Mưu sinh vùng biển cạn Gò Công

16/04/2019 15:02

Theo dõi trên

Con đường dẫn vào xóm biển Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân tuy nhỏ nhưng rất đông dân cư sinh sống. Cũng không biết từ khi nào xóm biển này trở thành ngôi nhà chung của nhiều ngư dân. Mỗi nóc nhà là một câu chuyện khác nhau, nhưng điểm chung duy nhất ở nơi đây là nhà nào cũng kiếm sống bằng nghề mưu sinh trên vùng biển cạn.

Thuộc nằm lòng từng ngõ ngách trong xóm biển Gò Công, Trưởng ấp Gò Công Lý Minh Trí bắt đầu chỉ hướng từng nhà. Ông Trí nói: “Mùa này trong xóm nhà nào cũng bận rộn khai thác gần bờ, vì đa phần dân cư nơi đây không đất sản xuất. Mạnh ai nấy vật lộn với biển mà kiếm sống. Dù cực khổ, nguy hiểm nhưng không làm nghề này biết làm nghề gì bây giờ, vì hết tháng 5 âm lịch là sóng bắt đầu mạnh hơn”.

Câu chuyện lớn nơi con sóng nhỏ

Nhanh tay lau chùi, tát nước, rửa chiếc vỏ lãi sau một đêm dài đánh bắt, anh Trần Hữu Tiền, 40 tuổi, ấp Gò Công, kể: “Hồi còn thanh niên trai tráng, tôi đã gắn bó với nghề đi biển. Lúc trước đi ghe mướn cho người ta, giờ thì cưới vợ, sinh con nên làm riêng cho đỡ cực. Nói đỡ cực chứ cũng chẳng sướng gì đâu. Trúng thì đỡ, còn không thì huề tiền xăng dầu, lỗ công sức luôn”.

Nói là nghề đi biển chứ thật ra chỉ có chiếc vỏ lãi khai thác gần bờ. Những tưởng thoát nghề biển cạn khi cưới vợ, ai dè có vợ xong, anh Tiền vẫn phải tiếp tục bám biển kiếm sống. Anh trần tình: “Gần 30 tuổi mới cưới vợ, mừng không thể tả. Khi cưới vợ trong mình có 2 triệu đồng, tưởng bả chê ai ngờ bả thương nên cũng không để ý gì. Ngày cưới đơn sơ, vỏn vẹn vài mâm tiệc mời thân tộc, thế là nên duyên chồng vợ. Nghĩ thương bả nhưng nghèo quá biết sao giờ”.



Ấp Gò Công có hơn phân nửa dân cư làm nghề đánh bắt biển cạn.

Nét mặt người phụ nữ có vẻ phờ phạc vì thức đêm, đôi tay nhừ nát vết trầy xước vì gai tôm cá, nhanh nhẹn lựa “chiến lợi phẩm” thu hoạch đêm hôm, chị Tống Thị Mến (vợ anh Tiền) tâm sự: “Tính cưới xong kiếm nghề khác sống, ai dè loay hoay mãi không gì mần nên tiếp tục mượn tiền mua vỏ máy đi biển. Mình nghèo mà chồng cũng không khá hơn nên đành làm nghề này vậy, miễn sao có cái để sinh sống”.

Có chồng gần 11 năm cũng ngần ấy năm chị Mến gắn bó với nghề biển cạn. Gần 30 tuổi nhưng chị Mến đã có 3 mặt con, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 19 tháng. Khi hỏi chị có tính sinh nữa không, chị Mến cười: “Đẻ nữa lấy gì nuôi”.

Những ngày đi biển, vợ chồng chị Mến phải gửi con nhờ bà ngoại trông chừng, nhà ngoại cũng nghèo nên chẳng giúp được gì. Gương mặt chị hốc hác vì đêm đêm phải cùng chồng đặt lú ngoài vùng biển cạn. Có đêm gió to sóng lớn, chị vừa khóc vừa tát nước cùng chồng vì sợ xuồng chìm, mất lú. Những lúc đó chị nghĩ muốn bỏ nghề, nhưng lên bờ thì làm gì sống trong khi vợ chồng chị “không cục đất chọi chim”.

Chị Mến nhớ lại: “Cực cũng phải ráng làm với chồng chứ biết sao giờ, vì mình còn ở đậu đất người ta. Lúc mới đi biển, say sóng ói tới mật xanh. Nhớ năm ngoái có bầu đứa con gái út khoảng 7 tháng mà liều ra đặt lú, biển động quá xíu nữa là sinh non ngoài biển. Sanh xong 2 tháng là phải đi biển với chồng chứ ở nhà nữa đói sao. Rồi một lần khác cũng sóng lớn, vì phải cầm máy cho ổng dỡ lú mà cái áo mắc kẹt trong cái tay cầm, sóng dập mạnh quá nên bị gãy cánh tay, tới nay mới lành”.

 


Đánh liều vay mượn nên anh Tiền mới có được chiếc vỏ lớn để đánh bắt an toàn hơn.

“Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”, dù là phụ nữ nhưng chị Mến vẫn ngày ngày cùng chồng kiếm sống ngoài vùng biển. Không đất cắm dùi nên đây là nghề duy nhất để lo cho con cái. Dòng họ, anh chị hai bên ai cũng nghèo nên vợ chồng chị phải tự kiếm cái ăn, cái mặc, mặc cho phía trước còn lắm gian nan.

Những khát vọng vươn mình

Ở ấp Gò Công có gần 400 hộ nhưng hơn phân nửa làm nghề biển cạn. Cuộc sống khốn khó nên vốn liếng đều tập trung hết vào chiếc vỏ lãi và mớ lú đặt ngoài biển. Bấp bênh, nguy hiểm nhưng đối với họ đó là nghề mưu sinh duy nhất và có lẽ đến hết đời vẫn một lòng trung thành với biển cả.

Gần 30 năm sinh sống ở đây, bà Thạch Thị Sà Quyên, 64 tuổi, vẫn còn nhớ như in những ngày đầu trôi dạt đến vùng Gò Công này. Bà Quyên kể: “Gia đình tôi ở tận Sóc Trăng, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm mướn, sau đó về đây kiếm kế sinh nhai. Hồi trước tôm cá nhiều, giờ giảm hơn phân nửa rồi. Dân ở đây đa phần không đất sản xuất nên khai thác vùng biển cấm, biết là vi phạm nhưng không làm lấy gì sinh sống, khổ quá nên họ đánh liều”.



Những người phụ nữ nơi đây góp sức cùng chồng mưu sinh ngoài biển.

Cuộc sống của người dân nơi đây phần lớn dựa vào mùa vụ và thời tiết. Mùa khai thác được nhất là vào khoảng tháng Giêng cho đến hết tháng 5 âm lịch. Những lúc ấy ít sóng, tôm cá nhiều; Còn từ tháng 6 đến tháng 12 âm lịch gió to, biển động thế là ở nhà nằm chờ, đợi sóng êm thì ra đánh bắt. Đặt lú, đóng đáy vùng biển cạn với sản vật thu hoạch như tôm, cua, cá, mực, ghẹ… là chủ yếu.

“Do dân nơi đây không có kinh nghiệm đánh bắt ngoài khơi, buộc lòng phải khai thác ven bờ. Xuồng máy nhỏ, lắm lúc gặp mưa lớn, sóng to cũng sợ nhưng không làm nghề này làm sao nuôi nổi gia đình. Cầu mong mưa thuận gió hoà, đừng bão tố để ngư dân nơi đây đỡ khổ, mỗi chuyến đánh bắt đều có nhiều tôm cá”, anh Nguyễn Văn Tiến, ấp Gò Công, chia sẻ.

“Hiện nay, lộ làng thông thoáng, cuộc sống có phần đỡ hơn trước nhưng nghề khai thác biển cạn của ngư dân vẫn còn là nỗi trăn trở. Hy vọng các ngành liên quan có phương hướng nào đó để ngư dân sinh sống ổn định hơn, vì khai thác quá mức mà nguồn lợi thuỷ sản dần cạn kiệt. Bảo vệ nguồn lợi ven bờ là đúng, nhưng cũng cần có hướng để người dân có được sinh kế khác phát triển kinh tế”, Trưởng ấp Gò Công Lý Minh Trí tâm tình.

 


Không đi biển được thì người già và trẻ em phụ giúp lựa tôm, cá sau khi đánh bắt về.

Chị Mến bộc bạch: “Nhà cửa tạm bợ cũng đau lòng lắm, vì vậy hai vợ chồng cố gắng làm để mong có miếng đất, không lẽ suốt đời ở đậu. Đời mình khổ thì mình gắng bươn chải cho con cái có cuộc sống khá hơn cha mẹ. Chỉ sợ không có sức khoẻ để làm thôi. Mới hồi tháng trước, xuồng cũ quá nên hai vợ chồng đánh liều vay tiền mua vỏ lãi mới lớn hơn để mong đánh bắt khá hơn mà cũng đỡ phần nguy hiểm”.

Trong căn nhà nhỏ của chị Mến ngoài mé sông được cất bằng cây lá đơn sơ, 5 con người đang mong chờ cuộc sống tươi đẹp, không còn phải đánh cược với từng con sóng. Đêm đêm có được giấc ngủ ngon, không phải lo mất lú, sợ mưa to sóng lớn hay chìm xuồng mất vốn… Và đối với họ, đó là những điều mong ước đơn sơ, bình dị nhất của những ngư dân vùng cửa biển Gò Công.

Câu chuyện của gia đình chị Mến, anh Tiền là một hoàn cảnh “nổi trội” trong số hàng trăm hộ dân nơi đây. Khai thác vùng biển cạn thì vi phạm vùng cấm, họ vẫn biết thế nhưng vì quá nghèo, đành liều với sóng, cược mạng với thuỷ thần. Hàng ngày, hàng giờ những con sóng ngoài kia vẫn chứng kiến hàng trăm ngư dân đang loay hoay tìm kiếm những con mực, con tôm, con ghẹ… để nuôi sống cả gia đình.

Xã Nguyễn Việt Khái có 2 cửa biển là Gò Công và Sào Lưới. Xã có 14 ấp với 3.297 hộ, trong đó 191 hộ nghèo, 77 hộ cận nghèo và 141 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Hiện tại, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những hộ sinh sống bằng nghề khai thác biển cạn, chủ yếu khai thác bằng các phương tiện nhỏ, đặt lú, đóng đáy… Do khai thác gần bờ nên thường các loại thuỷ sản thu được không có giá trị cao. Khai thác nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, nhiều trường hợp đánh bắt tận diệt nên hiện tại nguồn lợi dần cạn kiệt", Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái Lê Văn Bắc thông tin.

 
Hằng My
Theo Cà Mau

Bạn đang đọc bài viết "Mưu sinh vùng biển cạn Gò Công " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.