Vua Duy Tân (giữa) cùng các ban
Như tôi đã kể, cha tôi là người hay trầm tư, ít nói, kín đáo. Ông rất ít khi thổ lộ tâm tư tình cảm, nhất là chuyện đất nước, chính sự với vợ con. Ông không bao giờ nói chuyện về Việt Nam với những người dân trên đảo Reunion và kể cả với vợ mình. Có lẽ bởi do chúng tôi sinh ra vào thời điểm đặc biệt nên cha tôi không tiết lộ danh phận, gốc gác để bảo đảm an toàn cho con cái mình. Song cũng có đôi lần ông thổ lộ với mẹ tôi rằng: ông lúc nào cũng khao khát thoát khỏi Reunion, thoát khỏi tay người Pháp để trở về Việt Nam, tìm cách cứu nước.
Ngay từ năm 1927, cha tôi đã tham gia Hội địa phương bảo vệ Nhân quyền và quyền Công dân, đồng thời có chân trong Hội kín Franc-Maconnerie (Hội Tam Điểm), hội của những người thông thái và bác ái, ở nhiều quốc gia khác nhau muốn hiến thân cho sự vươn lên về phương diện tinh thần và luân lý. Nó khuyến khích thành viên hành động vì sự tiến bộ nhân loại. Trong một thông điệp gửi cho Hội, cha tôi đã viết mở đầu như thế này: “Chúng ta đang trải qua những giờ phút nghiêm trọng. Khắp mọi nơi trên hành tinh, nhiều triệu chứng, có khi ít được nhận thức, chứng tỏ nhân loại đạt đến ngưỡng đòi hỏi phải thay đổi chiều hướng trên con đường phát triển mà chính ngay những triết gia vĩ đại nhất cũng khó lòng miêu tả một cách kiên quyết nếu họ ý thức khả năng sai lầm của chủng loại chúng ta”. Rồi ông kết luận: “Hy vọng rồi một ngày, nhờ công tác của các bạn, Hội sẽ chiến thắng những hận thù giữa con người và giữa các nước, đồng thời hợp nhất nhân loại trong một tình huynh đệ trong sáng bằng cách bãi bỏ mãi mãi mọi tương phản giữa các giai cấp và các chủng tộc”.
Cha tôi đã công khai nói đến tự do, không ngần ngại đề cao tinh thần dân chủ, giải phóng dân nghèo tại một hòn đảo mà quyền hành nằm gọn trong tay một chính thể quý tộc. Song ông lại ngậm câm về quá khứ của mình, về những ước mong cho tương lai đất nước Việt Nam, về triều đại nhà Nguyễn. Chỉ có một lần duy nhất trong đời, ngày 5 tháng 6 năm 1936, cha tôi đã viết một lá đơn gửi cho ông Bộ trưởng bộ thuộc địa, kể lại cuộc khởi nghĩa cùng Việt Nam Quang phục Hội vào ngày 3 tháng 5 năm 1916 và vai trò bất đắc dĩ của ông với mục đích xin được ân xá. “Tôi đứng trước trường hợp phải chọn giữa hai đường: hoặc mặc để ám sát người Pháp và rồi dự một cuộc trấn áp đẫm máu hoặc tố cáo những đồng bào của tôi và phạm một cử chỉ hèn hạ. Để thoát ra trường hợp đau xót ấy, tôi chỉ còn một phương cách: nhận làm chỉ huy cuộc khởi nghĩa”. Lá đơn ấy của cha tôi đã không được hồi âm. Suốt những năm tháng ở đảo La Réunion, cha tôi luôn nuôi hy vọng trở về Việt Nam để làm được một điều gì đó cho đất nước. Có ít nhất 4 lần cha tôi được một số người đề nghị cùng trốn khỏi đảo để trở về Việt Nam nhưng cha tôi đều từ chối. Bởi người muốn về một cách công khai, đàng hoàng.
Cha tôi là người cầu tiến, ham học hỏi. Ông là người tiên phong tiếp cận với kỹ thuật vô tuyến điện trên hòn đảo hẻo lánh này và đã tham gia xây dựng đài thu phát truyền tin đầu tiên ở đây. Hiện nay, tại nơi này, vẫn còn lưu dấu ấn của cha tôi bằng việc chính quyền sở tại xây một cây cầu nhỏ mang tên ông và đến năm 1992, thành phố Saint-Denis, nơi cả gia đình tôi trú ngụ ngày xưa (số 67 Sainte-Anne), đã khánh thành đại lộ Duy Tân.
Cha tôi rất say mê chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe và học tập không ngừng để mở mang trí tuệ. Nhưng niềm say mê lớn nhất của ông chính là vô tuyến điện. Bởi ngành kỹ thuật này không chỉ giúp cha tôi nuôi sống cả gia đình mà còn là phương tiện duy nhất giúp ông liên lạc được với thế giới bên ngoài. Rất tinh thông trong ngành vô tuyến điện nhờ đã tự học thêm, ông có viết nhiều bài kỹ thuật trong các báo chuyên môn và tiếp xúc với nhiều chuyên viên vô tuyến nghiệp dư các nước khác qua tín hiệu FR8VX. Ngay chính quyền địa phương cũng nhờ ông dựng một đài thu phát cho đảo. Nhờ có máy mạnh, ông đã bắt được những đài quốc tế, từ Delhi, Sài Gòn qua Tokyo, Melbourne, ngay cả những đài bên Mỹ. Nhờ đó mà vào ngày 18 tháng 6 năm 1940, cha tôi đã nghe được bản tin hiệu triệu của tướng Charles De Gaulle - người đứng đầu của tổ chức chống Phát xít Đức mang tên Pháp tự do, ở đài BBC trong chương trình “Tiếng nói của nước Pháp”. Sự việc nước Pháp bại trận trong chiến tranh thế giới thứ hai, đầu hàng phát xít Đức và sau đó lực lượng kháng chiến Pháp ở hải ngoại do tướng Charles De Gaulle đứng đầu được thành lập ở Anh trở về tái chiếm đất Pháp đã có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của cha tôi. Ông xem Charles De Gaulle là thần tượng, là hình mẫu cho hoạt động cứu nước của mình. Lập tức ông nối liên lạc với nước Pháp tự do và tìm cách chuyển tin cho quân đội Pháp chưa đến đảo. Nhờ ông mà nhóm người kháng chiến ở đảo theo dõi được diễn biến của cuộc thế chiến thứ hai và nhất là những bước tiến của quân Đồng Minh. Ông trở thành linh hồn của nhóm kháng chiến ở đảo. Vụ việc đổ bể, ông bị nhà cầm quyền La Réunion (lúc đó theo Chính phủ Vichy) bắt giam sáu tuần, từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 19 tháng 6 năm 1942.
Sau ngày giải phóng, chính phủ nước Pháp tự do, qua đề nghị của ông Capagorry, Thống đốc mới, không quên công lao của cha tôi, đã tặng thưởng ông Huy chương Kháng chiến với phù hiệu. Trong thư cám ơn Tướng De Gaulle, cha tôi viết: “Khi tiếp nhận tôi trong số những người, không chấp nhận nước Pháp bị hạ thấp vì thua một trận, ông đã làm vinh dự tôi, khiến tôi gắn bó nhiều hơn nữa, với lời thề phụng sự một Tổ quốc đã cho tôi thừa kế một gia sản tinh thần”.
Ngày 28 tháng 11 năm 1942, khi chiếc khu trục hạm Léopard dưới quyền của ông thuyền trưởng Richard cập bến Saint-Denis, cha tôi đã tình nguyện nhập ngũ. Ông phó thuyền trưởng Baraquin thấy cha tôi có nhiều kiến thức về vô tuyến điện, nhận ngay ông làm hạ sĩ vô tuyến. Vài ngày sau, khi tàu rời bến, cha tôi đã bận đồ thủy thủ rời đảo La Réunion, chấm dứt 26 năm biệt xứ và mở một trang sử mới cho đời ông.
Ba tháng phục vụ với cấp bậc hạ sĩ vô tuyến, cha tôi bị giải ngũ vì lý do sức khỏe. Sau nhờ thống đốc La Réunion là ông A. Capagory can thiệp, cha tôi gia nhập bộ binh Pháp dưới quyền của tướng Catroux với cấp bậc binh nhì. Một thời gian sau, ông được thăng lên chuẩn úy rồi sang châu Âu. Ngày 5 tháng 5 năm 1945, cha tôi được lệnh chuyển về phòng Quân sự của tướng Charles De Gaulle ở Paris. Ngày 20 tháng 7 năm 1945, ông được đưa qua phục vụ tại Bộ tham mưu của Sư đoàn 9 Bộ binh Thuộc địa đóng ở Forêt Noire, nước Đức. Ngày 29 tháng 10 năm 1945, tướng Charles de Gaulle ký một sắc lệnh hợp thức hóa những sự thăng cấp liên tiếp của cha tôi trong Quân đội Pháp: Thiếu úy từ 5 tháng 12 năm 1942, Trung úy từ 5 tháng 12 năm 1943, Đại úy tháng 12 năm 1944 và Thiếu tá ngày 25 tháng 9 năm 1945.
Việc cha tôi, một ông vua đã từng nổi dậy chống chính quyền thuộc địa Pháp thống trị nước ông, bây giờ lại chạy theo ông tướng lưu vong Charles De Gaulle muốn giải phóng nước Pháp khỏi cuộc chiếm đóng của phát xít Đức khiến nhiều người xem đây là một trường hợp oái ăm, một trong những mâu thuẫn lớn nhất trong đời Hoàng thân Vĩnh San. Bởi “nước Pháp tự do” và nước Pháp thực dân mà ông chống đối đều là một nước Pháp. Nhưng thật ra, cha tôi chỉ tranh đấu dành tự do độc lập cho một quốc gia, một dân tộc, dù là Việt Nam hay Pháp. Tinh thần này ông đã có từ lâu, có thể ngay từ những ngày thụ giáo ông thái phó Eberhardt, tiến sĩ khoa học, ở kinh đô Huế. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, cựu hoàng Duy Tân đã bị dùng như một con bài chính trị trong kế hoạch mật tái chiếm Đông Dương của Pháp.
Ngày 14 tháng 12 năm 1945, tướng Charles de Gaulle đã tiếp cha tôi. Trong tập “Hồi ký chiến tranh”, tướng De Gaulle ghi: “Tôi sẽ tiếp Cựu hoàng (Vĩnh San) và sẽ cùng ông xét xem chúng tôi sẽ làm được những gì? Đó là một nhân vật đầy cương nghị. Mặc dù bị lưu đày ròng rã 30 năm trời, hình ảnh của ông không hề phai mờ trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam”.
Trong tác phẩm “Histoire du Việt Nam de 1940 à 1952” (Lịch sử Việt Nam 1940-1942), sử gia Philippe de Villers nhận xét: “Bảo Đại đã thoái vị và bị phê bình nghiêm khắc. Nhưng lần này, người được chú ý chính là nhân vật tiền nhiệm, Duy Tân. Bị lưu đày năm lên 16 tuổi, ông đã đầu quân vào Không lực Pháp và tham gia các cuộc chiến đấu ở Pháp và Đức. Ông đã trình bày chính kiến với Chính phủ Pháp và với một trung úy của Quân đoàn I sắp qua Đông Dương là ông Bousquet, cựu chánh văn phòng của Tổng trưởng Abel Bonnard”.
Một bạn thân của cha tôi là E.P Thébault kể lại trong bài “Số phận bi thảm của một hoàng đế An Nam: Vĩnh San - Duy Tân” đăng trên Revue France-Asie, năm 1970: “Trở lại Paris ngày 16 tháng 12 năm 1945, tôi thấy Ngài mặc một bộ đồ nhà binh rất đẹp, có gắn bốn lon. Bây giờ Ngài trọ ở khách sạn Louvres, trước hý viện Pháp. Ngài nói: “Như vậy là xong rồi, quyết định rồi! Chính phủ Pháp sẽ đặt tôi lại trên ngôi Hoàng đế Việt Nam. Tướng De Gaulle sẽ theo tôi trở về bên đó (Việt Nam) vào những ngày đầu tháng 3 năm 1946”. Từ nay tới đó, người ta sẽ chuẩn bị dư luận của Pháp cũng như quốc tế và Đông Dương. Vả lại, cũng còn cần phải dự thảo các bổn thoả ước giữa hai chính phủ nữa”.
Trong hồi ký “Bên dòng lịch sử 1940-1965”, linh mục Cao Văn Luận ghi lại rằng, mùa đông 1944 và đầu năm 1945, cùng với một số du học sinh Việt và Việt kiều, ông có tiếp xúc ba lần với cha tôi ở Paris. Lần đầu, cha tôi giải thích: “Người Pháp đang cần sự hợp tác của chúng ta để tái chiếm Đông Dương. Họ có thể chấp nhận cho ta thành một quốc gia tự trị trong Liên Hiệp Pháp. Điều đó không trái với quyền lợi quốc gia. Dần dà chúng ta đòi thêm quyền hành. Chúng ta biết làm gì hơn trước binh lực hùng hậu của Pháp và hậu thuẫn của đồng minh Tây phương? Chúng ta đã thấy những gương chống Pháp và tôi đây là nạn nhân của một lối chống nóng nảy, vụng về. Rồi đất nước chúng ta phải chịu một cảnh chiến tranh tàn khốc mà kết quả chưa biết là thắng hay bại”. Lần thứ hai, cha tôi tâm sự: “Riêng về phần tôi, lòng yêu quê hương Việt Nam không cho phép tôi để ngỏ cửa cho một cuộc tranh chấp nội bộ nào. Điều mà tôi mong muốn là tất cả các con dân Việt Nam ý thức được rằng: họ là một quốc gia và ý thức ấy sẽ thúc đẩy họ dựng lên một nước Việt Nam xứng đáng là quốc gia. Tôi tưởng rằng tôi sẽ làm tròn bổn phận của một công dân Việt Nam khi nào mà tôi làm cho những người nông dân Lạng Sơn, Huế, Cà Mau ý thức được tình huynh đệ của họ. Nghĩa hợp quần ấy được thực hiện dưới bất cứ chế độ nào: cộng sản, xã hội chủ nghĩa, bảo hoàng hay quân chủ. Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là phải cứu dân tộc Việt Nam khỏi cái họa phân chia”.
Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an táng trọng thể tại An Lăng, Huế
Suốt đời mình, cha tôi chỉ mong ước duy nhất một điều, đó là được trở về Việt Nam và tìm cách giúp nhân dân Việt Nam thoát khỏi sự thống trị của thực dân Pháp. Năm 1945, Thực dân Pháp đã dự định sử dụng ông như một quân cờ để quay lại tái chiếm Đông Dương. Nhưng sau này, người Pháp nhận ra, sau gần 30 năm lưu đày, Cựu hoàng Duy Tân vẫn là người yêu nước, muốn chống Pháp và muốn dành quyền tự quyết cho dân tộc, nên thực dân Pháp đã từ bỏ ý định đưa ông về Việt Nam. Bộ Thuộc địa đã phê trong tờ lý lịch cá nhân của cha tôi (được giải mật sau này): “Parait difficile à acheter, extrêmement indépendant... intrigue pour quitter la Réunion et rétablissement trône d'Annam”. (Có vẻ khó mua chuộc, rất độc lập, mưu đồ rời khỏi đảo La Réunion để tái lập ngôi báu ở An Nam). Cũng vì lẽ đó mà cha tôi đã không có cơ hội hồi hương, như ước mơ của ông suốt những năm tháng bị lưu đày.
Trong những tháng năm phục vụ cho quân đội Pháp, cha tôi vẫn hết lòng quan tâm, lo lắng cho anh em chúng tôi. Ông thường xuyên gửi thư về, dặn dò anh em chúng tôi đủ điều. Trong một bức thư viết cho anh Yves Claude Vĩnh San vào ngày 17 tháng 11 năm 1945, ông nói: “Con đừng đi học mà đem về những điểm số yếu kém vì đối với người cha già đang yêu quý con đây thì cái cách duy nhất mà con cần bày tỏ là học cho thật giỏi và ăn ở tốt. Không có ngày nào mà cha không nghĩ đến con. Con nên biết rằng, giờ đây, con là con trai của một vị chỉ huy quân đội Pháp. Con nên sống xứng đáng với tình cảm mà cha mẹ đã dành cho con. Lần sau cha sẽ viết thư dài cho con. Trìu mến hôn con. Dede”.
Ngày 24 tháng 12 năm 1945, cha tôi lên chiếc phi cơ Lockheed C-60 của Pháp cất cánh từ sân bay Bourget, Paris để trở về La Réunion thăm gia đình trước khi thi hành sứ mạng mới ở Việt Nam. Nhưng trên đường về, chiếc máy bay đã gặp một tai nạn rất khó hiểu, rớt gần làng Bassako, thuộc phân khu M'Baiki, Cộng hòa Trung Phi khiến ông cùng 5 người có mặt trên chuyến bay tử nạn. Theo nhiều người, đây có thể là một vụ mưu sát. Bởi việc cha tôi trở lại Việt Nam sẽ gây khó khăn cho Anh trong việc trao trả các thuộc địa. Cũng trong bài “Số phận bi thảm của một hoàng đế An Nam: Vĩnh San - Duy Tân”, E.P Thébault viết: “Ngày 17 tháng 12 năm 1945, mười hôm trước khi tử nạn, Duy Tân có linh cảm tính mạng ông bị đe dọa. Khi cả hai đi ngang, lần chót, vườn Tuileries, cựu hoàng nắm tay Thébault nói: “Anh bạn già Thébault của tôi ơi! Có cái gì báo với tôi rằng tôi sẽ không trị vì. Anh biết không, nước Anh chống lại việc tôi trở về Việt Nam. Họ đề nghị tặng tôi 30 triệu quan nếu tôi bỏ ý định ấy”.
Mãi đến ngày 28 tháng 3 năm 1987, hài cốt của cha tôi mới được gia đình đưa từ M'Baiki, Trung Phi về Paris làm lễ cầu siêu tại Viện Quốc tế Phật học Vincennes và sau đó đưa về an táng trọng thể tại An Lăng, Huế, cạnh nơi an nghỉ của vua cha Thành Thái, chấm dứt hành trình lưu đày 70 năm ở xứ người của một ông vua yêu nước thất cơ lỡ vận. Lúc đưa hài cốt cha tôi về Huế, Nhà nước rất nhiệt tình giúp đỡ và nhiều vị quan chức cao cấp đã đến nghiêng mình, thắp nhang trước bàn thờ cha tôi. Từ bấy, anh em chúng tôi thường xuyên về Việt Nam để thăm phần mộ vua cha.
Viết về cuộc trở về của cha tôi, nhà thơ Nguyễn Duy đã có những vần thơ giản dị mà thấm thía, da diết:
VIẾNG VUA DUY TÂN
Ước gì về được Sông Hương
Thắp nhang mà lạy nắm xương lưu đày
Thế là đã trở về đây
Một con người ở chân mây cuối trời
Nắm xương lưu lạc xứ người
Tâm hồn thì vẫn ở nơi quê nhà
Ngai vàng vừa cũ vừa xa
Ánh vàng vương miện cũng là hư không
Mặt trời vẫn mọc đằng Đông
Lăng Minh Quân vẫn ở trong lòng người
Bao triều vua phế đi rồi
Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ…
(Còn nữa)
Hoàng Anh Sướng