nhạc Cung đình Nhật...
 
Trúc Nhã

Bạn đang đọc bài viết "Nghe nhạc - Niềm vui duy nhất" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.