Nghệ An: Khai hội Làng Vạc lần thứ XXV năm 2024

17/03/2024 08:16

Theo dõi trên

Ngày 16/3 (tức ngày 7/2 Âm lịch), thị xã Thái Hoà khai mạc Lễ hội Làng Vạc lần thứ XXV năm 2024 và tiến hành Lễ rước Vạc đồng, Lễ đại tế tại điện thờ Làng Vạc thuộc phường Long Sơn, thị xã Thái Hoà, Nghệ An.

3-1710604084.jpg
Lễ hội Làng Vạc thường niên được tổ chức nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: Cổng TTĐT TX Thái Hòa

Di chỉ khảo cổ Làng Vạc – Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ở phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa có niên đại khoảng 2.500 năm trước – thời kỳ Vua Hùng dựng nước. Trên mảnh đất thiêng liêng này, cha ông ta đã tổ chức lao động, sản xuất, an cư lập nghiệp, đã sáng tạo ra những công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí tinh xảo, tạo dựng nên một nền văn minh rực rỡ.

Qua 5 cuộc khai quật trên 1.438m2 với 347 ngôi mộ và 1.228 hiện vật, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước kết luận: Làng Vạc là trung tâm văn hóa Đông Sơn vĩ đại trên lưu vực sông Cả, là cái nôi của người Việt cổ cực kỳ quan trọng không những của nước ta mà của khu vực Đông Nam Á. Làng Vạc là trung tâm kinh tế chính trị khá quy mô thời Hùng Vương. Đặc trưng văn hóa Làng Vạc đã góp phần khẳng định nền văn minh Việt cổ thuộc thời đại Hùng Vương không chỉ tồn tại ở vùng sông Hồng, sông Mã mà còn tồn tại ở vùng sông Lam.

anh-56384620216754672271-1710604187.jpg
Lễ Đại tế được tổ chức tại điện thờ Làng Vạc

Khu di chỉ Làng Vạc đã được xây dựng nâng cấp gồm: Phần chính của điện thờ là tượng Vua Hùng (đúc bằng đồng nặng 500 kg), được rước chân linh từ đền Thượng, núi Nghĩa Lĩnh (tỉnh Phú Thọ) về thờ tại đền Làng Vạc năm 2010; đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ và các vị thần, quần thể Tứ linh “Long – Ly – Quy – Phượng”. Cạnh đền thờ là Nhà trưng bày với nhiều cổ vật có giá trị, thông qua đó sẽ giúp người dân và du khách hình dung rõ hơn về văn hóa, cuộc sống sinh hoạt của các bậc tiền nhân thời Vua Hùng.

Ngày mồng 7, 8, 9/2 (âm lịch) hàng năm, Lễ hội Làng Vạc thường niên được tổ chức nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống hiếu nghĩa của các thế hệ con cháu với tổ tiên, tăng cường mối đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đồng thời giữ gìn, bảo vệ Khu Di chỉ khảo cổ Làng Vạc ngày càng tốt hơn; phát huy giá trị văn hóa – kinh tế, quảng bá du lịch và tạo dựng hình ảnh của thị xã Thái Hòa.

anh-66384620218117194701-1710604274.jpg

Về với Lễ hội Làng Vạc, bà con nhân dân và du khách còn được thưởng thức các chương trình văn hóa – văn nghệ, cồng chiêng đặc sắc, thi người đẹp Làng Vạc; các hoạt động thi đấu thể thao sôi động, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co (nam - nữ phối hợp); ném còn (nam - nữ); cờ thẻ nam; các trò chơi đậm chất dân gian được tái hiện như: Nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo…

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Khai hội Làng Vạc lần thứ XXV năm 2024" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.