Mùa xuân thứ ba ở Vũng Chùa

12/01/2016 07:55

Theo dõi trên

Mùa xuân này, tròn 3 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất thiêng Vũng Chùa (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Mảnh đất này trước đây vốn hoang vu, xa lạ nay trở nên gần gũi, thân quen với hàng triệu người con đất Việt…

Đất lạ hóa quen

Nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cách đèo Ngang khoảng 10km về hướng đông nam, Vũng Chùa - đảo Yến là một trong những thắng cảnh đẹp nằm trong vịnh Hòn La. Nơi đây được bao bọc bởi những ngọn núi vững chãi như bức tường thành với thế “rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” bằng đỉnh mũi Rồng che chắn phía tây bắc. Với vị thế đắc địa, khung cảnh non nước hữu tình, bình yên và khoáng đạt như vậy, nhưng hơn 3 năm về trước mảnh đất này vẫn rất hoang vu,  xa lạ...

Đến khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn nơi đây làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng, mảnh đất thiêng này đã trở thành một “điểm đến” thu hút hàng triệu con tim đất Việt. 3 năm qua, sức hút ấy vẫn không hề suy giảm, hàng ngày dòng người lại tiếp nối về đây để viếng thăm Đại tướng, để một lần được ngắm biển trời mây nước mênh mông




Mùa xuân thứ 3, Đại tướng về an nghỉ ở Vũng Chùa, hàng ngày dòng người vẫn nối tiếp nhau không ngớt vào viếng người (Ảnh:P.P)

3 năm nay, như đã thành một tâm niệm, cứ dịp đầu năm mới hoặc các ngày lễ, ngày sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Hồ An Minh ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) lại dành thời gian đến Vũng Chùa dâng hương lên linh mộ Đại tướng. Anh Minh chia sẻ: “Đất Vũng Chùa thật đẹp và linh thiêng. Mỗi lần đến đây, tôi thấy lòng mình yên bình rất khó tả. Chọn đất này, Đại tướng là “bức thành đồng” bảo vệ Biển Đông mà không kẻ thù nào có thể xâm phạm”.

Các chiến sĩ biên phòng trong Đội bảo vệ Vũng Chùa (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) cho biết, qua 3 năm làm nhiệm vụ ở đây, trong hàng triệu lượt người đến Vũng Chùa họ nhận ra rất nhiều gương mặt thân quen vì đã nhiều lần đến đây viếng mộ Đại tướng, trong số đó có nhiều người ở các tỉnh khá xa.

Đây là lần thứ 2 đến Vũng Chùa nhưng lần trước chị Nguyễn Ngọc Anh (Hà Nội) chỉ thắp hương vái vọng Đại tướng rồi ra về. Lần này trở lại Vũng Chùa chị Ngọc Anh đã dành thêm một chút thời gian khám phá phong cảnh nên thơ của Vũng Chùa – đảo Yến và rất ngỡ ngàng bởi chỉ cách một dãy cây xanh là một bãi biển thanh bình với bãi cát vàng mịn màng êm ái.

“Như cổ tích, mặt biển lặng như mặt gương, xuống đây sau khi khói hương trước linh mộ Đại tướng, tâm hồn thư thái ra, bao muộn phiền, bao lo toan, ồn ào náo nhiệt của cuộc sống như biến mất”- chị Ngọc Anh chia sẻ.

Rừng cây ơn Người

Ông Võ Đại Hàm (cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông) kể, sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người yêu cây, yêu rừng đến kỳ lạ. Mỗi lần về thăm quê hương Quảng Bình, ngoài việc tự tay trồng cây ở vườn nhà và các di tích, danh thắng của quê hương, Đại tướng thường chọn những người trồng cây, trồng rừng giỏi để đến thăm. Một lần đến thăm mẹ Nghèng - người được Đảng và Nhà nước phong anh hùng vì thành tích trồng rừng, Đại tướng đã nói: “Nếu không có các cuộc chiến tranh, không trở thành một vị tướng cầm quân, tôi rất muốn trở thành một người trồng rừng chắn cát như mẹ Nghèng…”.




Người dân Quảng Đông bán đồ lưu niệm cho du khách hành hương về viếng Đại tướng (Ảnh:P.P)

Có lẽ, biết Đại tướng yêu cây, yêu rừng nên từ ngày Người về an nghỉ ở Vũng Chùa, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước đã về đây cung tiến, trồng thêm nhiều loại cây xanh để tri ân. Núi Thọ (nơi đặt linh mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trước đây chỉ có các loài cây bản địa và một ít cây thông thưa thớt thì nay đã trở thành một khu rừng với rất nhiều loài cây, loài hoa xanh tươi, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên vô cùng ấn tượng.

Khoảng đất trống dưới chân mộ Đại tướng bây giờ là một vườn mai vàng có 103 cây (tương đương tuổi thọ Đại tướng), mỗi mùa xuân về lại khoe sắc vàng rực rỡ. Vườn mai là sáng kiến của tuổi trẻ huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc đối với vị tướng huyền thoại của nhân dân.

Cũng thể hiện sự tri ân với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đầu năm 2015, trong khuôn khổ chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” do Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) phối hợp cũng đã tổ chức phát động và  trồng hơn 13.000 cây xanh (trong đó 13.000 cây thông Mã Vĩ, 16 cây dừa dâu Thanh Hóa cao 4,5m) tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Ngày đầu xuân, vượt chặng đường hơn 100km từ Hà Tĩnh vào Vũng Chùa thắp hương viếng Đại tướng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải - người từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ - ngỡ ngàng đứng ngắm những nụ hoa ban trắng hồng khoe sắc bên linh mộ Đại tướng. Đó là những chùm hoa ban đầu tiên khoe sắc trong số 103 cây hoa ban Tây Bắc đã được lãnh đạo tỉnh Điện Biên trực tiếp mang từ Điện Biên vào trồng xung quanh khu mộ của Đại tướng để thể hiện lòng tưởng nhớ và tri ân của cán bộ, nhân dân Điện Biên và Tây Bắc đối với Đại tướng. Ngắm hoa ban nở, những ký ức của Điện Biên năm xưa sống lại trong ký ức của người lính già.

“Ngắm hoa ban, tôi nhớ Đại tướng vô cùng, đời tôi rất vinh dự được làm một người lính chiến đấu trong đoàn quân của một vị tướng lỗi lạc. Hình ảnh Đại tướng trong đoàn quân chiến thắng trở về đúng vào mùa hoa ban Tây Bắc nở rộ năm nào thật đẹp và hùng dũng vô cùng mà mỗi người lính chúng tôi mãi mãi không thể nào quên được” – ông Hải tự hào nói.

“Người về đem đến đổi thay Vũng Chùa”

"Từ ngày linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an nghỉ ngàn thu ở Vũng Chùa, đã có hơn 2 triệu lượt người đến dâng hương, viếng linh mộ của người. Đặc biệt, những ngày tết, ngày lễ lượng người đến viếng người rất đông, có ngày lượng khách lên đến hàng vạn người”Thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào

Thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào – Đội trưởng đội bảo vệ Vũng Chùa (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) cho biết, từ ngày Đại tướng an nghỉ ở Vũng Chùa chưa ngày nào ngớt dòng người hành hương về đây. Nhiều nhất là những ngày lễ tết, xe ô tô phải đậu từ ngoài Quốc lộ 1A để mọi người đi bộ vào vì bãi xe quá tải.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) bảo, quê hương ông rất tự hào và biết ơn khi được Đại tướng chọn làm nơi yên nghỉ. Quảng Đông - từ một vùng quê nghèo dưới chân đèo Ngang, bỗng dưng được cả thế giới biết đến như một địa chỉ linh thiêng của Việt Nam. Quảng Đông đang đổi thay từng ngày. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp, ngư nghiệp sang du lịch, dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân.

Bà Lê Thị Phượng (thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông) có một cửa hàng hoa và đồ lưu niệm dọc hai bên đường vào Vũng Chùa, cũng bày tỏ: “Cảm ơn Đại tướng lắm! Khi đất đai nông nghiệp phải nhường cho khu công nghiệp, chưa biết chuyển đổi nghề nghiệp ra sao thì Đại tướng về đây an nghỉ. Được chính quyền địa phương cho phép, dân chúng tôi ra đây bán hoa tươi, đồ lưu niệm cũng với ý thức giúp người hành hương thỏa lòng, mãn nguyện khi vào viếng Đại tướng”.

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết "Mùa xuân thứ ba ở Vũng Chùa" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.