Một dạng tổ chức xã hội của ngư dân Nam Trung Bộ

26/08/2019 22:47

Theo dõi trên

Biển và các nguồn lợi từ biển đã đang và sẽ cung cấp cho con người những nguồn lợi đa dạng, to lớn, quý giá. Không hiểu vì sao, so với các khu vực khác như đồng bằng, miền núi, cho tới nay khu vực biển và ven biển ít thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học, nhất là bộ phận nghiên cứu về văn hóa, xã hội.

Chính vì thế mà chúng ta có rất ít tài liệu để hiểu về đời sống của ngư dân. Nhiều vấn đề lý thú như quá trình hình thành cộng đồng ngư dân, đời sống vật chất, xã hội, tinh thần, tâm linh... của một bộ phận lớn người Việt ở vùng biển và ven biển, cũng như các công trình văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị trong ngư dân, ít được quan tâm.

Có thể nói, truyền thống biển mờ nhạt ở đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ. Tình trạng này được giải thích rằng, do người Việt vốn là cư dân nông nghiệp, khi tiếp xúc với biển, người dân ưu tiên khuynh hướng quai đê lấn biển để làm nông nghiệp và cố tình kéo dài văn hóa đồng bằng ra ngoài biển cả. Quả vậy, người Việt đã từng trồng sú vẹt ngăn biển tiến, quai đê lấn biển, khai hoang, thau chua rửa mặn... tạo nên những cánh đồng bát ngát, những xóm làng trù phú suốt dọc theo ven biển. Và cách ngày nay chưa bao xa, người Việt Bắc Bộ còn chưa biết ăn cá biển và các sản phẩm khác từ biển, khi kho cá, họ cho nhiều loại gia vị nhằm khử mùi cho hương vị cá biển giống với cá đồng.
 

So với đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ được khai thác muộn hơn nhiều. Chưa nói, tại khu vực này rất giàu nguồn lợi cá nước ngọt, nên trong truyền thống, người dân không có nhu cầu bức bách để đánh bắt cá biển.
 
Nhưng ở Trung Bộ, nhất là Nam Trung Bộ, thì lại khác. Do kiến tạo, các luồng hải lưu trên biển đã dẫn dắt nhiều luồng cá lớn vào sát bờ, hơn thế, tại miền đất này, núi ăn xuống sát biển, đất nông nghiệp cằn cỗi và chật hẹp, sông ngòi ngắn, nước chảy xiết, ít ao hồ nên có rất ít cá nước ngọt. Vì vậy chăng, khi thiên di tới vùng đất này, người Việt đã có cách thức lựa chọn thật tối ưu: sắm thuyền lưới, vươn ra ngoài biển đánh bắt cá để sinh tồn. Quá trình tiến ra biển, khai thác các nguồn lợi để sinh tồn, cũng đồng thời là quá trình người Việt ở miền Trung xác lập một lối sống mới, đồng thời xây dựng và từng bước hoàn thiện dần các dạng tổ chức xã hội của mình.

1. Thiết chế xã hội cổ truyền của làng cá ở Nam Trung Bộ

Cơ cấu làng Việt cổ truyền ở Nam Trung bộ

Nói tới làng Việt cổ truyền, đương nhiên là chúng ta đang nói tới các làng xã nông nghiệp. Quá trình hình thành thiết chế xã hội ở vùng này gắn liền với quá trình người Việt mở mang bờ cõi vào phía nam. Vào năm Quý Dậu (1693), nhà Nguyễn thôn tính toàn bộ đất Nam Trung Bộ. Để cai quản vùng đất mới, chúa Nguyễn đã thiết lập bộ máy hành chính dân sự và một bộ phận quân đội cũng được để lại để hỗ trợ cho chính quyền thiết lập an ninh trật tự. Những binh lính đồn trú ở nơi xa xôi này được chúa Nguyễn cho phép lấy vợ địa phương và thành lập thôn ấp để dễ quản lý, gọi là những làng Kinh Cựu. Tiếp sau đó, nhà Nguyễn có chính sách đưa dân từ vùng ngoài (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) vào vùng đất mới này khai hoang thêm ruộng vườn, quy dân lập thôn ấp. Bộ phận thiên di bằng đường thủy đầu tiên đổ bộ lên vùng ven biển Hòn Đỏ, cất lán trại ở tạm, nên cho tới tận bây giờ, địa danh này vẫn được gọi là xóm trại (thuộc xã Mỹ Hiệp, Ninh Hải, Ninh Thuận). Một mặt, các cộng đồng cư dân tự thiết lập hệ thống xã hội để tự quản, mặt khác, nhà Nguyễn mang theo thiết chế xã hội ở vùng ngoài vào đây để thiết lập hệ thống hành chính theo 3 cấp: đạo, tổng và làng.
 
Đạo tương đương như cấp tỉnh ngày nay, còn tổng là cấp bán hành chính dưới đạo, bao gồm nhiều làng hợp thành. Thí dụ: tổng Hạ Tường (ngày nay thuộc Ninh Hải, Ninh Thuận) bao gồm các làng: An Xuân, An Hòe, Phước Nhơn, Mỹ Nhơn, Gò Thao, Gò Sạn, Gò Đền, Hộ Diêm, Hòn Thiên, Phương Cựu, Bỉnh Nghĩa, Tri Thủy, Dư Khánh, Tân An, Khánh Hội, Khánh Tường, Mỹ Hòa, Thái An, Vĩnh Hy. Đứng đầu tổng là cai tổng, thường được cấp trên lựa chọn trong các cụ Nho học để bổ nhiệm chứ không do bầu bán mà có. Có những trường hợp được lựa chọn trước để chờ kế vị, bởi vậy dân gian thường gọi là tổng dụng, tức là chức cai tổng chờ, dùng để kế vị cai tổng đương nhiệm.
 
Dưới cấp tổng là cấp làng, bộ máy tự quản của làng gọi là ngũ hương, bao gồm: lý trưởng (cũng gọi là lý hương), phó lý, hương mục, hương việc, hương kiểm. Lý trưởng điều hành công việc chung, phó lý giúp việc cho lý trưởng, hương việc đảm đương trách nhiệm như thư ký của hội đồng ngũ hương, hương mục trông coi tu bổ các công trình công cộng của làng, hương kiểm đảm nhiệm công việc trật tự an ninh. Mỗi làng có một số thôn, đứng đầu là trưởng thôn. Có thể nói rằng hội đồng ngũ hương là một bộ máy tự quản của các làng. Ngoài việc thực hiện một số trách nhiệm đối với nhà nước như đôn đốc nộp sưu, thuế, đôn đốc việc đi lính, đi phu,... hội đồng này chủ yếu giải quyết các công việc nội bộ của làng, đặc biệt là điều hành việc thờ cúng ở đình làng. Cư dân Nam Trung Bộ vốn là người tha phương nên rất có ý thức về cội nguồn, bởi thế, những người đầu tiên lập làng được họ kính trọng thờ trong đình như là thần hoàng bổn cảnh của làng. Thông thường, mỗi làng có một ngôi đình tôn nghiêm và khang trang. Mỗi kỳ cúng tế ở đình thường tổ chức ít nhất ba ngày với lịch trình cụ thể được sắp xếp theo ngày, giờ tốt. Vào dịp cúng tế lớn, các làng thường rước phường hát bội, hát bả trạo về trình diễn. Phải nói, cho tới tận ngày nay, đình làng vẫn còn là một trung tâm của đời sống tín ngưỡng làng xã của các cộng đồng cư dân nơi đây.
 
Vạn - tổ chức xã hội truyền thống của ngư dân
 
Tại khu vực Nam Trung Bộ, hầu hết ngư dân xưa kia vốn sống trong các làng nông dân. Sau đó, bởi nhiều lý do, họ đã tách ra kiếm sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở biển mà trở thành ngư dân. Lúc ban đầu, có thể cũng đã có những nhóm cư dân tụ họp thành cộng đồng, tổ chức tự quản, đặc biệt là để tổ chức đời sống tín ngưỡng. Nhưng cũng có thể, đại đa số các nhóm ngư dân chỉ tách khỏi làng nông nghiệp về mặt nghề nghiệp để coi đánh cá như hoạt động kinh tế chính, còn mọi sinh hoạt khác của họ, kể cả sinh hoạt tín ngưỡng, đều tuân theo làng gốc. Dần dần, do hoạt động kiếm sống trong điều kiện môi trường biển cả đầy hiểm nguy, các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mới được hình thành trong mỗi cộng đồng ngư dân. Nhu cầu tập hợp cộng đồng, trước hết cho mục đích sinh hoạt tín ngưỡng, đã thúc đẩy một dạng tổ chức xã hội của ngư dân ra đời, mang tên là vạn.
 
Trước lúc phân tích cơ cấu, chức năng của đơn vị tổ chức xã hội này, chúng ta cần làm sáng tỏ khái niệm vạn. “ Vạn (d): làng của những người thuyền chài ở trên mặt sông”(1). Những tài liệu nghiên cứu về vạn chài ở khu vực ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, xác nhận định nghĩa như trên là phản ánh đúng thực tế. Nhưng từ khu vực Nam Trung Bộ trở vào thì định nghĩa trên không còn đúng nữa, các vạn ở khu vực này có cơ cấu chức năng khác hẳn. Có thể nói, về mặt tổ chức và cơ cấu nhằm mục đích quản dân thì các vạn vùng này lỏng lẻo hơn, nhưng nhằm mục đích tổ chức đời sống tín ngưỡng cho từng cộng đồng ngư dân thì vạn ở khu vực Nam Trung Bộ đóng vai trò nổi bật.
 
Sở dĩ có sự khác biệt như trên, là do các làng đánh cá và các vạn chài ở khu vực phía bắc đã được xác lập từ lâu đời, còn các làng đánh cá từ khu vực Nam Trung Bộ trở vào mới được hình thành từ TK XVII cùng với quá trình người Việt mở mang bờ cõi vào phía nam. Thuở đó, hệ thống quản lý xã hội của các chúa Nguyễn ở vùng phía nam còn lỏng lẻo, tập trung chủ yếu vào các làng nông nghiệp, còn các vạn, tự hình thành, dù muộn mằn hơn nhưng nó có vai trò rất quan trọng để chúa Nguyễn ổn định việc an sinh, quản lý xã hội ở vùng ven biển, nhằm mục đích tiếp tục mở mang bờ cõi về phía nam. Có thể giả thiết, vạn được hoàn thiện theo hai giai đoạn chính.
 
Giai đoạn đầu, một nhóm ngư dân đánh cá, có thể có cùng nguồn gốc, tập hợp lại, đặt tên vạn, hoặc khẳng định gọi tên vạn theo tên cũ, tôn xưng người đến trước lên đứng đầu để điều hành vạn theo cách tự quản. Tham gia vào bộ máy tự quản là những người cao tuổi, có kinh nghiệm nghề nghiệp, hiểu biết rộng về nhân tình thế thái. Trưởng vạn và bộ máy giúp việc cho ông ta điều hành mọi công việc làm ăn, quản lý. Thông thường, bộ máy của vạn gồm: một trưởng vạn lo công việc chung, một hương văn hoặc hương việc làm chức năng thư ký, một chánh bái lo việc cúng tế, một thủ tự lo việc chăm sóc đền miếu. Có thể nói, ở giai đoạn này, vạn là một đơn vị tự quản, vừa quản lý hành chính lại vừa điều hành các hoạt động theo phong tục riêng của từng cộng đồng ngư dân.
 
Giai đoạn tiếp theo, khi đã đủ sức mạnh, kiểm soát được miền đất vùng Nam Trung Bộ, các chúa Nguyễn từng bước thiết lập chính quyền từ thôn, đến tổng, đạo..., dần dần với tay tới các vạn của ngư dân. Từ đây, chức năng quản lý hành chính trong các vạn chủ yếu do bộ máy hành chính cấp cơ sở của nhà nước đảm nhận. Các vạn vẫn tiếp tục tồn tại nhưng bộ máy tự quản chỉ còn chức năng điều hành các công việc theo phong tục của vạn, chủ yếu là tổ chức đời sống tín ngưỡng cho ngư dân. Trải qua quá trình lâu dài, càng gần về đương đại, chức năng của vạn càng thu hẹp đến mức chỉ còn việc lo điều hành tổ chức lễ, hội, giải quyết các việc theo phong tục và vận động bà con ngư dân tương trợ nhau mà thôi. Bởi vậy, từ đây, vạn được hiểu như là một đơn vị sinh hoạt tín ngưỡng của ngư dân trong từng khu vực nhất định.
 
Vạn - đơn vị sinh hoạt tín ngưỡng của ngư dân
 
Trong thời kỳ cận hiện đại, từ khu vực Nam Trung Bộ trở vào, so với thuở ban đầu ở các vùng phía bắc, vạn đã thay đổi chức năng và thay đổi cả hình thức. Cộng đồng ngư dân tập hợp nhau lại để sinh hoạt tín ngưỡng cá ông gọi là vạn - vạn lăng ông. Một số lăng lớn thờ cá ông cũng được gọi là vạn, chứ không phải đền, miếu như các vùng ven biển từ Bắc Trung Bộ trở ra. Có hai dạng lăng thờ cá ông: một dạng có thể hiểu như loại lăng tổng đàn, được xây dựng cho ngư dân cả một vùng cửa biển rộng lớn làm nơi thờ tự; và một loại được xây dựng cho ngư dân chỉ trong một làng đánh cá làm nơi thờ tự (2).
 
Lăng ông Nam Hải ở thôn Hải Chữ (xã Đông Hải, thị xã Phan Rang) thuộc loại lăng tổng đàn. Theo người già, xưa kia lăng này là nơi thờ tự cho ngư dân toàn bộ vùng cửa biển sông Dinh (từ Vĩnh Hy đến Cà Ná). Toàn bộ khu vực thuộc tỉnh Ninh Thuận bây giờ trước đây đã có thời chỉ là một tổng - tổng Kinh Dinh, mà xa xưa hơn nữa (khi người Kinh mới tới đất này), tổng này cũng mới chỉ là một vạn - vạn Măng Rang. Lăng ông Nam Hải ở thôn Hải Chữ không chỉ là nơi thờ tự cho ngư dân trong vùng mà còn cho cư dân các khu vực khác khi có dịp đến hoặc đi qua khu vực này. Đồng thời, vị trí xây lăng cũng là trụ sở, là trung tâm của tổng Kinh Dinh. Các cư dân khác khi qua khu vực này thường đến lăng ông thắp hương cầu an đồng thời để trình báo, nộp thuế, hoặc trao đổi công việc với chính quyền sở tại. Để đáp ứng được đời sống tinh thần cho ngư dân trong cả một khu vực, lăng ông Nam Hải được xây cất rất khang trang, với quy mô khá rộng lớn. Bề mặt kiến trúc của khu di tích này bao gồm hai phần: một để thờ tự và một là nhà võ ca - sân khấu để trình diễn hát bội những khi tổ chức lễ hội ở lăng. Ở phần thờ tự, ngoài hai bệ thờ nhỏ: bên phải (theo chiều từ bàn thờ ra ngoài) thờ thiên phủ, bên trái thờ địa phủ, ở trong gian thờ có ba bệ thờ lớn: bệ trung tâm gọi là tam lăng hội tòa, thờ hội đồng; bệ bên phải thờ Quan Công và bệ bên trái thờ thánh mẫu. Phía bên phải của gian thờ, có một gian để xương cá ông gọi là linh cốt điện. Có thể thấy, trên bệ thờ trung tâm, ngư dân thờ nhiều loại thần linh, chứ không có nghĩa là lăng ông Nam Hải thì chỉ thờ ông Nam Hải (thần cá ông). Ngoài sân phía tay phải có lăng (mộ) cá ông, phía bên trái có lăng cô (mộ cá ông cái), cây nêu và cổng.
 
Còn lại, mỗi vạn đánh cá đều có một lăng thờ cá ông. Loại lăng này chủ yếu là để thờ cá ông và ở những vạn mà không có đình, lăng đóng chức năng như ngôi đình của làng nông nghiệp và dĩ nhiên, những lăng có quy mô lớn thường được gọi là vạn - vạn lăng ông.
 
Như vậy, vạn cũng được dùng để chỉ một công trình kiến trúc, một ngôi đền thờ cá ông. Dân gian kể rằng, vào thời kỳ sơ khởi, khi mới lập vạn, trên dải đất Nam Trung Bộ, vạn lăng, mang chức năng như ngôi đình của các làng nông nghiệp, chỉ mới được xây dựng đơn sơ bằng tranh tre, nứa lá. Sau đó, nhờ làm ăn khấm khá, ngư dân mới đóng góp tiền của và công sức dần dần xây dựng vạn kiên cố và khang trang hơn. Và gần đó có miếu thờ bà thủy (mẫu thủy).
 
Điều đáng lưu ý là vạn bao giờ cũng được xây dựng ở vị trí gần sông, biển hoặc đầm, hướng mặt tiền ra sông, biển tạo điều kiện thuận lợi để thuyền của ngư dân hàng ngày ra vào có thể làm lễ hoặc bái vọng từ xa, hơn thế để thuận lợi cho việc rước ông trong các kỳ tế lớn.

2. Vai trò của vạn chài trong đời sống xã hội của ngư dân
 
Xã hội nghề cá của ngư dân Nam Trung Bộ ít gắn với xã hội nông nghiệp như ở khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ. Với tư cách là đơn vị xã hội cơ sở, được hình thành và phát triển trong cả một quá trình lâu dài, vạn chài ở khu vực Nam Trung Bộ đảm đương nhiều chức năng: quản dân, đảm bảo trật tự an ninh, tổ làm ăn, chăm lo công việc tang ma, cưới xin, hướng dẫn các gia đình hỗ trợ giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, tổ chức đời sống tâm linh của cộng đồng và đã bước đầu quan tâm tới quản lý nguồn lợi.
 
Cũng như các đơn vị xã hội cấp cơ sở cổ truyền khác, vạn chài lấy tập quán pháp làm động lực để vận hành. Thông thường, tập quán pháp này có ba nhóm nội dung chính:
 
Thứ nhất, các quy định về chỗ và thứ tự đậu thuyền. Theo luật tục, dĩ nhiên là dân nơi khác tới không bao giờ được phép đánh bắt cá tại các điểm thuận lợi cố định đã có chủ, chỉ được phép di chuyển khai thác nguồn lợi thủy sản một cách tạm thời. Nếu các nhóm ngư dân du canh muốn neo đậu thuyền ở các vạn khác thì nhất thiết phải được phép của vạn sở tại.
 
Thứ hai, các quy định về quyền đánh bắt cá. Nếu là nguồn lợi trong sông hoặc tại các vùng biển gần bờ có thể khai thác bằng các ngư cụ cố định (đăng, đáy, nò, sáo,...) thì chỉ người bản địa mới có quyền chiếm dụng các vị trí cố định. Còn đối với các nguồn lợi ngoài biển khơi, những nơi không thể đánh bắt bằng các ngư cụ cố định tại các vị trí cố định thì dân chài quan niệm điền tư, ngư chung, nguồn lợi tại đấy như chim trời cá nước, ai muốn khai thác cũng được. Tuy vậy, tập quán pháp lại dành quyền ưu tiên cho những người đến trước được thả lưới và đánh bắt trước. Thông thường, các quy ước bao gồm: nếu đánh lưới theo chiều nước chảy thì người đến sau phải thả lưới sau người đến trước (theo hướng đường đi của cá) và không được làm ảnh hưởng tới các vùng lưới của người đến trước, kể cả trong trường hợp nước chảy làm ảnh hưởng tới độ trôi dạt của lưới; trường hợp phát hiện một đàn cá đang di chuyển trong ngư trường, người đến trước có thể thả lưới đón đường di chuyển của đàn cá, những người đến sau phải căn cứ vào vị trí thả lưới của người thả trước để thả lưới của mình một cách hợp lý... Thực tế, hầu như mọi ngư dân đều am hiểu và nghiêm chỉnh thực thi theo luật tục nên rất ít khi xảy ra việc tranh giành khai thác nguồn lợi.
 
Thứ ba, các quy định về bảo vệ nguồn lợi. Trước những năm 60, TK XX, nguồn thủy sản ở ven biển và các sông ngòi, đồng ruộng của Việt Nam rất phong phú và giá cả thấp, không vận chuyển đi xa được vì không có phương tiện và kỹ thuật bảo quản, môi trường chưa bị ô nhiễm, các vùng sinh thái ngập nước chưa biến đổi, nên nguồn lợi thủy sản chưa xuất hiện nguy cơ cạn kiệt và vấn đề bảo vệ nguồn lợi cũng chưa được đặt ra. Do đó, việc bảo vệ nguồn lợi chưa đặt thành vấn đề bức bách đối với ngư dân. Dầu vậy, thỉnh thoảng, vẫn thấy có luật tục tại một số vạn chài quy định không được sử dụng các phương pháp khai thác làm cạn kiệt nguồn lợi như: một số loại thuốc làm cá chết hàng loạt hoặc các loại lưới có mắt lưới quá dày... Đặc biệt, trong truyền thống, ngư dân chỉ khai thác cá theo mùa. Nếu như các cư dân khai thác các nguồn lợi trên rừng đều tuân thủ thời gian mở cửa rừng (mùa xuân) và đóng cửa rừng (cuối hạ, đầu thu) thì ngư dân cũng chỉ tập trung khai thác thủy hải sản trong khoảng thời gia sau lễ cầu ngư (tháng giêng) đến trước lễ tạ ngư (giữa mùa thu). Người dân tin rằng nếu đã đóng cửa rừng, ai vào khai thác sẽ gặp nguy hiểm (bị hổ, báo ăn thịt, hoặc bị ốm đau mà chết). Còn ở biển, khi đã làm lễ tạ ngư, nếu ngư dân vẫn ra khơi thì sẽ bị cá mập, cá nhám ăn thịt hoặc bị các loài thủy quái làm hại... Thực ra, thời gian con người không khai thác các nguồn lợi là để cho các loài động, thực vật trên rừng, dưới biển sinh sôi.
 
Nếu như trước những năm 1960, đặc biệt là trước năm 1975, sử dụng nguồn lợi thủy sản chỉ là nhu cầu của một bộ phận nhỏ người dân địa phương, thì sau năm 1975, nhu cầu này mở rộng nhanh chóng trên toàn bộ đất nước và xuất khẩu. Do vậy, lực lượng tham gia khai thác cũng gia tăng. Nếu như trong truyền thống chỉ có một số cộng đồng ngư dân ở các địa phương chuyên khai thác thủy hải sản thì vào những thập niên cuối của TK XX, người ngoài cộng đồng ngư dân đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Thực tế đó làm nảy sinh hai vấn đề lớn. thứ nhất, do ít vốn, một bộ phận ngư dân chỉ sử dụng các ngư cụ đã lạc hậu và đánh bắt gần bờ làm cho nguồn lợi cạn kiệt. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn ngư dân đã di dân (nhà nước tổ chức hoặc di dân tự do) đến các vùng để khai hoang làm nông nghiệp, nhường ngư trường cho các lực lượng mới đến, hoặc là đi làm thuê cho các chủ khai thác mới. Thứ hai, các chủ đầu tư mới chỉ chú ý khai thác nhằm mục đích lợi nhuận, họ không biết và nếu có biết thì cũng phớt lờ luật tục.
 
Thể chế xã hội nhằm quản lý nguồn lợi cũng thay đổi. Không gian xã hội của nghề cá ngày nay không còn là môi trường để cho tập quán pháp về quản lý nguồn lợi thủy hải sản cổ truyền có thể dễ dàng tồn tại.
 
Bởi thế, những người có trách nhiệm trong việc xây dựng, bổ sung thể chế quản lý hiện tại nên nghiên cứu để hiểu biết đầy đủ hơn về đơn vị xã hội vạn chài cũng như về công việc quản lý nguồn lợi thủy hải sản trong những không gian hẹp. Tiếp thu truyền thống và kinh nghiệm của người xưa, kết hợp với việc phân tích các mối quan hệ của xã hội đương đại, thể chế hành chính hiện thời nên xây dựng quy chế quản lý trên tinh thần dựa vào cộng đồng, trao quyền đầy đủ cho các cộng đồng địa phương để họ có tư cách pháp nhân trong việc quản lý nguồn lợi lâu bền.
 
_______________
 
1. Theo Từ điển tiếng Việt.

2. Theo Nguyễn Đăng Vũ, ở Quảng Ngãi hiện nay ước tính còn 100 lăng; Theo Nguyễn Xuân Hương, chỉ riêng Đà Nẵng - Quảng Nam hiện vẫn còn 50 lăng thờ cá voi; theo Nguyễn Thanh Lợi, Khánh Hòa có 50 lăng, Bình Thuận có 26 lăng (riêng đảo Phú Quý có 9 lăng), hầu hết các lăng đều có ngọc cốt của ngài.
 
Nguyễn Duy Thiệu
Tạp chí VHNT số 317

Bạn đang đọc bài viết "Một dạng tổ chức xã hội của ngư dân Nam Trung Bộ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.