Sau thời gian tu ở chùa Tây An, bà Thợ muốn tìm một chỗ thanh vắng để dễ bề tu niệm. Qua những ngày tìm kiếm, lòng ước muốn của bà được toại nguyện, bà tìm được cái hang yên tịnh ít người lui tới. Bà cất một cái am nhỏ bằng tre, lợp lá ngoài miệng hang rồi ở tu.
Trong hang là nơi sinh sống của đôi mãng xà to lớn dị thường hơn ôm tay và rất hung dữ, nhưng bà Thợ đã cảm hóa và thu phục được đôi mãng xà này. Theo màu sắc trên lưng, bà đặt tên cho con màu xanh đen là Thanh Xà, con màu trắng là Bạch Xà. Những khi bà tụng kinh niệm Phật, đôi mãng xà thường nằm sau lưng bà lắng nghe.
Sau khi bà Thợ viên tịch, đôi Thanh Xà, Bạch Xà tự nhiên mất theo, người ta không còn gặp chúng trong hang nữa. Trong lúc tu hành tại đây, người dân khắp nơi tìm đến quy y thọ giáo với bà Thợ rất đông. Cùng với việc giảng dạy đạo lý, bà Thợ bốc thuốc trị lành nhiều bệnh hiểm nghèo.
Năm 1885, do cảm mến đức độ của bà Thợ, ông Phán Thông (người Châu Đốc) cùng Nhân dân trong vùng xây dựng lại với kết cấu nền gạch, cột gỗ căm xe, ngói mác, kèo rui gỗ thao lao… Ngôi chùa đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa cho đến ngày nay.
Lần đầu đến đây, chúng tôi như choáng ngợp bởi vẻ sừng sững của ngôi chùa, với lối kiến trúc hoài cổ trầm tư ở thế đứng như bức phù điêu khổng lồ được chạm khắc tỉ mỉ trên vách núi Sam.
Từ cổng chùa, muốn lên chiêm ngưỡng chùa Hang, du khách phải đi lần theo các bậc thang khoảng 300m. Chùa có mặt chính 11m, mặt hông 10m, nền cuốn đá xanh cao ráo, tráng xi-măng, lát gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột bê-tông, lợp ngói đại ống. Chùa Hang được xây dựng ở 2 khu vực: phía trên cùng là chánh điện thờ Phật, dưới thấp là ngôi hậu tổ, nhà khói và các tháp.
Phía sau ngôi chánh điện có một hang đá thiên nhiên (tương truyền là hang của đôi mãng xà), miệng hang cao hơn 2m, rộng 1,6m. Với khoảng không đó, lòng hang đá rộng chạy sâu vào ruột núi 12m rồi rẽ xuống hẹp dần, âm u huyền bí…
Chùa Hang được chia thành nhiều tầng dọc theo lối cầu lộ thiên như thể được "treo" bên vách núi. Với độ cao như thế, lại đón được làn gió núi mát mẻ, trong lành, người ta cảm thấy tâm hồn mình rộng mở hơn, ngỡ như đang lạc ở một xứ sở xa xôi nào đó, vừa cổ kính, vừa yên bình, không kém phần thơ mộng.
Lang thang ở bất kỳ đâu tại chùa Hang cũng được dịp khám phá những nét chạm trổ, điêu khắc độc đáo, tinh xảo. Từ những góc hang hay những ngách nhỏ, ô cửa sổ đều được trang trí cây xanh hoặc những bức tượng Phật trầm mặc với thời gian. Xen kẽ sân điện hay bậc thang, lối đi là những chậu cây xanh và hoa lá, điểm tô cho khung cảnh đất trời thêm êm dịu.
Vào các ngày cuối tuần, chùa Hang thu hút rất đông du khách từ khắp mọi nơi đến đây hành hương, cúng bái. Nhiều bạn trẻ, du khách lên chùa, đốt nén nhang cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình hay dạo chơi vãn cảnh, chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc thơ mộng của ngôi chùa độc đáo này.
“Tôi đến chùa Hang 3 lần nhưng lần nào tới chùa cũng có cảm giác như mới đi lần đầu. Khung cảnh yên tĩnh, cảnh đẹp khó tả, góc nào cũng có nét đẹp riêng. Thú vị nhất là được đi qua các đường hang len lỏi nhau…”- Hà Thị Thu Lâm, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.