Nâng tầm lễ hội Đình làng Hải Châu

24/03/2017 14:11

Theo dõi trên

Nằm ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng, Đình làng Hải Châu (P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) là một trong những công trình được gìn giữ nhiều đời và được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia. Hằng năm, chính quyền địa phương và nhân dân đều tổ chức lễ hội Đình làng Hải Châu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống.

Đình cổ trong lòng phố

Đình làng Hải Châu nằm ngay trung tâm của P. Hải Châu 1, cũng là trung tâm của Q. Hải Châu và thành phố Đà Nẵng. Cách con đường thương mại Phan Châu Trinh, nhà hát Trưng Vương chưa đầy 100m nhưng khi đặt chân vào đây sẽ thấy ngay một không khí nghiêm trang, cổ kính với sự dày công tôn tạo, giữ gìn qua nhiều thế hệ. Theo gia phả tộc Nguyễn Văn, một trong 43 tộc họ của làng Hải Châu, các bậc Tiền hiền khai khẩn, Hậu tiền khai canh làng Hải Châu vốn có nguồn gốc từ làng Hải Châu (thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Trong quá trình theo vua Lê Thánh Tông khai phá đất đai, họ lập nên làng Hải Châu và cư ngụ tại vùng đất này từ cuối thế kỷ XV. Ghi chép của các bậc cao niên cho thấy, vào năm Gia Long thứ 5 (1804), các hương chức làng Hải Châu xin vua Gia Long cho lập đình thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng tại khu đất Nghĩa Lợi bên bờ sông Hàn. Đến năm 1858, đình bị hư hại nặng do chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Đình làng Hải Châu ngày nay được xây dựng lại tại K48 đường Phan Châu Trinh, nằm trong khuôn viên rộng 3.500 m2. Đình làng Hải Châu có quy mô lớn nhưng không gian được sắp xếp rất hài hòa và có lối kiến trúc đẹp, tao nhã. Trước mặt đình là hồ nước hình chữ nhật, chính giữa có ngọn giả sơn và một cây si lớn. Bước qua khoảng sân rộng lộng gió là nhà thờ chính của đình bao gồm nhà Tiền Đường được xây cất theo kiểu truyền thống một gian hai chái, hai dãy nhà hành lang nối liền phía sau đến ngôi Chính Điện. Qua khoảng sân rộng là một quần thể kiến trúc chính gồm: Đình Hải Châu và Nhà thờ Tiền Hiền. Ngoài ra, bên trong Đình Hải Châu còn có 3 tấm bia đá cẩm thạch, trong đó có một tấm được lập vào năm Tự Đức thứ 14 (1861), bên trên bia chạm hai con rồng đường nét sắc sảo, uyển chuyển Đặc biệt, ngôi đình cổ vẫn còn bảo tồn được một quả chuông đồng cao 1,3 m, đường kính miệng rộng 0,7 m, có niên đại hàng trăm năm. Ngày 12-7-2001, Đình làng Hải Châu  được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia. Từ đó được sự quan tâm, khôi phục và tồn tại cho đến nay.




Thả chim bồ câu cầu cho Quốc thái dân an tại lễ hội Đình làng Hải Châu.

Giữ gìn và nâng tầm lễ hội

Ông Đoàn Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND Q. Hải Châu, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Đình làng Hải Châu cho biết, để giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, từ năm 2009, chính quyền P. Hải Châu 1 và Q. Hải Châu đã khôi phục lại lễ hội Đình làng Hải Châu. Mong muốn mà chúng tôi đặt ra là lễ hội sẽ góp phần mang lại cho người dân quận nhà nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung trở về với cội nguồn, với lịch sử của cha ông, quê hương, xứ sở, góp một tiếng nói tích cực trong việc giáo dục lòng tri ân, truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Bên cạnh đó, chính quyền địa phương mong muốn đưa lễ hội Đình làng Hải Châu trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Qua 7 mùa lễ hội và những ngày này đang là mùa thứ 8 đã minh chứng cho sự nỗ lực của các cấp, ngành trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống. Nhiều thế hệ nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn có cơ hội được tìm hiểu, tham quan di tích ngay trong lòng thành phố, tham gia các trò chơi dân gian… từ đó thêm yêu quê hương, đất nước. Ngoài ra, nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, du lịch cũng chọn Đình làng Hải Châu làm điểm đến cho du khách, từ đó đã thu hút hàng triệu lượt người dân và du khách tham quan góp phần giới thiệu về hình ảnh Đình làng Hải Châu đến cộng đồng du khách trong và ngoài nước.

Ông Võ Trường Anh- Chủ tịch UBND P. Hải Châu 1 cho biết: "Những năm trước đây chúng tôi thường tổ chức lễ hội Đình làng vào dịp giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10-3 âm lịch). Tuy nhiên, năm nay chúng tôi tổ chức sớm hơn và kéo dài ngày (từ ngày 23 đến hết ngày 26-3) để nhiều người dân cũng như du khách có thời gian tham quan, tìm hiểu. Điều đặc biệt của lễ hội năm nay là ngoài các nội dung như những năm trước, P. Hải Châu 1 cũng như UBND Q. Hải Châu đã kêu gọi xã hội hóa nhiều chương trình để tăng sức hút.

Theo đó, phần lễ có Lễ Vọng, lễ Chánh Tế. Phần Hội gồm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian hấp dẫn, kịch tính và sôi nổi hơn như: Các cuộc thi văn nghệ, hát múa dân ca, đấu cờ tướng, gói bánh chưng, biểu diễn nghệ thuật Tuồng cổ, hô bài chòi, các trò chơi kéo co, đẩy gậy, đấu cờ tướng… BTC cũng đưa vào các chương trình mang tính chất hiện đại như: hội thi thời trang, khiêu vũ. Đặc biệt, trong đêm 23-3, tại sân Đình làng Hải Châu diễn ra đêm hội Áo dài Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng, cùng các thương hiệu như: Thái Tuấn, Minh Châu cùng dàn người mẫu chuyên nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh. "Với các hoạt động sôi nổi đó, chúng tôi tin chắc rằng lễ hội năm nay không những sẽ phát huy được các giá trị truyền thống mà còn đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân, du khách khi đến với lễ hội Đình làng Hải Châu năm nay"-ông Võ Trường Anh khẳng định.


Nguyễn Tuấn

Nguồn: CADN Online
Bạn đang đọc bài viết "Nâng tầm lễ hội Đình làng Hải Châu" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.