Một số địa danh dân gian mang yếu tố “Trâu” ở Nam Bộ

22/09/2021 14:26

Theo dõi trên

Ở Nam Bộ, mỗi địa phương có hệ thống địa danh riêng. Nhìn từ góc độ ngôn ngữ, những địa danh ấy được tạo nên từ nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, có khá nhiều địa danh mang yếu tố động vật, chẳng hạn như núi Tượng, sông Bến Nghé, rạch Rắn, rạch Cái Tôm, Tràm Dơi… Riêng địa danh mang yếu tố “Trâu” xuất hiện khá nhiều, đặc biệt ở vùng Đồng Tháp Mười. Xin kể ra đây một số địa danh tiêu biểu.

rach20ben20nghe20nam201904-1632295536.gif
Rạch Bến Nghé năm 1904. Ảnh: TL

Bến Nghé

Ở Sài Gòn - Gia Ðịnh xưa có địa danh sông Bến Nghé. Tên gọi này xuất hiện từ rất sớm, được nhắc đến trong các sách địa chí cổ như “Gia Ðịnh Thành Thông Chí”, “Ðại Nam Nhất Thống Chí”, “Phương Ðình Dư địa chí”... Giải thích về nguồn gốc tên gọi này có hai giả thuyết khác nhau.

Sách “Ðại Nam Nhất Thống Chí” do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn cho rằng: “Sông Bến Nghé (Ngưu Chử hà): Tục truyền sông này khi trước có nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau, kêu như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế”. Sách “Phương Ðình Dư Ðịa Chí” của Nguyễn Văn Siêu cũng ghi chép tương tự.

Còn theo học giả Trương Vĩnh Ký trong sách Le Cisbassac thì Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong nghĩa là Bến và Kon Krabei nghĩa Con trâu. Tức bến nước có nhiều trâu. Trong bài “Gia Ðịnh thất thủ vịnh” cũng gọi bến này là Bến Trâu: “Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt Bến Trâu”.

Ngày nay, Bến Nghé trở thành tên hành chánh của phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh và rạch Bến Nghé là tên con rạch chảy qua trung tâm TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, ở phường 14, Quận 6, TP Hồ Chí Minh cũng còn con rạch mang tên Bến Trâu.

Cù lao Trâu(1) (Ngưu châu)

Cù lao Trâu trong buổi đầu khai hoang bao gồm năm thôn: Tân Thuận, Tân Hòa, Tân Phước, Phú An Ðông và Tân Tịch, thuộc tổng An Tịnh, huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh. Qua cuộc đo đạc năm 1863, trên cù lao này vẫn có năm thôn. Ðến thời Pháp thuộc còn lại bốn làng là Tân Thuận, Hòa An, Tịnh Thới và Tân Tịch. Khoảng năm 1925, Tân Thuận tách ra thành Tân Thuận Ðông và Tân Thuận Tây, tất cả nằm trong tổng An Tịnh. Ngày nay, cù lao Trâu gồm có: phường 4, Hòa Thuận, Hòa An, Tân Thuận Ðông, Tân Thuận Tây, phường 6 và Tịnh Thới  của TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp. Tên gọi cù lao Trâu được giải thích theo các giả thuyết sau đây(2):

Giả thuyết 1: Thuở xưa, cù lao này không lớn như bây giờ do sông Cao Lãnh rất rộng bao bọc phần lớn cù lao. Hằng năm phù sa tiếp tục bồi đắp, ngày càng lấn dần ra, làm cạn dần các rạch nhỏ và biến chúng thành các khém, xép, rạch “bít bùng” như khém Cần Sen, khém Bà Ninh, rạch Xép Lá… Lúc bấy giờ ở Phong Mỹ xuất hiện một cặp trâu cò (trâu trắng), sau đó chúng sinh sản rất nhanh, chẳng bao lâu có cả một bầy. Có điều lạ là nếu trâu cái sanh ra nghé đực thì lập tức bị trâu đực quật chết. Nên cả bầy toàn là trâu cái. Năm nọ trâu cái lại mang thai, nó bỏ bầy ra đi, lội qua sông Cao Lãnh và đến ở tại khém Cần Sen, tới lui ăn cỏ trên giồng Bà Ninh. Cuối cùng nó sinh ra một con nghé đực. Nhờ nhiều cỏ, sữa mẹ tốt, nghé đực lớn rất nhanh, chẳng bao lâu tự lẻ mẹ kiếm ăn một mình. Một hôm vào mùa nước, nó đang ăn cỏ ở giồng Bà Ninh chẳng may bị nước cuốn trôi đến ngọn Cái Da mới lên bờ được. Giữa ngọn Cái Da và giồng Bà Ninh có một cái khém rất rộng và sâu, nên sau khi nước rút, nghé không về với mẹ được. Từ đó, hai mẹ con trâu cò sống hai nơi, lúc nhớ chỉ hướng về nhau và kêu “nghé ngọ” mà thôi. Gần một năm sau, trâu mẹ già yếu, lại bị bệnh và nhớ con nên rũ (chết) tại giồng Bà Ninh, lúc chết hướng đầu về rạch Cái Da. Con nghé ngày một lớn, song cũng vì nhớ mẹ, lần hồi rồi chết, lúc chết đầu hướng về giồng Bà Ninh. Do câu chuyện trên, nên dân chúng trên cù lao gọi đây là cù lao Trâu.

Giả thuyết 2: Ngày xưa, khi cù lao này mới được khai phá, dân chúng chỉ cư ngụ ven các sông. Sâu vào trong cù lao, bên các khém, lung là các gò, giồng cao nhiều cây cỏ um tùm. Vào mùa nước, dân chúng thường đem trâu “cầm” trên các giồng cao không ngập nước để khỏi phải giữ trâu mà chúng vẫn có đủ cỏ ăn. Chung quanh toàn là nước, trên các giồng toàn là trâu. Người đi ngang qua thấy vậy, gọi là cù lao Trâu.

Giả thuyết 3: Ngày xưa vào những ngày lành, tháng tốt, thường có một bầy trâu trắng (trâu cò) ở dưới nước lên ăn cỏ ở đầu cù lao, hễ thấy người là sụt xuống nước mất dạng. Dân gian cho đó là Trâu thần xuất hiện, có nghĩa là cù lao An Tịnh sẽ luôn được Trâu thần phù hộ làm ăn thịnh vượng, dân cư sống an lành và mãi mãi tồn tại, nên đến nay trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu: “Ðâu đâu có mất, cù lao Trâu vẫn còn”!

Giả thuyết 4: Sở dĩ gọi là cù lao Trâu vì cù lao này có hình dạng giống con trâu đứng quay đầu về hướng đông. Ðầu trâu ở Doi Me, lưng trâu ở Tân Thuận và bụng trâu ở Hòa An (ven sông Cao Lãnh).

Láng Trâu

Láng là tên gọi một dạng địa hình chỉ chỗ trũng ngập nước, không sâu nhưng bằng. Láng Trâu thuộc ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp. Ngày xưa Láng Trâu rộng khoảng vài mươi héc-ta; vốn là một chỗ trũng vẫn còn nước lưu lại vào mùa khô, nên dân cư quanh vùng thường thả trâu ăn cỏ và trầm mình vào mùa nắng, từ đó mà hình thành tên gọi.

Đường Trâu

Ngày xưa, những đàn trâu lớn khi di chuyển nơi vùng sình lầy sẽ tạo thành những con rạch mà dân gian hay gọi là đường trâu. Ðịa danh nầy xuất hiện ở rất nhiều nơi trên đất Nam Bộ, chẳng hạn như rạch Ðường Trâu thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ở Rạch Giá hay Cần Thơ cũng có rạch Ðường Trâu.

Rạch Trâu Trắng (Bạch Ngưu Giang)

Ðịa danh này hiện thuộc ấp 1, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp. Rạch này là rạch có từ lâu đời, Bạch Ngưu là tên chữ, còn tên dân gian là rạch Trâu Trắng. Sách “Ðại Nam Nhất Thống Chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn có chép về con rạch này như sau: “Sông Bạch Ngưu: Ở phía tây huyện Kiến Phong 11 dặm cũng ở bờ phía bắc sông Tiền Giang rộng 11 trượng 5 thước, khi nước lên sâu 14 thước, nước ròng sâu 9 thước, từ cửa sông đi qua hướng bắc 40 dặm đến Pha Trạch,(3) 19 dặm đến hạ giang Ðốc Vạn, 3 dặm đến thượng giang Ðốc Vạn,(4) lại 10 trượng đến cựu sở Hùng Ngự, 16 dặm đến Hiệp Ân giang(5).(6).

Về tên gọi Trâu Trắng xuất phát từ truyền thuyết: Thuở trước, vào lúc nửa đêm, dân trong vùng thỉnh thoảng thấy có 2 con trâu trắng dẫn đàn đi ăn trên con rạch này, khi thấy có bóng dáng người thì biến mất. Lại có thuyết bảo rằng khi xưa có hai vợ chồng nông dân tên Năm Hưng sống trong vùng, gia cảnh tuy nghèo khổ nhưng hay giúp đỡ kẻ tật nguyền, khốn khổ. Năm nọ, bác Năm cấy lúa trên phần đất ven sông Tiền, nhờ phù sa mới bồi nên lúa năm đó rất tốt. Buổi sáng nọ ra thăm đồng, bác phát hiện lúa mình bị trâu ăn mất một vạt lớn. Qua hôm sau, lúa của bác lại bị trâu phá nhiều hơn. Thế là đêm đến bác quyết định rình bắt cho được con trâu ấy. Khi trời chập tối, bác ra ruộng ngồi chờ con trâu đến. Chờ mãi nhưng chẳng thấy xuất hiện, bác định trở về, bỗng nhiên có một con trâu trắng xuất hiện từ mé nước, ăn dọc theo bờ sông. Bác nghĩ bụng, chắc trâu của ai bị đứt niệt(7) nên định dắt nó về cột, sáng trả lại chủ nó. Nhưng khi thấy bác, con trâu giật mình phóng xuống sông mất dạng. Hôm sau ra thăm ruộng bác thấy lúa mình bị trâu ăn gần hết. Bác nghĩ rằng chắc con trâu đêm qua đã đến phá lúa. Tức mình bác quyết định đêm nay phải bắt con trâu cho kỳ được. Ðêm đến con trâu lại xuất hiện. Bác cẩn thận đến nắm vững vàm(8) nó nhưng lạ thay con trâu không buộc vàm. Con trâu giật mình nhảy xuống sông, bác nhảy theo và lạ thay con trâu chạy đến đâu nước tạt ra hai bên, khô như đang chạy trên bờ. Chạy được một đoạn, bỗng con trâu dừng lại, còn đang ngơ ngác thì có một bàn tay đặt nhẹ lên vai bác. Quay lại thì thấy một cụ già râu tóc bạc phơ. Ông cho biết mình là tiên và tặng bác sợi lông trâu giúp bác từ đây làm ăn phát đạt giàu có. Do sự tích trên nên rạch có tên là rạch Trâu Trắng.

Ngoài ra, tại ấp 3 xã Phong Mỹ, TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp còn có 2 cây cầu bắc qua rạch Trâu Trắng mang tên cầu Trâu Trắng Lớn và cầu Trâu Trắng Nhỏ.l

(1) Nay thuộc TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp.

(2) Những giả thuyết này được tập hợp trong sách “Tìm hiểu địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết”, Nguyễn Hữu Hiếu, NXB Khoa học Xã hội, 2004.

(3) Pha Trạch: Tức vùng Ðồng Tháp Mười.

(4) Thượng giang Ðốc Vạn: Dân gian gọi sông Ðốc Vàng Thượng.

(5) Hiệp Ân giang: hay sông Hiệp Ân, tên chữ là Hầu Diện còn gọi là sông Sở Thượng hay sông Hồng Ngự chảy qua thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự ngày nay.

(6) “Ðại Nam Nhất Thống Chí”, bản dịch Viện Sử học Việt Nam, NXB Thuận Hóa, 1992.

(7) Niệt: dây buộc ở cổ trâu.

(8) Vàm trâu: dùng một sợi dây gai cột vòng quanh cổ con trâu. Từ cổ, cột một sợi dây khác xuyên qua hai lỗ mũi nó rồi cột trở lại phía bên kia cổ. Muốn nó đi đâu nắm dây vàm kéo nhẹ. Nó sẽ đi theo vì dây kéo ngang lỗ mũi làm nó đau nên phải làm theo.

Theo Báo Cần Thơ
Bạn đang đọc bài viết "Một số địa danh dân gian mang yếu tố “Trâu” ở Nam Bộ" tại chuyên mục Từ trong di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.