Náo nức ngày hội
Chùa Bổ Đà - danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, nơi đào luyện tăng đồ theo Thiền phái Lâm Tế. Dân gian truyền tụng, chùa Bổ Đà có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và trở thành nổi tiếng vào thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái (1720-1729). Vườn Tháp chùa Bổ Đà là một trong những Vườn Tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam với 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau. Chỉ những người trong phái Lâm Tế khi viên tịch mới được an táng tại vườn tháp. Tháp của Tăng hình bình cam lộ trên đỉnh, tháp của Ni trên ngọn có hình hoa sen. Đây là một trong những trung tâm lớn của dòng thiền Lâm Tế nên hằng năm đến kỳ “kiết hạ an cư”, có rất đông các vị tăng ni, tín đồ ở nhiều vùng khác nhau tập trung về đây tham thiền học đạo.
Điều đặc biệt, kiến trúc chùa Bổ Đà không giống với bất kỳ ngôi chùa truyền thống nào ở miền Bắc Việt Nam. Kiến trúc của chùa theo kiểu “Nội thông ngoại bế”, không quan trọng ở sự nguy nga tráng lệ mà quan tâm tới sự liên hoàn, thoáng đạt. Bước vào cổng chùa là nền đá muối xù xì nâu sẫm, có kích thước to nhỏ khác nhau. Tường chùa được đắp bằng đất nện. Cổng chùa được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông. Tòa Tam bảo kiến trúc theo kiểu chữ đinh, phần hậu dài rộng, gồm 5 gian. Nền nhà cao 3 bậc, thềm được lát bằng những phiến đá xanh có kích thước to nhỏ khác nhau. Khu nội tự hầu hết đều mang dấu vết của kiến trúc thời Lê -Nguyễn. Từ thời kỳ đầu khởi dựng đến nay chùa Bổ Đà vẫn nằm nguyên vị trí ban đầu. Về mặt không gian thoáng đãng, sân chùa rộng rãi và nối tiếp với nhau tạo nên một quần thể chặt chẽ.
Theo sử liệu, người có công phát tâm chấn hưng dòng thiền Bổ Đà là vị cao tăng có tên tục là Phạm Kim Hưng. Từ những năm 1720 – 1729, Tổ đã hưng công trùng tu tòa Tam Bảo và nhiều công trình kiến trúc khác rồi cho dựng bia ghi lại. Khi Tổ viên tịch, Ngài trao quyền y bát cho đệ tử là vị sư họ Ngô tiếp tục tôn tạo Bổ Đà với nhiều hạng mục kết cấu liên hoàn. Tới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị các vị cao tăng kế truyền lại bổ sung một số công trình nhỏ bổ trợ và khuyến hóa thập phương tô tượng, đúc chuông, đồ tế tự. Khi Bổ Đà trở thành thiền viện, trung tâm đào tạo tăng đồ dòng thiền Lâm Tế thì nơi đây còn trực tiếp in, khắc các tạng kinh phục vụ truyền giảng, thụ giới giáo lí nhà Phật. Kho mộc bản còn tàng lưu hơn hai ngàn ván kinh có giá trị đặc biệt.
Kho mộc bản kinh Phật nằm ở khu hậu viện của chùa, với mục đích muốn lưu truyền cho đời sau, vừa dùng làm phương tiện truyền dạy Phật pháp cho các môn đồ. Kho mộc bản kinh Phật ở đây được khắc từ năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng (số năm được khắc trên ván kinh), trải qua 3 thế kỷ nhưng bộ mộc bản kinh vẫn giữ nguyên vẹn về hình thái. Trải qua gần ba thế kỷ, những hoa văn, chữ nổi trên ván kinh bằng gỗ thị vẫn còn rất sắc nét, không hề bị mối mọt. Không chỉ có văn tự, những nghệ nhân rất tài hoa khi xưa đã chạm, khắc lên những ván gỗ nhiều hình ảnh tinh xảo. Bên cạnh chốn tổ Vĩnh Nghiêm ở Yên Dũng, có thể nói sơn môn Bổ Đà là chốn tổ, trung tâm Phật giáo lớn thứ hai ở Bắc Giang, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá và duy trì phát triển đạo Phật mà thiền phái Lâm Tế là chủ đạo. Do ảnh hưởng của thiền phái Lâm Tế nên các nhà sư đã cho khắc những bộ kinh đi sâu nghiên cứu về thiền. Dù thể hiện những giáo lý và tư tưởng của Phật giáo Ấn Độ nhưng những ván kinh do được khắc ở Việt Nam, bởi những bàn tay của người Việt nên mang dấu ấn Việt khá rõ qua các hoa văn, họa tiết trang trí, trong nhiều bản kinh thể hiện triết lý gắn bó giữa đạo và đời.
Với những giá trị về mặt kiến trúc lịch sử, ngày 22/12/2016 chùa Bổ Đà được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với đó, chùa Bổ Đà được cấp bằng công nhận Mộc bản thuộc phái Lâm Tế cổ nhất Việt Nam; Vườn tháp lớn nhất Việt Nam. Bằng công nhận cây di sản và hồ sơ lễ hội chùa Bổ Đà đang được xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vùng đất Việt Yên, bên cạnh dấu ấn làng cổ Thổ Hà, men say rượu làng Vân, lời ca quan họ vang rền nền nảy bên dòng sông Cầu thơ mộng, di tích đặc biệt cấp quốc gia chùa Bổ Đà sẽ là điểm đến của làng quê Việt được nhiều du khách quan tâm, chiêm bái.
Hội xuân năm 2017, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt và các danh hiệu khác của quần thể chùa Bổ Đà. Đây là dịp để tuyên truyền, quảng bá ý nghĩa của di tích tới đông đảo nhân dân, thêm yêu mến vùng đất Bắc Giang giàu bản sắc. Hẹn du khách về với lễ hội Bổ Đà mùa xuân này.