Làng quê thời thơ ấu ngập tràn trong nước lũ, chứ không được bao đê khép kín như bây giờ. Mỗi ngày đi học về, vừa ăn cơm xong là nghe tiếng các bạn trong xóm rủ nhau ra đồng hái điên điển. Một cái gật đầu của mẹ là tôi đã nhảy vọt theo chúng bạn xuống chiếc xuồng ba lá, tiến thẳng đến những gò điên điển mọc um tùm, xa xa đã thấy màu vàng của bông điên điển đung đưa trong gió. Tiếng cười đùa, trêu chọc nhau, tiếng tranh nhau khoe ai hái được nhiều làm náo động cả một không gian yên tĩnh mênh mông. Đứa nào cũng hái đầy sọt điên điển rồi bơi xuồng tiến về những gò đất gần đó hái đầy túi những quả cà na mới chịu về.
Điên điển hái về được mẹ chế biến thành nhiều món ngon. Đơn giản nhất là ăn sống chấm với cá linh kho lạt dầm thêm tí me non. Cá linh chỉ đến vào mùa nước lũ. Bông điên điển và cá linh được chế biến thành nhiều món, như: Bông điên điển nhúng lẩu cá linh chua ngọt, cá linh chiên bột ăn kèm với bông điên điển, hay làm gỏi tép với rau muống đồng cùng bông điên điển, hoặc làm nhân bánh xèo đãi bà con xa trong những buổi chiều trên bờ kênh lộng gió… Những ngày nhiều bông điên điển, các mẹ và các chị làng quê sẽ làm dưa. Từng bông được lặt khéo léo rồi rửa sạch, thêm thân rau muống đồng trộn với ít muối, cho vào keo thủy tinh, rồi đổ nước vo gạo đã lắng lấy phần trong vào, sau vài ngày sẽ có món dưa chua ngon tuyệt. Dưa điên điển ăn với cá rô chiên, vừa chua vừa giòn, mùi thơm của bông điên điển hòa lẫn với nước chấm gừng khiến ai cũng nhớ.
Điên điển còn theo mẹ ra chợ quê, đổi cho chúng tôi thêm vài ba quyển tập, cây viết. Nhờ vậy, chợ quê không bao giờ thiếu đi màu vàng rực của điên điển trong mùa nước nổi. Để rồi hôm nay, giữa chợ thành, bất chợt thấy rổ bông điên điển ai bán bên đường, lòng bồi hồi xao xuyến miên man nhớ lại những ngày tuổi thơ giữa đồng nước…
(Theo Tin Tức Miền Tây)