Ngoài bài viết khách quan về những đóng góp văn học của Quách Liêu được nhà văn Trần Đăng Khoa trân trọng giới thiệu là những tác phẩm được chọn lọc trong suốt 50 năm sáng tác văn học của tác giả bao gồm truyện dài, truyện ngắn, truyện vui, thơ, kịch (Cho thiếu nhi) chiếm non 400 trang, gần 2 phần 3 tập sách và chân dung nhà văn (viết về các nhà văn, nhà thơ Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi) và các tác phẩm truyện ngắn, thơ, kịch, tiểu luận, chuyện vui làng văn nghệ (cho người lớn) gần 200 trang. Ngoài ra còn phần tác phẩm và dư luận gần 100 trang (bao gồm 15 bài viết về tác giả Quách Liêu của nhiều nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và trả lời báo chí của tác giả về các vấn đề liên quan).
Quách Liêu viết văn sớm, viết nhiều thể loại và đã có những thành tựu như Giải nhì (không có giải nhất ) trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam và Trung ương đoàn TNCS HCM cho truyện dài Chú bé thổi khèn, giải thưởng cao của nhà xuất bản Kim Đồng, của báo Thiếu niên tiền phong cho truyện ngắn Nữ thần, Giải thưởng báo Thiếu niên tiền phong cho truyện ngắn Chị dâu tôi và Khi đàn chim trở về… Thành công của Quách Liêu ở nhiều mặt nhưng chủ yếu anh viết về thiếu nhi mà lại là thiếu nhi vùng các dân tộc miền núi phía Bắc. Quách Liêu là hội viên hội nhà văn Việt Nam từ năm 1998. Đã từng theo học trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ hội nhà văn Việt nam (khóa 3 năm 1968).
Nghe tên Quách Liêu nhiều người ngỡ rằng đây là một nhà văn người dân tộc thiểu số, có vẻ như tên một nhà văn người dân tộc Mường hay dân tộc Thái, nhất là thấy ông công tác ở tỉnh Nghĩa Lộ, lại thường thấy viết nhiều về người các dân tộc thiểu số, về vùng cao Tây Bắc. Quách Liêu từng tâm sự: Ông luôn biết cám ơn Tây Bắc, quê hương thứ hai của mình, cám ơn bà con dân bản đã bao dung, che chở.
Nhưng thật ra ông người Kinh, sinh ra ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày nhỏ anh học trường Tân Trào - Tuyên Quang rồi sang khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc); về nước học tiếp ở trường Ngô Quyền (Hải Phòng).
Sau khi tốt nghiệp khoa Câu lạc bộ, trường lý luận và nghiệp vụ (nay là trường Đại học Văn hóa - Hà Nội) năm 1964, Quách Liêu đã xung phong lên công tác lâu dài ở tỉnh Nghĩa Lộ, một trong những tỉnh trực thuộc khu tự trị Tây Bắc ngày ấy. Con người và mảnh đất giầu có về văn hóa ấy đã mê hoặc và giúp ông trở thành nhà văn viết nhiều cho thiếu nhi. Nói như Trần Đăng Khoa trong bài viết của mình thì, Quách Liêu đã dành phần tinh túy nhất, tươi xanh nhất của tâm hồn mình, trí tuệ mình hiến dâng cho con trẻ. Và viết cho thiếu nhi cũng là mảng thành công nhất của ông ở trong tập tuyển này.
Nói về tác phẩm của Quách Liêu ông Cư Hòa Vần, nguyên là phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã nhận xét: Tác giả Quách Liêu đã phản ánh một cách chân thực phong trào kháng chiến chống Pháp của người Mông, miêu tả được nét độc đáo về văn hóa của dân tộc Mông. Là người Mông đã từng tham gia phong trào du kích thời chống Pháp tôi xin thành thực cám ơn tác giả Quách Liêu và NXB Kim Đồng về tác phẩm “Chú bé thổi khèn”.
Nhận xét về nhà văn Quách Liêu viết trong từ điển bách khoa, phần các tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, phó giáo sư, tiến sĩ văn học Vân Thanh viết: … văn của anh giản dị, trong sáng, giầu chất thơ và không kém phần hóm hỉnh, gần với lối nghĩ của các em dân tộc.
Nhà thơ Phan Cung Việt cảm nhận: … Phải nhận là văn xuôi thiếu nhi của ta chưa nổi lên những bút pháp. Bản sắc trong văn xuôi cho các em quả thực hiếm hoi… Bên cạnh cái giọng văn thật sống kiểu Dế Mèn của Tô Hoài, chất bay bổng của Chim thiên đường của Trần Hoài Dương, cái thật trong những trang truyện Tây Nguyên của Trương Vĩnh Tuấn… thật quý cái chất chàm xanh dù chưa thật đậm của Quách Liêu. Quách Liêu xứng đáng là nhà văn của tuổi thơ, nhất là tuổi thơ vùng cao.
Nhận xét về bài thơ “Anh địa chất quê miền biển”, nhà thơ Định Hải viết Nhà văn Quách Liêu chuyên viết truyện cho thiếu nhi. Trước khi viết văn anh làm thơ. Anh có khoảng vài chục bài in rải rác ở báo chí Trung ương, trong đó tôi thích nhất có bài “Anh địa chất quê miền biển” in trên báo Văn Nghệ năm 1968, bài thơ nhiều tứ lạ, nhiều hình ảnh và chi tiết sống động, dùng từ đắt… sự chăm chút của tác giả về câu chữ, hình ảnh, bố cục… đã được tạo nên sức sống cho anh địa chất.
Quách Liêu viết cho sân khấu không nhiều nhưng cũng đã để lại dấu ấn. Cảm nhận về kịch bản sân khấu của nhà văn Quách Liêu, nhà văn, nhà viết kịch Vũ Quang Vinh viết: Viết kịch bản là khó và vì thế mà nhiều người ngại viết. Vì vậy với một số ít tác phẩm được lựa chọn trong tập sách này, nhà văn Quách Liêu rất đáng để chúng ta mến phục. Xin cám ơn anh đã thầm lặng và khiêm nhường đóng góp cho sân khấu.
Dù trích ra chưa thật đầy đủ nhưng chỉ bằng những nhận xét về con người tác giả và về những sáng tác của nhà văn Quách Liêu được chọn lọc in trong tập sách “Quách Liêu, Tác phẩm chọn lọc “từ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam được in kèm theo trong cuốn sách cũng đủ cho thấy những thành công, những đóng góp không nhỏ của Quách Liêu, không chỉ trong lĩnh vực văn học thiếu nhi mà rộng ra còn ở trong tất cả những lĩnh vực sáng tác văn học mà ông tham gia...