Ngày Thơ Việt Nam 2024: “Bản hòa âm đất nước” đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

25/02/2024 10:31

Theo dõi trên

Không gian Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22, năm 2024 diễn ra sôi nổi trên phạm vi cả nước mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

dt5ag-1708794223-1708831842.jpg
Thời tiết mưa lạnh, song những người yêu thơ vẫn tới Hoàng thành Thăng Long, trên con đường thơ đọc và chiêm nghiệm những vần thơ hay. Ảnh: TTXVN

Tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội): Bất chấp tiết trời mưa lạnh trong ngày 24/2, nhiều khán giả yêu thơ vẫn tới gặp gỡ, giao lưu những người làm thơ, yêu thơ nhân  Ngày thơ Việt Nam 2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”. Sau cổng thơ được thiết kế theo hình trăng non, người yêu thơ bước vào đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết một câu thơ hay được tuyển chọn từ những tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Nông Quốc Chấn, Dương Thuấn… Tổng cộng có 54 câu thơ, tương ứng với con số 54 dân tộc.

Đi qua đường thơ, người yêu thơ lạc bước vào không gian nhà ký ức, tham quan, chiêm ngưỡng những hình ảnh, tư liệu, tiểu sử, đọc lại những vần thơ, câu văn hay của các nhà thơ dân tộc. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Người đã để lại một di sản thơ ca phong phú, bao gồm thơ ca tuyên truyền cách mạng và thơ ca cảm hứng trữ tình, với phong cách đa dạng, vừa cổ điển, vừa hiện đại.

Tại các quán thơ diễn ra chương trình giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm của các nhà thơ trẻ, các nhà thơ đã thành danh… với công chúng và người yêu thơ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức nhằm giới thiệu đến với công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca của 54 dân tộc Việt Nam, những tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc hoặc tác phẩm viết về các thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S thân yêu.

Tổng đạo diễn Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, về tổng thể, toàn bộ không gian Ngày Thơ năm nay tại Hoàng thành Thăng Long là những hiệu ứng hoa văn thổ cẩm trên các mái nhà, trên thân cây, lá cây… kết hợp với 22 đài đuốc, tượng trưng cho Ngày Thơ lần thứ 22, vừa tạo hiệu ứng ánh sáng, vừa mang lại không gian ấm cúng cho cộng đồng yêu thơ đến tham dự Ngày Thơ Việt Nam lần này.

Nhà thơ Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường) bày tỏ niềm vui và xúc động khi được tham dự Ngày Thơ năm 2024. Là người dân tộc thiểu số, chị rất xúc động khi Ngày Thơ năm nay tập trung chủ đề tôn vinh thơ ca của các dân tộc Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng để khẳng định Ngày Thơ Việt Nam đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, trở thành một lễ hội văn hóa lớn của người Việt. 

Nhà thơ Bùi Tuyết Mai cho rằng, Ngày Thơ năm nay rất ý nghĩa, bởi nhiều vùng miền văn hóa đã được gọi tên, tất cả đều tụ hội về Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, trung tâm văn hóa, di sản của Thủ đô. Là một trong những nhà thơ người dân tộc được trình bày tác phẩm của mình tại đêm thơ Nguyên Tiêu năm nay, tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi được đại diện người con gái Mường, mang tiếng thơ của người Mường đến với công chúng yêu thơ trong ngày Rằm tháng Giêng này”.

Tại TP Hồ Chí Minh: Ngày 24/2 (tức 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Thành phố này tôi đến tôi yêu”.

Năm nay, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 có sự góp mặt của 12 Câu lạc bộ thơ, nhạc - nguồn lực lượng làm nên sắc màu cho ngày thơ. Ngoài hoạt động giao lưu giới thiệu tác phẩm với bạn yêu thơ, các câu lạc bộ này còn trình diễn nhiều tiết mục thơ nhạc được đầu tư và dàn dựng công phu.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh Trịnh Bích Ngân cho biết, Ngày thơ Việt Nam không chỉ bó hẹp trong giới sáng tác văn chương mà còn là điểm hẹn ý nghĩa, thú vị cho sự kết nối tâm hồn của công chúng yêu thi ca. Năm 2024, Ngày thơ chính thức trở thành một trong những ngày lễ lớn của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Trịnh Bích Ngân, Ngày thơ được tổ chức như một lễ hội, trực tiếp chứng minh giá trị thi ca song hành cùng Thành phố nghĩa tình. Trong đó, những câu thơ và bài thơ từ trang sách nhỏ bé được đưa ra không gian cộng đồng. Những câu thơ rộn ràng đem đến cho công chúng lời chúc phúc chân thành, còn những câu thơ lặng lẽ sẽ như một lời vỗ về, chia sẻ với người kém may mắn.

Tại Thừa Thiên Huế: Tối 24/2, tại Phủ Nội vụ, Đại Nội Huế, Ban Tổ chức Festival Huế phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế và Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế tổ chức chương trình Thơ nhạc "Hương sắc mùa Xuân", nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22. Chương trình là một trong nhưng điểm nhấn của Lễ hội mùa Xuân nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2024.

Chương trình thơ được mở đầu bằng bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua phần diễn ngâm của Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Hạc, kết hợp với trình diễn sân khấu hóa về hình ảnh Bác vào năm 1948 do Nghệ sĩ ưu tú Thế Tuệ thủ vai. Bài thơ đã nói lên cảm xúc và niềm vui dạt dào của Bác trước đêm Nguyên tiêu lịch sử. Đây là bài thơ duy nhất của Bác về Nguyên tiêu và cũng là một áng thơ tuyệt tác về "Trăng" mà Bác đã sáng tác bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt.

Tại Đắk Lắk: Ngày 24/2, Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, UBND thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII, năm 2024 với chủ đề “Bản hòa âm trên cao nguyên”.

Chương trình gồm nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như: Trưng bày, giới thiệu tác phẩm thơ ca của các tác giả trong và ngoài tỉnh; kết nối nhà thơ với người yêu thơ, công chúng yêu văn học nghệ thuật; triển lãm ảnh và tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc, trưng bày sách; các gian hàng thư pháp, trình diễn tranh khắc gỗ, đan móc nghệ thuật, tò he dân gian; vẽ tranh ký họa. Ngày hội còn là bữa tiệc giao lưu văn hóa đặc sắc của các dân tộc với sự xuất hiện của các nhạc cụ dân tộc Ê Đê, diễn tấu chiêng Mường, múa sạp dân tộc Thái, đàn Tính - hát Then…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho biết, Ngày thơ Việt Nam năm 2024 với nhiều hình thức phong phú, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc sẽ góp phần lan tỏa vẻ đẹp đời sống, văn hoá của 49 dân tộc ở đọa phương. Ông Nguyễn Thiên Văn mong muốn, năm 2024, các văn nghệ sĩ tiếp tục có nhiều tác phẩm mới, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Xuân Vũ (tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Ngày Thơ Việt Nam 2024: “Bản hòa âm đất nước” đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.