Nghề chèo xuồng đưa khách du lịch

25/03/2019 14:15

Theo dõi trên

Nhiều đoàn khách quốc tế đi bộ xuống hai bến xuồng trên rạch Cái Cối, xã Phú Nhuận, khách lên xuồng. Lúc cao điểm, khoảng vài phút có một chiếc xuồng chèo xuất bến…

Hoạt động xuồng chèo đưa khách du lịch thưởng ngoạn cảnh sông nước xứ Dừa cứ thế diễn ra sôi động dưới trưa nắng gắt.



Chèo xuồng chở khách du lịch trên sông.
“Bay” trên làn nước mát

Mặt trời lên đến đỉnh đầu cũng là lúc hoạt động xuồng chèo đưa khách đi trên rạch Cái Cối, xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre nhộn nhịp nhất. Hình ảnh người phụ nữ bằng đôi tay bé nhỏ chống chèo đưa con xuồng lướt trên mặt nước đã để lại những khoảnh khắc “rất Việt Nam” trong mắt du khách. Động tác chèo của người Bến Tre là hoàn toàn khác với xuồng chèo ở các tỉnh trong khu vực, họ đứng chèo, hai tay sử dụng một mái chèo duy nhất. Xuồng chèo Bến Tre vì thế khác với xuồng chèo ở Tiền Giang là hai người bơi ở mũi và lái; cũng không giống xuồng chèo ở Cần Thơ, người chèo vẫn đứng nhưng hai tay sử dụng hai mái chèo.

Đoạn đường khách tham quan trên rạch Cái Cối, từ bến ra đến cầu Nhà Việc dài khoảng 200 - 300m. Người chèo dường như rất hối hả, luôn nhanh tay chèo đưa khách ra tàu đang neo đậu cho kịp hành trình ngắn ngủi trên đất Bến Tre. Trên rạch Cái Cối, một người đàn ông trạc 50 tuổi, đội chiếc nón kết cũ kỹ đang ra sức chèo nhanh về bến tranh thủ đón khách lượt tiếp. Gần đến bến, anh thắng bằng cách dựng thẳng mái chèo xuống nước, chiếc xuồng lập tức cua một góc 90 độ rồi dừng lại, mũi xuồng chỉ đúng ngay bến lên xuống.

Đi xuồng chèo là một trong những dịch vụ du lịch đang “hot” của TP. Bến Tre. Hoạt động này rất được khách du lịch quốc tế thích thú trong gói tour: tham quan lò gạch, đi vườn dừa uống nước dừa, tìm hiểu nghề làm kẹo dừa truyền thống và đi xuồng chèo. Lisa - du khách đến từ Israel đi trên xuồng chèo nói: “Cảnh sông nước, cây cối xanh mát ở đây làm tôi thấy thoải mái và thích thú”.

Trong chiếc áo bà ba màu hồng, quần đen xắn lai, chị Diệp Thị Oanh, người phụ nữ có 4 năm làm nghề chèo xuồng đưa khách du lịch nói: “Chèo xuồng muốn an toàn thì quan trọng nhất là quai chèo phải chắc chắn. Quai chèo của tôi làm bằng lưới đăng cá, quai chèo phải chắc thì xuồng mới vững”. Hoạt động xuồng chèo ở TP. Bến Tre đa số người lao động là phụ nữ, họ một là làm thuê cho các điểm du lịch, hoặc họ tự trang bị xuồng và tham gia các nhóm xuồng của công ty du lịch. Dịch vụ xuồng chèo ở TP. Bến Tre chỉ là những nhóm, cá nhân riêng lẻ, chưa có một đội, nhóm hay dạng hợp tác xã nào được thiết lập.

“One by one”

TP. Bến Tre hiện có tuyến du lịch bằng đường thủy trên địa bàn xã Nhơn Thạnh và Phú Nhuận. Theo thống kê sơ bộ, thành phố có 2 công ty và 2 điểm du lịch với khoảng 40 phương tiện xuồng chèo đang hoạt động trên địa bàn. Mỗi chuyến, xuồng chở được 3 - 4 khách, đa số xuồng đều có phao cứu sinh, phao là dụng cụ cứu sinh duy nhất, thế nhưng nhiều xuồng của người dân thì trang bị sơ sài, chỉ có 1 - 2 chiếc áo phao rất cũ kỹ. Số xuồng của công ty du lịch thì luôn đầy đủ áo phao, khách du lịch đi xuồng của công ty đều được yêu cầu mặc áo phao. Một khách du lịch người Pháp nói bằng “ngôn ngữ” bàn tay, ông rất sợ xuồng “lật úp”, nhưng người hướng dẫn viên trấn an ông bằng những “cái lắc đầu” và nói thêm gì đó.

 


Người phụ nữ chèo xuồng đưa khách thưởng ngoạn cảnh sông nước xứ Dừa.

Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có mở lớp tuyên truyền pháp luật về giao thông thủy, tập huấn kỹ năng cho người lao động làm nghề chèo xuồng trong hoạt động du lịch. Nhờ được tập huấn các kiến thức an toàn trong hoạt động xuồng chèo, những người phụ nữ làm nghề chèo xuồng đưa khách du lịch cảm thấy tự tin hơn. Trên rạch Cái Cối, khách du lịch quốc tế đứng hai bên bờ rất đông chờ đến lượt xuống xuồng, chỉ trên con rạch này mỗi ngày có khoảng 200 khách du lịch đi xuồng chèo. Cụ bà là chủ đất hai bến khách du lịch trên rạch Cái Cối kể bà cũng mừng khi từ năm 2015, bến của bà được người ta mướn để đưa khách du lịch, tới nay chưa có vụ va chạm, tai nạn nào xảy ra, mọi thứ đều an toàn.

“One by one” - chị Diệp Thị Oanh nói lớn nhắc du khách xuống xuồng lần lượt từng người một. “Ở các buổi tập huấn, người ta chỉ cho mình một số câu tiếng Anh thông dụng để hướng dẫn khách lên xuống xuồng an toàn, giữ bình tĩnh khi xuồng chòng chành, cách ngồi xuồng an toàn, không để tay lên thành xuồng tránh va chạm xuồng, kẹt tay” - chị Oanh nói.

Tôi đi tìm số liệu thống kê phương tiện, tuyến, người lao động phục vụ trong hoạt động xuồng chèo du lịch nhưng không có cơ quan nào (gồm: Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, UBND TP. Bến Tre, Sở Giao thông vận tải) cung cấp được con số chính xác. Số liệu trong bài viết được tổng hợp từ thực tế và điểm du lịch báo về. Được biết, tỉnh đang có dự thảo quy định tổ chức, quản lý các phương tiện hoạt động phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Dự thảo dự kiến sẽ được trình thông qua trong tháng 4-2019 nhằm siết chặt việc quản lý phương tiện xuồng chèo và hoạt động xuồng chèo trong du lịch.

Vào giờ cao điểm, cứ khoảng đôi phút lại có một chiếc xuồng xuất bến. Thoăn thoắt đôi tay khua mái chèo, chị Diệp Thị Oanh cứ sau mỗi chuyến đưa khách về bến đón chuyến khách khác, chị lại tranh thủ hít sâu thở ra như vận động viên điền kinh thở sâu sau mỗi đường chạy. Tôi hỏi chị mệt đứt hơi không? Người phụ nữ mặc áo bà ba màu hồng trả lời: “Mệt đứt ruột ấy chứ”. “Sao lại đứt ruột?”. “Vì phải gồng”. Đúng là những người phụ nữ chèo xuồng đều roi roi như nhau, họ luôn phải gồng đưa xuồng đi với sức nặng 5 người trên xuồng và trong cảnh nước ngược, dưới trời nắng gay gắt nhất trong ngày như một vận động viên thực thụ.

Thạch Thảo
Theo Đồng Khởi

Bạn đang đọc bài viết "Nghề chèo xuồng đưa khách du lịch" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.