Tuy quê ở Thanh Trì, Hà Nội nhưng suốt quãng đời sau khi lui về ở ẩn, thầy giáo Chu Văn An gắn bó với mảnh đất Chí Linh, Hải Dương. Sau khi Chu Văn An qua đời, nhân dân dựng ngôi đền thờ thầy gọi là đền Phượng Hoàng. Cạnh đó là lăng mộ thầy và điện Lưu Quang, tương truyền là nơi thầy dạy học khi còn sống. Hàng năm tại khu đền Phượng Hoàng diễn ra hai kỳ lễ hội: Lễ khai bút đầu năm (ngày 6 tháng Giêng) và Lễ hội về nguồn (ngày 26/11 Âm lịch). Trong đó, tục khai bút và xin chữ đầu xuân là nét đẹp văn hóa được duy trì qua nhiều thế hệ tại vùng đất Chí Linh kể từ khi thầy Chu Văn An về đây mở lớp dạy học. Tương truyền, xưa kia học trò đến thăm Thầy, thường được Thầy thăm hỏi, trò chuyện. Khi chia tay, Thầy tự tay viết tặng người đó một chữ ứng với những nhận định hoặc là ngầm ý gửi phương châm sống, phấn đấu cho người đó. Ai được tặng đều coi những chữ đó như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm. Điều đặc biệt nữa là tại đây, xưa có khu giếng son, ở đáy giếng có lớp bùn son màu đỏ tươi, thầy Chu thường dùng để viết chữ.
Để tưởng nhớ và lưu giữ nét văn hóa độc đáo đó, tục khai bút, xin chữ và cho chữ hiện nay vẫn được bảo tồn và phát huy với nguyên vẹn ý nghĩa nhằm phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo. Lễ hội Khai bút Xuân Định Dậu 2017 được diễn ra tại đền Chu Văn An và đền Nguyễn Thị Duệ - thờ nữ tiến sĩ đầu tiên của đất nước vào ngày 8 tháng Giêng. Tham gia lễ hội, du khách sẽ có cơ hội được hoà mình vào không khí trang nghiêm của các phần lễ, sự hân hoan trong lễ tôn vinh các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên có thành tích cao trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của thị xã Chí Linh và huyện Thanh Trì (Hà Nội). Lễ hội là dịp để du khách được dâng nén hương thơm cùng tấm lòng thành tri ân các bậc tiền nhân, được tận tay xin chữ theo nguyện ý, cùng mong đợi một mùa xuân mới may mắn, bình an, cho tất cả mọi người…