Một nhà văn hóa lớn và sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc

22/03/2021 15:13

Theo dõi trên

Đó là nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902-1987) với 60 năm hoạt động liên tục trên các lĩnh vực: làm báo, dạy học, viết phê bình, viết sách, dịch thuật, bút ký, biên khảo, sưu tầm văn hóa dân tộc... đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị gồm hàng mấy nghìn trang sách được tuyển trong bộ Vũ Ngọc Phan tuyển tập (4 tập, năm 2008) (1) mà tôi đang có trong tay do Vũ Ngọc Phương - con trai thứ thay mặt gia đình tặng.

Vũ Ngọc Phan thuộc thế hệ các nhà văn hóa đầu tiên tham gia mặt trận dân chủ Đông Dương và Hội truyền bá quốc ngữ (1936 - 1939), sớm tham gia hoạt động cách mạng thời Tiền Khởi nghĩa, là Chủ tịch ủy ban văn hóa Bắc Bộ, Chủ tịch ủy ban vận động văn hóa toàn quốc và nhiều cương vị khác trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ cách mạng. Ông còn là một trong những người sáng lập Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, nhiều năm là Tổng thư ký Hội, người được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.
 
Nhớ Vũ Ngọc Phan, đọc Tuyển tập của họ Vũ, tôi bổng nhớ lại nhiều kỷ niệm về ông trong những năm tháng cộng sự ở Viện Văn học, hiểu thêm những trang viết ngồn ngộn tri thức uyên bác và phương pháp khoa học, sáng tạo của một cây bút danh giá, đáng tin cậy, mà trong văn giới không phải ai cũng có được.

 


Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan và vợ là nhà thơ Hằng Phương. 

Những kỷ niệm về bác Phan

Vũ Ngọc Phan đối với chúng tôi là bậc cha, chú. Chúng tôi thường gọi ông bằng cái tên trìu mến: Bác Phan. Tháng 9-1963, sau khi hoàn thành khóa thực tập khoa học tại Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva mang tên M. Lômônôxốp, tôi về công tác ở Viện Văn học. Bấy giờ Viện là nơi tập hợp nhiều văn gia, đại bút: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Hoàng Ngọc Phách, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Nam Trân, Trần Thanh Mại, Phạm Thiều, Đỗ Đức Dục, Hồ Tôn Trinh và nhiều nhà nghiên cứu Hán học danh tiếng. Trong số các học giả đó, tôi may mắn gần gũi với bác Phan rồi kết thân với bác, trước hết là nhờ phẩm chất tận tâm hướng dẫn thế hệ trẻ, nhất là số đi du học ở nước ngoài về. Lại nữa, tôi được cơ quan cho tạm trú tại một căn phòng ngay tại trụ sở làm việc - một biệt thự nằm trên phố Lý Thái Tổ, số 20 - đối diện với ngôi nhà riêng của bác bên số lẻ, nên hầu như mỗi tuần đôi lần bác thường mời tôi sang nhà hàn huyên, tâm sự. Biết tôi là người miền Nam, xa gia đình, chưa vợ con, bác tỏ lòng thông cảm, chia sẻ. Nhiều lần bác hỏi: nếu muốn lấy vợ người Hà Nội, bác sẽ giới thiệu. Tôi vui vẻ, hào hứng. Thế là cứ sáng chủ nhật, bác chủ động hẹn tôi, hai bác cháu cùng “đi chơi”. Việc quan tâm của bác đối với đời tư tôi suýt nữa thì thành công, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh phá hoại, cơ quan đi sơ tán, việc đi lại khó khăn... nên duyên may không kịp đến.
 
Bác Phan sống giản dị, nề nếp, có phong cách của một bậc túc nho, ăn nói khiêm nhường, đi làm đúng giờ, không cậy mình là người cao tuổi mà khắt khe với lớp trẻ. Cứ sáng sáng, bác Phan thường xách phích nước đến phố Lò Sũ mua nước sôi để tiết kiệm chất đốt. Mỗi lần sang nhà bác, tôi được uống trà Thái, có đôi lần bác Hằng Phương đãi hoa quả rồi bác gái đọc thơ vừa mới làm hôm trước. Bác Phương quê gốc là Quảng Nam, nhưng giọng nói dễ nghe, ấm áp gần với giọng của người Hà Thành. Đầu năm 1972, nhân lễ thành hôn của vợ chồng tôi, chúng tôi mời hai bác đến dự. Do bận việc không đến được, trước ngày cưới hai hôm, bác Phan mang quà đến tận nhà riêng tôi ở Hàng Cân: Đó là cuốn Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam vừa mới được xuất bản. Bấy giờ ở Viện Văn học, Vũ Ngọc Phan là trưởng ban văn học cổ, cận đại, dân gian - một bộ môn mà thời đó chưa thực sự lôi cuốn lớp trẻ. Thế mà nhờ sức hấp dẫn về học thuật uyên bác, phong cách sống mực thước của mình, bác Phan đã tập hợp được không ít những cán bộ vào nghề, và không lâu sau họ đều trở thành những nhà nghiên cứu danh tiếng: Cao Huy Đỉnh, Ngọc Anh (tác giả bài thơ Bóng cây K'nia), Đặng Văn Lung, Hoàng Thị Đậu, Trần Đức Các, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Xuân Kính, Nông Quốc Thắng... Tôi rất ngạc nhiên là Vũ Ngọc Phan không ở trong tổ chức Đảng. Có lần, tôi hỏi bác: Tại sao bác có đầy đủ phẩm chất một đảng viên mà bác lại không vào Đảng ? Bác cười, rồi nói: Vào Đảng là phải phấn đấu hết sức mình, mà mình thì không có điều kiện như các bạn trẻ, chí ít là về sức khỏe. Vì vậy, mình an tâm, thoải mái làm người cộng sản ngoài Đảng. Tôi bâng khuâng trước câu nói của bác, nhưng tin là câu nói thành thật.
 
Vũ Ngọc Phan là dịch giả và phỏng tác nhiều tác phẩm văn học nước ngoài như Aivanhô của Waltoz Scott, Châu đảo của R.L. Stevenson, Anna Karenina của Lép Tônxtôi, Lâu đài họ Hạ của Hoffman, Trixtăng Izơn của Jozep Beaudier... Biết tôi là người du học từ Liên Xô về, bác Phan thường trao đổi, mạn đàm về văn học Nga, đặc biệt là các tác giả lớn. Tôi rất ngạc nhiên vì bác hiểu sâu Tuốcghenhep (1818 - 1863), có lẽ vì nhà văn hiện thực lớn này từ năm 1847 trở đi phần lớn sống ở Đức, Anh, Pháp, có quan hệ văn chương với Flaubert, Maupassant, Storm, người có công quảng bá văn học Nga ở Tây Âu. Bác Phan thường động viên tôi ngay từ năm đầu bước vào nghề đã biết lựa chọn cho mình một phương pháp nghiên cứu biện chứng giữa điểm và diện, giữa cái bên trong và cái bên ngoài, lại biết ngoại ngữ, nên vừa đi sâu vào các tác giả lớn, lại có điều kiện để phát triển vốn tri thức văn hóa theo chiều rộng.
 
Ngày nay, đọc Tuyển tập đồ sộ của Vũ Ngọc Phan, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhất là vốn kiến thức học thuật uyên bác và sớm có một phương pháp khách quan, thẳng thắn mà cho đến hơn nửa thế kỷ sau vẫn có ích cho văn hóa phê bình.

Tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc là động lực của khảo cứu, phê bình văn hóa, văn học của tác giả họ Phan

Di sản văn hóa nước ta vào 4 thập kỷ đầu của TK XX tính có đến hàng trăm tác giả, hàng chục nghìn tác phẩm với nhiều quan điểm chính trị khác nhau, tông phái nghệ thuật không giống nhau, trình độ tư duy và vốn tri thức ở những cấp độ khác nhau, đặc biệt là những văn nhân có thế giới quan phức tạp, đầy mâu thuẫn, nhưng đại bộ phận ở họ có một điểm chung: Đó là ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước là cội nguồn, tinh hoa văn hóa dân tộc là niềm tự hào. Vũ Ngọc Phan là nhà văn hóa lớn trong số đó. Từ chỗ đứng lấy tinh thần dân tộc làm gốc, lấy lăng kính văn hóa để chấn hưng và dự báo tương lai văn hóa Việt Nam có quan hệ đến sự tồn vong của dân tộc, Vũ Ngọc Phan khẳng định và đề cao vai trò chữ quốc ngữ, nền quốc văn, quốc học nước nhà. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu đưa lên hàng đầu và duy nhất Trương Vĩnh Ký (1837-1898) - nhà văn thời mới có chữ quốc ngữ. Trong khoảng 35 năm ông đã có công khảo cứu thơ văn cổ điển, nghiên cứu sách chữ nôm và diễn những sách ấy bằng chữ quốc ngữ, cho xuất bản cuốn Kim Vân Kiều của Nguyễn Du năm 1875. Công lao lớn nhất của họ Trương, theo Vũ Ngọc Phan, là việc cho xuất bản những sách bằng chữ quốc ngữ, phiên dịch những sách chữ Nôm “cốt dùng những truyện phổ thông làm cái lợi khí cho người đọc lan rộng trong dân gian” (I, 41).
 
Trong nhóm Đông Dương tạp chí, nhà nghiên cứu họ Vũ nhắc hai nhà văn hóa lớn: Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) có công lớn đối với quốc văn giữa lúc văn chương đối với số đông còn bỡ ngỡ; ông chủ trì một cơ quan văn học “hội hợp những cây bút có tiếng, gây nên phong trào yêu nước mến quốc văn trong đám thanh niên trí thức bấy giờ” (I, 63); Phan Bế Bính (1875-1921) là nhà Tây học kiêm Hán học; triết học Trung Hoa như Chiến quốc, Cổ văn, Liệt tử, Mặc tử, Hàn Phi tử, những truyện trong Tình sử, Kim cổ kỳ quan, Tiền Hán thư, Phan còn là nhà văn xuất sắc nhất của nhóm Đông Dương tạp chí, quan tâm rất mực đến văn chương chữ Nôm như Hoài cổ của Thanh Quan, Khóc ông Phủ Vĩnh Tường của Xuân Hương, Hải tượng sành của Yên Đổ, Mẹ ơi con muốn lấy chồng của Lê Quý Đôn...
 
Vũ Ngọc Phan đã dành nhiều trang viết về Phạm Quỳnh (1892-1945) đây là nhà văn có thế giới quan rất phức tạp. Ông có những sai lầm trong hoạt động chính trị. Nhưng về triết học, văn học dân tộc ông có những đóng góp không nhỏ. Theo nhà nghiên cứu họ Vũ, Phạm Quỳnh là người có học vấn uyên bác, có biệt tài, có lịch duyệt, là người chủ trương và là linh hồn của Nam Phong tạp chí, vừa là người viết nhiều nhất của tạp chí này với nhiều thể loại: bình luận, chính trị, lịch sử, xã hội, khảo cứu văn học, triết học, dịch thuật... đáng chú ý hơn cả là Bàn về quốc học (1931), Bàn về dùng chữ nho trong văn quốc ngữ (1919), nhiều bài diễn thuyết về phật giáo, đạo giáo, những vấn đề học thuật, tư tưởng ở Pháp, Tàu, Nhật... Phạm Quỳnh cũng viết bằng tiếng Pháp, nhưng là cốt để cho người Pháp biết nền học cổ của nước ta, văn chương của ta và chính kiến của ông. Trong một bài diễn văn trước nhiều người Pháp, ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình: “Chúng tôi là một nước có nền văn hóa cũ, chúng tôi không phải là tờ giấy trắng để có thể viết lên gì cũng được” (I, 113). Vũ Ngọc Phan đánh giá rất cao quyển Tục ngữ ca dao của Phạm Quỳnh xuất xứ là bài diễn thuyết tại Hội trí tri (1921) là hạng sách trước thuật (I, 103), bởi ở đó không chỉ có tri thức cao, sâu sắc mà còn có phương pháp và nhận xét đúng đắn. Trong 16 năm chủ trương tạp chí Nam Phong, ông “đã xây đắp cho nền móng quốc văn được vững vàng... từ Bắc chí Nam, người thức giả đều lưu tâm đến... Nhiều thanh niên trí thức có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong tạp chí để bồi bổ cho cái học còn khuyết của mình” (I, 114, 115) Nam Phong có vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học hiện đại.
 
Khảo sát các tác phẩm của Trần Trọng Kim (1887-1953), ngoài các cuốn chuyên luận như Việt Nam sử luận (1919), Nho giáo, Phật lục, Vũ Ngọc Phan khai thác phương diện giáo dục sư phạm của tác giả họ Trần, coi ông là một nhà giáo dục, những sách của ông được coi là sách giáo khoa. Việt Nam văn phạm là “một cuốn kỹ càng hơn quyển Việt văn tinh nghĩa của Nguyễn Trọng Thuật” (I, 208). Trần Trọng Kim cũng không bằng lòng khi soạn văn phạm tiếng Việt mà nương tựa hẳn vào văn phạm pháp, coi đó là việc làm sai lầm. Một học giả thường đứng tên chung với Trần Trọng Kim ở nhiều cuốn như Việt Nam văn phạm, bài Tựa sách Nho giáo, Truyện Thúy Kiều... là cụ phó bảng Bùi Kỷ. Tác phẩm lớn nhất của cụ là Quốc văn cụ thể gồm 4 thiên nói về Việt văn, Hán văn, Hán - Việt hợp dụng thể và văn phép. Ở chương thứ nhất (thiên thứ nhất), Vũ Ngọc Phan đặc biệt trích dẫn một câu có tính nguyên lý của Bùi Kỷ về quốc văn: “Văn nước nào cũng phát nguyên bởi bài ca dao, là những bài hát có vần... (I, 215). Về sau, vào những năm 1956 trở đi trong cuốn Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam Vũ Ngọc Phan nói đến vị thế của tục ngữ, ca dao, dân ca là ngọn nguồn của văn học thành văn: “Xét cả hai mặt nội dung và hình thức, tục ngữ là một loại văn học dân gian đã phát triển trước ca dao... khi tiếng nói của ta chưa phát triển mấy, câu ngắn, dễ thuộc. Ca dao là những bài tình tứ, là khuôn thước cho lối thơ trữ tình của ta... Theo lịch sử của thơ và nhạc, chúng ta có thể ức đoán ca dao và dân ca là những hình thức đầu tiên của những bài hát thành khúc với những âm thanh tiết tấu nhất định...” (III, 55). Những thể phú, tỉ, hứng của ca dao Việt Nam (và Kinh thi Trung Quốc) là những phương tiện nghệ thuật cơ bản, cần thiết cho việc cấu tứ thơ ca trữ tình Việt Nam (III, 86).
 
Trở lên, tôi có nói đến Vũ Ngọc Phan là nhà văn hóa lớn, là bởi trong khảo cứu, phê bình văn học, ông dựa trên một phông văn hóa tổng quát (culfure générale) rộng, với tri thức uyên bác về văn hóa dân tộc và văn hóa các nước, với vốn kiến thức cổ kim, Đông Tây tương đối vững chắc. Khảo cứu các nhà thơ lớn Việt Nam những năm 30, 40 (TK XX), Vũ Ngọc Phan có những kiến giải thỏa đáng và thường là những kết luận súc tích, khách quan sau khi đã so sánh ta với người: Về Thế Lữ, tác giả viết: “Về thơ, người ta thấy rõ cái thi cốt, cái chân tài..., về loại trinh thám ông chưa thành công, nhưng về truyện ghê sợ (tiểu thuyết kinh dị - HSV) ông tỏ ra là một tiểu thuyết gia biệt tài”. Tiếp theo nhà phê bình gợi cho người đọc liên tưởng đến loại tiểu thuyết rùng rợn của Edgar Poe (một nhà văn Mỹ). Thật là một tâm hồn phức tạp: một mặt về thơ, Thế Lữ muốn tìm đến thiên giới để làm bạn với tiên, nhưng mặt khác, trong tiểu thuyết thì muốn xuống âm phủ để làm bạn với quỷ (I, 688).

Một trong những nhà thơ mà ngày nay ít người nhắc đến là Quách Tấn, thì bấy giờ tác giả họ Vũ chỉ cần phác thảo vài nét đã nói được bản chất thi hứng của nhà thơ chuyên viết thể thơ Đường, thơ tứ tuyệt, bác ái. Quách Tấn giỏi Hán học, làm thơ điêu luyện, nhưng gọt rửa nhiều quá, lấn át cả sự thành thật, thơ ông cũng đẹp, nhưng là vẻ đẹp lạnh lùng. Nhà phê bình thẳng thắn chỉ ra sự lạm dụng, cầu kỳ trong cách dùng điển tích mà bài Đêm thu nghe quạ kêu là ví dụ tiêu biểu, nhất là khi đọc câu thứ ba của bài: Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng, thì ai yêu thơ đều có thể nghĩ là lặp lại bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế đời Đường, mà câu đầu tiên có nói đến sương và quạ: Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên...
 
Viết về thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận... nhà phê bình họ Vũ thường tìm những đối sánh trong lịch sử văn học Đông - Tây. Ca ngợi Lưu là “thi sĩ đa tình và thơ mộng với Tiếng thu là lời ru buồn thảm, những lời réo rắt làm xáo động tâm hồn” người đọc, Vũ Ngọc Phan liên tưởng ngay đến bài Thanh thu phú mà người đời đã nghe và cảm thấy tiếng ấy từ ngàn xưa của Âu Dương Tu hay Bài hát thu về với những tiếng đàn thu não nùng của Verlaine. Đối với thơ Xuân Diệu, tác giả họ Vũ đánh giá công bằng hơn, đặt tập Thơ thơ trong bối cảnh xã hội mới, khi mà yêu đương và tuổi xuân của lớp trẻ cần được ru bằng giọng yêu đời, tin tưởng, chứ không cực đoan như một số nhà phê bình khác, coi thơ Xuân Diệu là “Tây quá”, “ngây ngô quá”. Từ đó, người đọc mới nhận được nguồn hứng và ý tưởng mới của tác giả tập Thơ thơ. Ông viết: “Thơ Xuân Diệu là “cả một bầu xuân”, “là bình chứa muôn hương của tuổi trẻ” (I, 705), nhưng ông chê thơ Xuân Diệu tầm thường về ý, “tính toán cả tình yêu” “phàn nàn về sự thiệt thòi trong yêu đương” như mấy câu: “Vì mấy khi yêu mà chắc đã được yêu / Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu”. Sinh thời Xuân Diệu thường ca tụng tính hào hoa, phóng dật của Rimbaud và Verlaine, nhưng thơ của ông còn lâu mới với tới được tính vô tư trong tình yêu của hai nhà thơ Pháp; mặc dầu ông thừa nhận nhờ ảnh hưởng của văn học Âu Tây mà chúng ta “ngoan lên nhiều”, “tỉnh dậy nhiều”, không nô lệ cho nước ngoài (2). Vũ Ngọc Phan không viết nhiều về thơ của tác giả Lửa thiêng, chỉ có một nhận định: “Thơ Huy Cận thanh tao, trong sáng, nhưng kém về tha thiết, thành thật...” (I, 716). Nhà phê bình nói sâu sắc về quyển Kinh cầu tự (1942); lúc này Huy Cận mới 23 tuổi và ngăn ngừa một cách tế nhị tư tưởng cao ngạo răn dạy đời: “Huy Cận viết Kinh cầu tự với một lối văn ngập ngừng, bỡ ngỡ, như người mới tập viết văn xuôi, tư tưởng lại non nớt, vậy mà ông đã lo độc giả không hiểu được mình, đủ biết ở nước ta cũng nẩy sinh sớm quá, nên chóng khô héo. Ở nước người, quả lâu chín, nên vừa to, vừa ngọt; ở nước ta hoa quả phần nhiều bị rám nắng hơn là chín, nên vừa nhỏ, vừa chua” (I, 719). Viết đến đó, nhà phê bình nghĩ ngay đến Pascal viết tập Tư tưởng (Pensées) khi đã 40 tuổi, danh tiếng lan khắp nước Pháp và các nước lân cận, mà chưa thấy có chỗ nào ông dám “lên mặt” dạy đời, khinh thị bạn đọc.

Có một phương pháp phê bình khoa học

Vào ba thập kỷ đầu TK XX (20-40) trên văn đàn nước ta, đặc biệt ở Hà Thành đã xảy ra 6 cuộc tranh luận về quốc học, về duy tâm và duy vật, về Truyện Kiều, thơ cũ và thơ mới, nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh, về Vũ Trọng Phụng. Trong số hàng chục danh nho, chí sĩ, nhà văn, nhà lý luận mácxít, tôi không tìm thấy tên tuổi Vũ Ngọc Phan, mặc dù thời đó bút lực của ông sung mãn, quan điểm của ông tiến kịp thời đại. Bây giờ đọc lại Tuyển tập và các sách tham khảo về tác giả họ Vũ, tôi mới biết lão tướng đang ở trên trận địa không kém nóng bỏng của công luận: Khảo cứu văn hóa, phê bình văn học, nghiên cứu văn hóa dân gian của dân tộc Việt. Những chân dung của các nhà khảo cứu, các nhà văn nổi tiếng được ông thẩm định, đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, có lý có tình. Bấy giờ chưa hẳn Vũ Ngọc Phan đã là nhà phê bình mácxít, nhưng nhờ ảnh hưởng của các trào lưu triết học tiến bộ trước hết là chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng nên sự nghiệp học thuật của ông sớm tiếp cận với chủ nghĩa Mác thông qua Ủy ban vận động văn hóa toàn quốc và Hội văn hóa cứu quốc, Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943.
 
Phê bình văn của Thiếu Sơn trong tập Phê bình và cảo luận (1933), Vũ Ngọc Phan cho là “lối phê bình nước đôi”, ông chưa lấy gì làm già nhưng đã viết “lối văn già nua”, lối so sánh của ông cũng khấp khiểng ví như đem văn thể của Phan Khôi mà so sánh với văn thể của Voltaire thì thật lầm lẫn. Dù sâu cay như thế nào thì văn của Voltaire bao giờ cũng rất trang nhã. Việc so sánh như vậy chưa hẳn đã làm Phan Khôi bằng lòng, bởi cụ Phan là “người có lương tri”. Tuy vậy, khi viết về Huỳnh Thúc Kháng, Thiếu Sơn cũng có những câu, chữ xác đáng: Cụ Huỳnh là “một nhà chí sĩ”. Địa vị của cụ phải để ngang hàng với những vị Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế là những người đem hết tâm hồn, tình cảm cống hiến cho tổ quốc.
 
Khen Lưu Trọng Lư là thi sĩ biệt tài, nhưng về tiểu thuyết thì rất tầm thường. Truyện dài Người sơn nhân là ví dụ. Nội dung truyện cũng cảm động khi kể về một người theo giặc, thất bại vào rừng làm kẻ cướp, nhưng rồi bị bắt, sau đó trốn được về với núi. Kết thúc truyện người sơn nhân gặp một cố đạo đi tìm mỏ rồi cùng nhau đàm đạo chuyện đời, chuyện thiện - ác. Ông cố đạo nhìn vào khẩu súng săn mà khóc, tự như mình là kẻ có tư tưởng hòa bình, nhân đạo mà nào đã sạch hết máu người... Thượng đế mà thấy khẩu súng săn trong tay một kẻ truyền đạo thì tương phản đau buồn cho cái thế giới mà mình đã tạo ra.
 
Bàn về cái đẹp tiên giới trong thơ Thế Lữ, theo tôi, Vũ Ngọc Phan có những luận giải đầy sức thuyết phục hơn Hoài Thanh. Người trước cho là sức tưởng tượng xán lạn, đời sống tinh thần phong phú của văn nhân - người đi trước thời đại - sáng tạo nên để nói đến cái đẹp trần gian, người sau thì cho là Thế Lữ “đã đi lầm đường” và quên rằng, đặc sắc của nhà văn chính là ở chỗ miêu tả vẻ đẹp của trần gian (I, 682).
 
Văn hóa phê bình lịch duyệt cũng là đặc điểm của Vũ Ngọc Phan. Việc khen - chê, đúng - sai, thành thật hay sai trái đều được “đặt lên bàn”, “đánh bài ngửa”, nhưng vẫn giữ được phong cách tranh biện trong sáng. Tranh luận là với mục tiêu tìm kiếm chân lý khoa học, xa hơn là vì sự phát triển quốc văn, quốc học, tạo nên sinh khí cho đời sống học thuật, dấy lên phong khí luận học - tiền đề của tự do ngôn luận. Các phía liên quan trao đổi, tranh luận thường ôn tồn, bình tĩnh nghe nhau, đọc của nhau, hiểu thêm ý và động cơ của nhau, gọi nhau bằng những đại từ nhân xưng lịch thiệp: tiên sinh, người, quân, công... Có lẽ vì thế mà Vũ Ngọc Phan chưa hề hoặc rất ít bị “đối thủ tấn công”; trái lại ông tranh thủ thuyết phục có hiệu quả những đối tượng mà mình khảo chứng, phê bình.
 
Trong tiểu luận Trên đường nghệ thuật (1940), Vũ Ngọc Phan đã khéo vẽ lên một bức tranh toàn cảnh, khá chính xác về vấn đề dịch thuật dưới thời Pháp thuộc. Thực trạng sách dịch vừa thừa, vừa thiếu. Thừa những tiểu thuyết ái tình, tiểu thuyết trinh thám cốt để câu khách, nhưng lại thiếu những tiểu thuyết tâm lý xã hội, những sách về triết học, khoa học nhằm phổ biến những tư tưởng tiến bộ Âu Tây. Nhà văn chia sẻ với những dòng sau đây trên tạp chí Nam Phong: “Chúng ta không có những sách dịch đúng đắn, những sách để di dưỡng tinh thần... Còn đến những sách về triết học, khoa học, tuyệt nhiên không thấy có. Có lẽ những sách này không ai dịch nổi chăng?”. Đúng vậy, một nền giáo dục mà chỉ coi tiếng Việt như một thứ ngoại ngữ, thậm chí ở Đại học Hà Nội tiếng Việt không có trong chương trình, một nền quốc văn bị số đông hờ hững do trình độ thấp, đó là chưa kể đến những người hệ cổ. Vì vậy, nhà văn đề nghị giới học thuật, văn nhân quan tâm đến hai đối tượng: Việc dịch sách cổ bằng Hán học của các bậc tiền nhân và sách chữ Pháp, bởi sách của các nhà văn Pháp là những kho tư tưởng rất quý của loài người. Nhờ sách chữ Pháp mà phần đông những người Tây học nước ta hiểu biết văn chương, khoa học của Anh, Mỹ và của nhiều nước khác...
 
Bằng sự nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực khảo cứu văn hóa dân tộc và phê bình văn chương, với những năm tháng hoạt động xã hội từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, Cách mạng tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, nhà văn hóa lớn Vũ Ngọc Phan đã có một di sản văn hóa đồ sộ, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
 
_______________
 
1. Vũ Ngọc Phan tuyển tập (trọn bộ 4 tập), tập I; Nhà văn hiện đại, quyển 1, 2, 3; Nxb Văn học, Hà Nội, 2008. Những đoạn trích trong bài viết này, chúng tôi ghi số La mã chỉ tập, số thứ tự chỉ số trang.

2. Nguyễn Ngọc Thiên chủ biên, Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam, tập IV, Nxb Văn học, 1997, tr.153.
 
Hồ Sỹ Vịnh
Tạp chí VHNT số 303

Bạn đang đọc bài viết "Một nhà văn hóa lớn và sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.