Nét đẹp trong tín ngưỡng linh vật

14/11/2014 10:42

Theo dõi trên

Theo dòng chảy thời gian, các linh vật đã tồn tại lâu dài trong đời sống tín ngưỡng văn hóa dân tộc. Chúng lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, là hiện thân cho ước mơ, khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp của người Việt.

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Hoàng Sa, giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, chia sẻ: “Về cơ bản, bộ tứ linh vật long – lân – quy – phượng vẫn xuất hiện thường xuyên nhất trong đời sống tín ngưỡng của người Việt. Tuy nhiên, ngoài những linh vật nói trên, trong quá trình phát triển của dân tộc, cha ông ta vẫn đặt niềm tin vào những con vật gần gũi với đời sống thường nhật và linh vật thuần Việt đã ra đời trên cơ sở đó”.

Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Á Đông. Vì thế, các linh vật long – lân – quy – phượng luôn chiếm vị trí quan trọng trong tâm linh người Việt. Chúng xuất hiện nhiều trong kiến trúc cung đình xưa hay các đình, chùa trong dân gian. Về mặt ý nghĩa, các linh vật này là biểu tượng cho những mong muốn mà con người khát khao vươn tới. Mặt khác, chúng còn xua đuổi, đẩy lùi những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống con người.

Mỗi một linh vật đều có ý nghĩa riêng. Chẳng hạn, long (rồng) mang biểu tượng của sức mạnh vô song. Khi du nhập vào văn hóa Việt, rồng mang theo khát vọng mưa thuận gió hòa, tượng trưng cho tính nhân văn và lòng cao thượng. Lân báo hiệu điềm lành, sắp có thái bình thịnh vượng, trấn giữ cửa nhà, hóa giải hung khí. Quy (rùa) là linh vật rất gần gũi với đời sống người Việt. Rùa xuất hiện nhiều ở các đình, chùa và thường đội các văn bia, đôi khi còn đội con hạc. Rùa biểu tượng cho sự thông thái, trường thọ và bền vững. Chim phượng là biểu tượng của đức hạnh và vẻ duyên dáng, thanh nhã. Phượng hoàng cũng biểu thị cho sự hòa hợp âm dương.

Bên cạnh bộ tứ linh, người Việt cũng sáng tạo ra những linh vật của riêng mình. Vì là những linh vật thuần Việt nên chúng khá gần gũi với đời sống dân gian. Theo TS. Nguyễn Hoàng Sa, con nghê là một trong những linh vật thể hiện cốt cách của người Việt. “Con nghê là sự kết hợp giữa ba con vật quen thuộc trong đời sống Nhân dân. Nghê có phần đầu của cọp, phần thân của chó và cái đuôi của con trâu. Cọp là biểu tượng cho sức mạnh. Chó biểu tượng cho sự trung thành. Trâu là con vật của nhà nông. Dù chỉ là con vật tưởng tượng nhưng nghê đóng vai trò quan trọng trong xu hướng Việt hóa linh vật của cha ông ta” – TS. Nguyễn Hoàng Sa nhận định. Con nghê xuất hiện ở các đình chùa hay lăng tẩm của vua chúa ngày xưa với ý nghĩa hoan hỉ chào đón. Bên cạnh đó, nghê còn là con vật hiện thân cho sự công bằng, soi xét người ngay, kẻ gian.

Theo dấu chân Nam tiến của tiền nhân, những linh vật mới cũng xuất hiện như một thế lực trong tín ngưỡng của người dân tại vùng đất mới. Ngày nay, những địa danh trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn còn gắn liền với loài cọp. Xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) ngày nay vốn có tên gọi dân gian là cù lao Ông Hổ. Cọp trong tín ngưỡng dân gian là thế lực nguy hiểm của thiên nhiên, đe dọa con người trong quá trình mở đất. Tuy nhiên, cọp cũng là con vật có nghĩa, có tình như trường hợp con hổ báo ơn người đã nuôi dưỡng mình trong câu chuyện kể về cù lao Ông Hổ. Ngày nay, trên địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng, vẫn còn ngôi đền thờ Ông Hổ được người dân hương khói quanh năm. Không chỉ ở Mỹ Hòa Hưng, hình tượng con cọp xuất hiện nhiều tại các ngôi đình, các điểm thờ cúng trên địa bàn An Giang. Trên núi Cấm và nhiều ngọn núi khác, người dân luôn dành riêng một nơi để thờ cọp với tên gọi hang Ông Hổ.

Trong tín ngưỡng thờ cúng linh vật, ông cha ta luôn chú trọng giữ gìn những yếu tố thuần Việt để con cháu đời sau tiếp nối. Đó là nét đẹp nhân văn, thể hiện tinh thần dân tộc để những linh vật thuần Việt trở thành niềm tự hào của văn hóa nước nhà. Đó là cơ sở, là niềm tin để chúng ta tìm về với những linh vật đại diện cho văn hóa nước nhà./.

Theo Tin Tức Miền Tây
Bạn đang đọc bài viết "Nét đẹp trong tín ngưỡng linh vật" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.