Một chiến đoàn bí mật trong vụ đảo chính Ngô Đình Diệm (Kỳ I)

27/10/2021 08:20

Theo dõi trên

Sau khi nhận ra Ngô Đình Diệm không tuân phục, chính quyền Mỹ xúi giục một số tướng lĩnh VNCH thực hiện cuộc đảo chính bằng vũ trang.

92081241-gettyimages-3065735-1635236805.jpg
Ngô Đình Diệm tham dự một buổi lễ

Ngày 1-11-1963, cuộc đảo chính bùng nổ. Một đơn vị quân sự mang phiên hiệu "chiến đoàn Vạn Kiếp" được lực lượng đảo chính xem là mũi tấn công chủ lực. Lực lượng này được xua đến tận thành Cộng Hòa - Nơi được gọi là Phủ Tổng thống của chính quyền Diệm - bao vây, gây áp lực. Thế nhưng, sau khi cuộc đảo chính thành công, "chiến đoàn Vạn Kiếp" mất tăm hơi. Không ai biết cái "Chiến đoàn Vạn Kiếp" là đơn vị nào trong cái gọi là "quân lực Việt Nam Cộng Hòa".  

Cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, trong cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, mũi tấn công chính của quân nỗi dậy vào thành Cộng Hòa là 2 trung đoàn thuộc Sư đoàn 5 do Đại tá Nguyễn Văn Thiệu (sau này là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) chỉ huy. Điều này được khẳng định trong hồi ký của một số nhân vật chính yếu tham gia cuộc đảo chính. Hầu hết những nhân vật này đều dựa vào lời kể công của ông Nguyễn Văn Thiệu với giới truyền thông sau khi cuộc đảo chính thành công. Và điều đó trở thành một góc "lịch sử" của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Ông Thiệu kể rằng, để chuẩn bị cuộc đảo chính, từ chiều ngày 31-10-1963, với tư cách là Tư lệnh Sư đoàn 5, ông đã ra lệnh cho 2 Trung đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh và 1 chi đoàn thiết giáp thuộc quyền di chuyển từ Biên Hòa đến khu vực ngã ba Vũng Tàu với lý do là chuẩn bị đi càn ở Phước Tuy (ngày nay là Bà Rịa - Vũng Tàu). Đến trưa ngày 1-11-1963, lực lượng này tiến thẳng đến thành Cộng Hòa bao vây tấn công để gây áp lực với Ngô Đình Diệm.

Từ đó, nhiều bài báo đã thống nhất tường thuật rằng, ông Nguyễn Văn Thiệu là người có công chỉ huy lực lượng quân sự gây áp lực mạnh nhất đối với ông Diệm trong cuộc đảo chính lịch sử dẫn đến việc đầu hàng vô điều kiện. Trong những nguồn thông tin đó, chỉ có vài dòng nhắc phớt qua một đơn vị có phiên hiệu là Chiến đoàn Vạn Kiếp.

Tuy nhiên không ai biết và cũng không ai giải thích Chiến đoàn Vạn Kiếp là đơn vị nào trong hệ thống "quân lực Việt Nam Cộng Hòa". Nói cách khác, Chiến đoàn Vạn Kiếp không có tên trong danh sách “quân sử Việt Nam Cộng Hòa”.

Một nhân vật tướng lĩnh tham gia cuộc đảo chính đã kể trong hồi ký rằng "Trung tá Vĩnh Lộc chỉ huy chiến đoàn Vạn Kiếp cố tình chậm trễ, chờ đợi nghe ngóng, nếu tình hình thuận lợi mới hành động; Mãi tới 15 giờ 45 phút, đại tá Nguyễn Văn Thiệu phải đưa sư đoàn 5 đến tăng cường triển khai tiến công. Lúc  5 giờ sáng ngày 2 tháng 11, thiết đoàn 2, chiến đoàn thiết giáp 24 và tiểu đoàn 4 thuỷ quân lục chiến do Lý Tòng Bá chỉ huy hình thành hai gọng kìm đánh vào dinh Gia Long. Bộ chỉ huy đảo chính giao cho đại tá Lâm Văn Phát làm nhiệm vụ kiểm tra, đốc chiến cuộc tiến công... Đến 6 giờ, biết có cố gắng chống cự cũng không đạt kết quả, lực lượng bảo vệ dinh buông súng đầu hàng. Lý Tòng Bá dẫn quân vào nội cung, thì Diệm, Nhu đã bỏ trốn từ trước. Lực lượng tham gia đảo chính gồm: Tiểu đoàn 1 và 4 thuỷ quân lục chiến, Tiểu đoàn 6 nhảy dù. Thiết đoàn thiết giáp 24 (thuộc Chiến đoàn Vạn Kiếp), Sư đoàn bộ binh 5, Trung đoàn 10 và thiết đoàn 2 của sư đoàn 7 bộ binh, 1 đại đội truyền tin. Chiến đoàn Vạn Kiếp của Trung tá Vĩnh Lộc cho đến lúc ấy vẫn còn án binh bất động bên cầu Phan Thanh Giản. Khoảng 4 giờ 30, khi Đại tá Phát đến một căn nhà ngay ngã tư Phan Thanh Giản - Đinh Tiên Hoàng được coi như bản doanh tiền phương của sư đoàn 5 và chiến đoàn Vạn Kiếp thì lúc ấy Trung tá Vĩnh Lộc chưa biết phải tiến quân như thế nào… Sĩ quan cũng như binh sĩ vẫn ngơ ngác không biết phải làm gì… chỉ thị của thượng cấp hết sức mơ hồ. Đại tá Lâm Văn Phát tạm thay Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, thống lãnh sư đoàn 5 để thanh toán dinh Gia Long và thành Cộng hoà".

02-1635237315.jpg
Binh sỹ Chiến đoàn Vạn Kiếp đang tiến qua cầu Phan Thanh Giản.

Hầu hết những viên tướng tham gia đảo chính đều công nhận sự có mặt của Chiến đoàn Vạn Kiếp nhưng không có lời kể nào xác định đúng chiến đoàn đó ở đâu chui ra, được thành lập khi nào.

Một nhân chứng đã vào tuổi đại thượng thọ, hiện đang cư ngụ ở Gò Công, Tiền Giang từng là sỹ quan chỉ huy một tốp binh sỹ thuộc Chiến đoàn Vạn Kiếp đã kể lại rành mạch về tiểu sử chiến đoàn “chết yểu” này. Vì nhiều lý do, ông S đề nghị giấu tên mình. 

Ông S – Nhân chứng - khẳng định, Chiến đoàn Vạn Kiếp là một đơn vị hỗn hợp được thành lập "không văn tự" chỉ để thực hiện nhiệm vụ duy nhất là đảo chính.

Thời điểm đó ông S  là sỹ quan cơ hữu mang hàm Chuẩn úy, thuộc ban huấn luyện vũ khí tại Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Là một đơn vị trực thuộc Quân đoàn 3 nên trung tâm này còn có tên gọi là Trung tâm Huấn luyện Vùng 3 Chiến thuật. Bản doanh của Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp đặt ở Bà Rịa do Trung tá Nguyễn Phúc Vĩnh Lộc làm chỉ huy trưởng (sau này là Trung tướng của Việt Nam Cộng Hòa). Nhiệm vụ của trung tâm này là huấn luyện, đào tạo tân binh, hạ sỹ quan cho các đơn vị quân sự thuộc vùng 3 Chiến thuật, bổ túc kỹ năng chỉ huy chiến thuật cho cấp Trung đội trưởng, Đại đội trưởng cho các đơn vị "đang tham chiến ở các chiến trường thuộc vùng trách nhiệm". Nói cách khác, những binh sỹ mang hàm Hạ sỹ đến Chuẩn úy nếu muốn thăng cấp phải kinh qua một khóa huấn luyện tại đây để lấy chứng chỉ. Những khóa huấn luyện này được gọi tắt là "xê xê 1" (CC1 - Từ hạ sỹ đến Trung sỹ nhất) , "xê xê 2" (CC2 - Từ Thượng sỹ đến Thượng sỹ nhất). Vì vậy, các khóa huấn luyện "xê xê" đều là những người đã từng tham gia trận mạc, có kinh nghiệm thực tiễn chiến trường.

01-1635237022.jpg
Nhóm binh sỹ Chiến đoàn Vạn Kiếp đang xâm nhập thành Cộng Hòa. Trong bức ảnh này có mặt ông S.

Một ngày đầu tháng 10-1963, tức trước khi xảy ra cuộc đảo chính 1 tháng, với tư cách là chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp, ông Vĩnh Lộc yêu cầu các bộ phận tinh tuyển các huấn luyện viên và học viên để thành lập một đơn vị có ám danh rất lạ "ê kíp D" bao gồm một số sỹ quan huấn luyện và 1 Tiểu đoàn học viên "xê xê". Không ai biết mục đích thành lập ê kíp D để làm gì, chỉ biết rằng những ai có tên đều phải "sẵn sàng đợi lệnh hành quân đột xuất".

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Một chiến đoàn bí mật trong vụ đảo chính Ngô Đình Diệm (Kỳ I)" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.