Quang cảnh Hội thảo khoa học "Văn hiến Vĩnh Phúc- Truyền thống và hiện đại"
Đặc biệt là tác giả Bùi Đăng Sinh đã có những đóng góp hết sức có ý nghĩa đối với Mỹ thuật dân gian tỉnh Vĩnh Phúc. Qua nghiên cứu của Bùi Đặng Sinh, có thể hiểu về mỹ thuật dân gian tỉnh Vĩnh Phúc như sau: Khái quát về Mỹ thuật dân gian tỉnh Vĩnh Phúc xuyên suốt cả tiến trình phát triển của lịch sử nước ta, từ xa xưa con người đã tạo nên những bức tranh nghệ thuật với mục đích trang chí vật dụng cho đẹp mắt, những sáng tạo nghệ thuật ấy cho đến ngày nay lại có giá trị như những trang lịch sử sống động đầu tiên của dân tộc ta. Nền nghệ thuật ấy chính là những di sản quý báu của nền văn hóa, văn minh dântộc, góp phần tạo nên bản sắc nghệ thuật của dân tộc ta. Và hiện nay, trên địa bàntỉnh Vĩnh Phúc, các di tích kiến trúc, điêu khắc và hội họa từ thời nhà Hậu Lê, nhàNguyễn vẫn còn giữ lại được cho đến ngày nay là khá phong phú và đa dạng.
1. Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian
Trong tín ngưỡng của dân gian, vấn đề thờ cúng tổ tiên là phổ biến, vì thế đã xuất hiện kiến trúc nhà thờ của một số dòng họ trong làng xóm, và bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình để cúng giỗ, lễ tết hàng năm. Trong phạm vi kiến trúc cổ của Việt Nam, qua những công trình có giá trị nghệ thuật truyền thống mang nhiều tính dân tộc nhất, người ta thường chia Kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng thành những nhóm cơ bản sau, ví dụ như Chùa – Tháp; Đền - Miếu; Đình làng; Lăng mộ; Nhà thờ họ.
Một trong số 21 bức chạm khắc với những nét rất tinh tế, tỉ mỉ tại đình Thổ Tang (Vĩnh Tường- Vĩnh Phúc)
Chùa: Hiện nay Vĩnh Phúc có 325 ngôi chùa, nhiều ngôi chùa có giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được bảo tồn gần như nguyên vẹn, ví dụ như một số chùa Bồng Lai, chùa Vĩnh Phúc (huyện Lập Thạch); chùa Tùng Vân, chùa Hoa Dương, chùa Ngũ Phúc (huyện Vĩnh Tường); chùa Hà Tiên (thành phố Vĩnh Yên); chùa Kính Phúc (huyện Bình Xuyên). Về phần kiến trúc mang tính nghệ thuật nhiều nhất là tam quan. Tam quan có nghĩalà cổng vào chùa có ba cửa, ứng với thuyết tam không của nhà Phật, thường cửagiữa to, hai bên cửa nhỏ hơn. Ở tam quan thường có gác treo chuông, khánh hoặc trống, khu trung tâm là điện thờ Phật của chùa thông thường nằm ở ba ngôi nhà nằm kế tiếp nhau là Tiền đường, Thiên hương, và Thượng điện. Ngoài khu trung tâm, kiến trúc chùa còn có thể có dãy hành lang ở trong cùngthường là nơi đặt bàn thờ điêu khắc tượng các vị La Hán, các hòa thượng, hoặc phối hợp cùng hành lang hai bên làm nơi tạm trú cho khách thập phương, chuẩn bị cỗ chay ngày lễ… Cũng có thể kết thúc kiến trúc khu chùa là một dãy nhà tổ (nơi sinh hoạt của các sư trụ trì), hoặc khu nhà tổ này được xây riêng ở kế bên chùa.
Tháp: Trong kiến trúc tôn giáo, Chùa – Tháp thường đi liền với nhau, cho nên đã nói đến Chùa là phải nói đến Tháp. Trong lịch sử, từ thời nhà Lý ở Vĩnh Phúc đã có nhiều Tháp. Tháp là một bộ phận, một phần công trình nghệ thuật quan trọng của Chùa. Cùng với Chùa, Tháp là nơi thờ Phật có tính chất tưởng niệm và là nơi để hài cốt các nhà sư. Các tầng của Tháp tượng trưng cho từng bước tu hành để lên cõi Niết Bàn của các phật tử.Đền – Miếu: Về kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, ngoài Chùa – Tháp, hiện nay ởtỉnh Vĩnh Phúc còn có một hệ thống đền miếu phong phú đa dạng.
Đền miếu thờ các thần có danh tiếng từ thời xa xưa như Tản Viên (thờ ở Đền Thính, huyện Yên Lạc), thờ các vị anh hùng có công với nước như Hai Bà Trưng (đền thờ Hai BàTrưng còn gọi là đền Hạ Lôi ở Mê Linh); đền thờ danh tướng Trần Nguyên Hãn ở huyện Lập Thạch…Ở Vĩnh Phúc hiện nay có một số Đền – Miếu tiêu biểu sau: Đền Hai Bà Trưng, đền Đình Phú Mỹ ( ở Mê Linh); đền Bắc Cung, đền thờ Trần Nguyên Hãn, ( huyện Lập Thạch); đền Phú Đa, đền Đuông (huyện Vĩnh Tường); đền Tây Thiên (huyện TamĐảo); miếu Tam Thánh (huyện Bình Xuyên)…
Đình làng: Đình làng là công trình kiến trúc cổ truyền bảo tồn khá trọn ven những đặc điểm kiến trúc nghệ thuật trong sáng, độc đáo, tính dân tộc phong phú đậm đà bản sắc dân gian và ít chịu ảnh hưởng ngoại lai hơn tất cả các loại hình kiến trúc cổ Việt Nam xây dựng trong thời kỳ xã hội phong kiến. Đình làng có thể xếp vào loại hình các các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng vì là nơi thờ Thành Hoàng –vị thần bảo hộ của mỗi làng Việt cổ truyền. Đình làng có thể xếp vào loại hình kiến trúc công cộng dân gian, vì Đình làng làmột trung tâm sinh hoạt chính trị và văn hóa xã hội của làng; Đình làng còn là trụsở hành chính của xã thôn, nơi hội họp của Hội đồng kỳ mục để bổ bán binh dịch, phân chia công điền công thổ, đặt khoán ước và giải quyết các vụ kiện cáo, tranhchấp, thu thuế, thu sưu… Ngày hội làng là ngày giỗ Thành Hoàng - Đình làng lại trở thành trung tâm văn hóa của làng xã, trình bày và biểu diễn tất cả kho tàng văn hóa dân gian tích lũy từ đời này qua đời khác của địa phương với sụ tham gia nhiệttình và sôi nổi qua phần rước lễ, các trò chơi thu hút mọi lứa tuổi … Cho đến ngày nay, đình làng vẫn là một đối tượng và là đề tài lý thú của các nhà nghiên cứu xãhội học, nghệ thuật và kiến trúc. Một số ngôi Đình tiêu biểu ở Vĩnh Phúc: Hiện nay những ngôi đình có giá trị và kiến trúc nghệ thuật còn khá nguyên vẹn là đình Thổ Tang, đình Hòa Loan (huyệnVĩnh Tường), cụm đình Hương Canh (huyện Bình Xuyên), đình Bạch Trữ, đìnhPhú Mỹ (huyện Mê Linh), đình Tiên Lữ, đình Tây Hạ Bàn Giản (huyện LậpThạch), đình Hùng Vỹ (huyện Yên Lạc)…
2 . Kiến trúc dân dụng
Thành là loại kiến trúc quân sự, hoặc xây dựng ở thủ phủ một đơn vị hành chính, hoặc ở một vị chí quan trọng, mỗi khi có chiến sự thì thành là một pháo đài, một công sự khổng lồ để vừa phòng thủ vừa làm bàn đạp để tiến công. Thời bình thì thành có tác dụng chống lại kẻ thù trộm cướp để bảo vệ chính quyền, giữ gìn an ninh. Vì vậy, thành được xây rất kiên cố, thường cao, dày, xung quanh lại đào hào sâu, nơi trũng thì hào có nước như ao sông, vừa có tác dụng ngăn giặc, vừa để luyện tập thủy binh. Ngoài hào lại được trồng nhiều những lũy tre, hoặc có cây dày đặc, trên mặt thành có những vọng canh, trong thành thì bố trí sở lỵ của chính quyền, đồn binh, trại lính… Vĩnh Phúc có thành từ thời kỳ dựng nước, nhưng theo thời gian, đến ngày nay các thành cổ thuộc phạm vi tỉnh Vĩnh Phúc hầu như không còn nữa, có thành chỉ còn có tên gọi, có thành chỉ còn vết tích. Một số thành quách tiêu biểu của Vĩnh Phúc như thành Mê Linh và thành Cự Triền thời Hai Bà Trưng, thời kỳ đấu tranh chống phong kiến phương Bắc có thành Gia Ninh (ngày nay thuộc Bạch Hạc) là trung tâm lỵ sở qua nhiều đời. Đến thời nhà Hậu Lê, ở Vĩnh Phúc thành to nhất là thành Quận Hẻo, đến thời nhà Nguyễn, kiến trúc thành được cải tiến, thành xây bằnggạch hay đá ong, có pháo đài và súng thần công bảo vệ…
3. Điêu khắc
Điêu khắc và kiến trúc có quan hệ mật thiết và hữu cơ với nhau, từ những vật dùng ngày thường, đến những kiến trúc lớn thường có sự tham gia của môn điêu khắc. Trong điêu khắc dân gian có các loại hình như: Tượng tròn, phù điêu chạm nổi hay đục thủng chạm bong, khắc chìm. Các tác phẩm điêu khắc cổ hiện còn ở Vĩnh Phúc chủ yếu tập trung ở các công trình kiến trúc tôn giáo, có nhiều ở haidạng chất liệu đá và gỗ, ngoài ra là đồng, đất luyện, đất nung…
3.1. Điêu khắc đá
Theo các thư tịch cổ, ở Vĩnh Phúc có rất nhiều công trình điêu khắc đá cổ dân gian có giá trị nghệ thuật và lịch sử cao, nhưng vì nhiều lý do trải qua thời gian dài, hiện nay các các di vật đá còn lại không nhiều và di vật có giá trị nghệ thuật lại càng ít.
3.2. Điêu khắc tượng tròn
Hiện nay ở đền Phú Đa (Vĩnh Tường) còn lưu giữ 20 pho tượng tròn, bao gồm các loại tượng người, tượng động vật như: voi, ngựa, chó đá, nghê chầu.
3.3. Bia đá
Hầu hết các đình chùa đền miếu ngày trước đều có bia đá, bia đá cũng có nhiều loại với nhiều kích thước to nhỏ khác nhau. Thành công của các nghệ sỹ dân gian trong chạm khắc bia đá là đã biết căn cứ vào chất liệu và màu sắc của đá mà tận dụng chúng trong tạo hình và trang trí nội thất. Với những đề tài phản ánh các nét sinh hoạt trong cuộc sống, những trang trí trên đá đã làm cho không khí kiến trúc vừa giữ được vẻ trang nghiêm.
3.4. Điêu khắc gỗ
Điêu khắc gỗ có nhiều loại hình tượng như tượng tròn, khắc chìm, phù điêu chạm nổi. Các bức chạm gỗ cổ dân gian có giá trị thường được tập trung ở các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều nhất là trong các ngôi đình. Ở chùa thì nổi bật là nghệ thuật tạc tượng và một cửa võng hoặc các tòa Cửu Long. Có nhiều pho tượng rất đẹp, nhưng do chất liệu không bền, lại bị nhiều yếu tố hủy hoại, nên các tác phẩm điêu khắc gỗ cổ dân gian ở Vĩnh Phúc hiện nay còn lại rất ít.
3.5. Tượng gỗ
Tượng gỗ dân gian cũng thuộc bộ môn điêu khắc gỗ, nhưng tách riêng ra một mục, vì loại tượng gỗ này chủ yếu chỉ có trong các ngôi chùa làng và được sắp đặt theo một trình tự giống nhau. Hiện nay các chùa tiêu biểu còn lại ở Vĩnh Phúc như chùa Tùng Vân (Thổ Tang Vĩnh Tường), chùa Kính Phúc (Hương Canh, Bình Xuyên), chùa Thượng Kinh (Vĩnh Tường), mỗi chùa trên đều có vài chục pho tượng gỗ. Ở một số đền cũng có bày tượng gỗ, nhưng không được quy củ như chùa. Tượng ở đây chủ yếu là tượng các vị thần được thờ tại đền. Nhìn chung tượng gỗ ở các chùa là một nghệ thuật tạo hình được kết hợp nhuần nhuyễn khái quát và cụ thể, giữa nghệ thuật cách điệu và đặc tả, khiến cho các pho tượng có một phong cách chung của Phật giáo, tất cả các tượng Phật đều được tạc đẹp hơn người thực, đó là lý tưởng thẩm mỹ của người xưa. Từng pho tượng được đặc tả một cách chi tiết làm sao cho tính cách, sự tích của từng nhân vật được hiện lên rõ nét làm cho nhân dân rất dễ nhận ra. Những đặc điểm ấy khiến cho quang cảnh trong chùa đẹp, lộng lẫy mà ấm áp chứ không xa lạ, cõi Phật mà rất đời, chúng sinh rất dễ gần gủi. Đó là những thành công nổi bật của các nghệ sỹ dân gian tạc tượng cho các chùa chiền thuở trước.
3.6. Vẽ hình và trang trí
Hiện nay ở Vĩnh Phúc chưa tìm thấy một một làng tranh truyền thống nào, nhưng các loại tranh thờ như là “Bà chúa Thượng ngàn, “Bát quái’, “Ngũ hổ”, “Thần mưa”, “Quan thế âm bồ tát” v.v… vẫn còn rải rác ở một số đền thờ, hoặc một số gia đình đồng bào dân tộc ít người, như dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên (huyện Sông Lô) của dòng họ Lâm vẫn còn lưu giữ những bức tranh quý như: Bức tranh Thánh sư; Bộ tranh Công Pháp; Bức tranh Thần Bưu Tá; Hai bức tranh về Thần Nông và Địa Niệm; Bức tranh Dẫn Lộ Hương…Ngoài ra còn hàng chục bức tranh thờ các thánh thần khác như: Tranh thờ Gia tiên, tranh thờ Phật Bà Quan âm; tranh thờ Thần Núi, Thần Sông, Thần Thiên Lôi, Thần văn nghệ ca hát… Tất cả các bức tranh đều mang yếu tố tâm linh giáo huấn, răn dạy người đời phải học hành, phụng sự tổ tiên, tôn trọng đất đai, sống có luật pháp, có trên có dưới, vươn tới cái thiện, cái đẹp, cái cao cả, trừng trị cái ác.
Ngoài tranh thờ, đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Cao Lan, Sán Dìu còn có một nền văn hóa riêng thể hiện qua cách ăn mặc và trang trí quần áo. Nhìn chung, trên vùng đất Vĩnh Phúc xuyên suốt chiều dài lịch sử đã tạo nên một nền văn hóa bản địa mà đỉnh cao là nền văn hóa Đông Sơn. Nền văn hóa ấy bao gồm nhiều mặt của đời sống xã hội, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Đặc biệt là trong văn hóa tinh thần thì “Mỹ thuật dân gian” đã để lại cho ngày nay những minh chứng giá trị và xác thực nhất. Nếu tác giả trình bày cụ thể về vấn đề Lăng mộ, và Nhà thờ họ thì cuốn sách sẽ đầy đủ hơn.
-----------------------------------
* Tham luận tại Hội thảo khoa học "Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và hiện đại"
Vương Quốc Hoa
(Tóm tắt và giới thiệu)