Năm lần tự tử để giữ trọn khí tiết

07/10/2016 14:17

Theo dõi trên

Theo gia phả tộc Đỗ thì Đỗ Đăng Tuyển chào đời năm Ất Mão (1856) tại làng Ô Gia, nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tục danh Đỗ Đăng Cát. Ngày trước ở quê ông từ già đến trẻ thường gọi Đỗ Đăng Tuyển là “ông Ô Gia” với nghĩa ý nể trọng, bởi ông là người duy nhất trong vùng được giao việc trông coi quân binh địa phương.


Mộ Đỗ Đăng Tuyển đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Năm 1882, dưới triều Tự Đức, ông được bổ làm Quản hiệu sơn phòng Đại Lộc (Đông Giang, Tây Giang bây giờ) giữa lúc thực dân Pháp đô hộ và tại Quảng Nam, các nghĩa dân, nghĩa sĩ nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Sau cuộc tấn công của lực lượng Nam triều vào quân Pháp bị thất bại khiến kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải lánh nạn ra Hà Tĩnh. Ở giữa cánh rừng già của dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhà vua hạ chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn quốc nổi dậy đánh đuổi giặc Pháp.

Trước cao trào Cần Vương, năm 1885, Đỗ Đăng Tuyển chính thức gia nhập phong trào Nghĩa hội Quảng Nam do Tiến sĩ Trần Văn Dư lãnh đạo, có trọng trách bình trị miền thượng du Quảng Nam, chiêu mộ các quan chức dưới quyền trong tỉnh lấy các khu sơn phòng Quế Sơn, Trà My, Dương Yên, A Lâm, An Lâm làm căn cứ chiến khu của nghĩa quân tân tỉnh ở Trung Lộc, huyện Quế Sơn.

Tại làng Trung Lộc, khi lên thay Trần Văn Dư làm hội chủ Nghĩa hội, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu (Hường Hiệu) đã đứng ra lãnh trách nhiệm chỉ huy quân sự và đưa ra mục tiêu: “Đuổi Pháp ra khỏi nước, thanh trừng Việt gian và tay sai cho Pháp, xây dựng một khu chiến địa tựa lưng vào dãy Trường Sơn để duy trì công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lâu dài”.

Nghĩa hội đã cử Đỗ Đăng Tuyển và Trần Đỉnh (Tú Đỉnh) giữ chức vụ Tán tương Quân vụ, đồng lãnh đạo các cánh quân phía Bắc tân tỉnh thuộc vùng Đại Lộc. Trong 3 năm, từ 1885 đến 1887, nghĩa binh do các ông chỉ huy đã tổ chức nhiều trận đánh đầy mưu trí, dũng cảm làm cho quân địch tổn thất nặng nề.

Tháng 6-1887, Cần chánh phủ sứ Nguyễn Thân, kẻ phản bội phong trào Cần Vương, đem binh lương từ Tam Kỳ ra tập trung đánh chiếm An Lâm, lãnh địa cuối cùng của nghĩa quân tân tỉnh. Sau đó y phối hợp với tướng Schants, chỉ huy đội quân Việt - Pháp mở rộng địa bàn tấn công các vùng đất do quân Nghĩa hội kiểm soát. Trước lực lượng hùng hậu, phương tiện, vũ khí hiện đại của quân Pháp và sự trợ giúp đắc lực của bọn tay sai, nghĩa quân của Nghĩa hội phải bỏ các vùng đồng bằng rút về ẩn nấp trong rừng núi rồi lần lượt tan rã.

Đỗ Đăng Tuyển đành thôi việc Cần Vương, về vườn vui thú điền viên. Khi phong trào Duy Tân ra đời, ở Quảng Nam, ông là người đứng ra soạn thảo chương trình hành động, song chỉ được truyền khẩu chứ không ghi chép, đề phòng mật thám Pháp phát hiện. Ông cùng Tiểu La Nguyễn Thành quyên góp được 3.000 đồng để làm lộ phí cho các ông Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ vượt biển sang Nhật du học.

Năm 1908, Pháp cấu kết với Nhật trục xuất Phan Bội Châu và các học sinh tham gia phong trào Đông Du khỏi Đông Kinh (thủ đô Nhật Bản) và mở các cuộc đàn áp đẫm máu, bắt giết nhiều người yêu nước như Trần Quý Cáp, Ông Ích Đường, Trần Thuyết… Ngày  11-3-1910, bọn mật thám bắt Đỗ Đăng Tuyển ngay lúc ông đang phục tang thân phụ. Trên đường bị dẫn giải vào nhà lao, ông uống thuốc độc tự tử nhưng không chết. Đến bờ sông Thanh Hà, ông quyên sinh lần thứ hai bằng cách gieo mình xuống nước nhưng quân giặc kịp vớt lên tống vào nhà giam Hội An, dùng nhiều đòn roi tra tấn dã man.

Tháng 11-1910, Đỗ Đăng Tuyển bị giải ra Nghệ An để đối chất với các nhà yêu nước bị địch bắt nhưng ông không khai báo gì. Tháng 2-1911, ông bị tịch thu hết bằng sắc, áo mão mà triều đình nhà Nguyễn trước kia đã phong, bị tịch thu tài sản rồi phạt 10 năm tù khổ sai với tội “Ám thông tin tức, xuất của quyên trợ, đồng mưu phản nghịch”.

Tại nhà lao Nghệ An, ông hai lần nữa tự tìm đến cái chết nhưng không thành do bọn cai ngục phát hiện ngăn chặn, sau đó chúng đày ông lên Lao Bảo. Tại đây, do vết thương mà ông lấy muỗng mổ bụng tự sát nhiễm trùng cùng với 7 ngày đấu tranh tuyệt thực, ông mất vào ngày mùng 4 tháng 4 năm Tân Hợi, tức ngày 2-5-1911. Chừng một năm sau, gia đình đưa hài cốt ông về mai táng tại làng Phú Quý, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc; sau đó tiếp tục dời về đúng mảnh đất của ngôi làng nhỏ bé nơi ông đã sinh ra, trong khuôn viên của trụ sở UBND xã Đại Cường, thuộc làng Ô Gia Nam, nơi phía Bắc có dòng Vu Gia, phía Nam có sông Thu Bồn đêm ngày rì rào sóng nước.

Ở xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, cách không xa ngôi mộ của người 5 lần tự tử này có ngôi trường THPT mang tên Đỗ Đăng Tuyển, một cách tưởng nhớ đến công lao của “ông Ô Gia”. Xứ sở, quê hương mãi mãi tự hào về một người con xả thân vì nghĩa lớn của dân tộc.

(Theo Báo Đà Nẵng)

Thái Mỹ
Bạn đang đọc bài viết "Năm lần tự tử để giữ trọn khí tiết" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.