Nghệ sĩ Phạm Bằng kết hôn năm 29 tuổi. Ông lấy người phụ nữ kém ông 8 tuổi, làm trong lĩnh vực hành chính. Vợ chồng nghệ sĩ sống chung với nhau 44 năm, có bốn người con. Bà qua đời năm 2003. Từ khi bà mất, nghệ sĩ Phạm Bằng không đi bước nữa mà ở vậy. Ông luôn nhắc đến bà bằng những lời trân trọng, tràn đầy yêu thương. Nghệ sĩ từng chia sẻ: "Trong cuộc sống, sự nghiệp và sự thành công của tôi thì 98% nhờ vào công của bà ấy, chỉ có 2% do tôi".
Vẻ lãng tử của nghệ sĩ Phạm Bằng khi còn trẻ.
Nghệ sĩ Phạm Bằng từng kể lại, khi ông đến giai đoạn kén vợ, ông để mắt đến 5 người con gái. Nhưng cuối cùng, nghệ sĩ quyết định chọn bà bởi ông cảm thấy, đó là người có thể chịu đựng tính cách của mẹ ông. Cụ thân sinh ra nghệ sĩ là góa phụ đến 70 năm. Cụ khá chỉn chu, nghiêm khắc. Với cụ, phận làm dâu là để sai bảo, chì chiết. Bản thân nghệ sĩ Phạm Bằng cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ sự giáo dục nghiêm khắc của cụ. Khi đã lập gia đình, mỗi lần muốn đi chơi, hai vợ chồng nghệ sĩ vẫn phải khoanh tay xin phép mẹ. Nhưng trong suốt những năm làm dâu, bà không một lần than thở, oán trách mẹ chồng, vẫn luôn làm tròn nghĩa vụ của người con hiếu thảo. Đến khi cụ mất, chính vợ ông là người ở bên chăm sóc cụ trong giờ phút lâm chung.
Ít ai biết nghệ sĩ Phạm Bằng sinh ra trong gia đình tư sản giàu có, nhưng rồi việc kinh doanh gặp nhiều biến cố khiến kinh tế gia đình sa sút. Ông không tham làm giàu, cũng chẳng mê quyền cao chức trọng, chỉ một lòng đi theo nghiệp diễn. Mẹ ông cũng vì thế mà thường mắng mỏ nghệ sĩ là "con hát", "loại xướng ca vô loài"...
Hình ảnh nghệ sĩ Phạm Bằng và vợ.
Người duy nhất ủng hộ ông làm nghệ thuật là vợ. Bà bỏ ngoài tai những lời đồn đại về sự hào hoa của chồng, một mực tin tưởng ông. Bà cũng chưa từng than vãn vì đồng lương nghệ sĩ ba cọc ba đồng mà ông thì cứ đi biền biệt. Có những tháng, tiền trong nhà chỉ đủ ăn 20 bữa, 10 bữa còn lại bà phải đi vay. Bà sinh nở đến bốn lần nhưng chỉ có một lần duy nhất có chồng ở bên. Thời chiến tranh bao cấp, ông bà nội ngoại đều mất, nghệ sĩ Phạm Bằng đi diễn khắp các chiến trường, một mình bà vun vén nhà cửa, nuôi dạy các con ăn học nên người.
Quán bánh trôi tàu nổi tiếng của hai vợ chồng cũng là do bà gây dựng. Quán tồn tại ngót nghét 30 năm, nhờ nó, gia đình ông đã vượt qua được những năm tháng khó khăn, đói khổ. Ông cũng gỡ bỏ được nỗi lo kinh tế mà yên tâm bám trụ với nghề. Vì thế, sau khi bà mất, nghệ sĩ vẫn giữ lại quán, mãi đến khi ông phải phẫu thuật lần thứ hai mới đóng cửa. Khi bệnh tình có dấu hiệu tiến triển tốt, nghệ sĩ từng tâm sự với một số người thân thiết về dự định mở lại quán bánh. Với ông, đó là nơi lưu giữ những ký ức thân thương về người vợ quá cố.
Trong lúc điều trị, nghệ sĩ Phạm Bằng vẫn mong sức khỏe bình phục nhanh để có thể trở lại với các vai diễn.
Khi bà mất, nghệ sĩ "mất thăng bằng và trống trải vô cùng". Ông từng ước, "giá như cái người đưa lại tình cảm thiêng liêng nhất với mình chỉ đi cách nhau khoảng một năm thôi thì đẹp". Ở tuổi 85, ông vẫn chạy xe đi diễn quanh Hà Nội, một phần vì say mê công việc, một phần nữa cũng vì sợ buồn, sợ cô đơn. Những năm cuối đời, nghệ sĩ sống cùng người con trai út và cô con gái 40 tuổi chưa lập gia đình.
"Con chăm cha không bằng bà chăm ông", nhiều người vẫn khuyên ông nên đi bước nữa để có bạn hàn huyên, chia sẻ lúc tuổi già. Thế nhưng nghệ sĩ vẫn ở vậy suốt 13 năm, giữ trọn sự thủy chung với vợ. Ông khẳng định: "Nếu lấy ai, chắc chắn không thể bằng bà ấy được". Cũng có lúc, người nghệ sĩ già đắn đo về chuyện này, nhưng ông lại sợ gia đình êm ấm bấy lâu bỗng dưng xáo trộn. "Tôi mong muốn có một gia đình đúng nghĩa chứ không muốn đi ngang về tắt. Bản thân tôi không muốn mà chuyện đó cũng làm cho nhân cách của mình thấp xuống. Chịu đựng thì cũng có lúc buồn lắm đấy. Nhưng mà thế còn hơn buồn vì gia đình mâu thuẫn, năm bè bảy cánh. Cái đó làm mình chết nhanh lắm. Tôi không dại", nghệ sĩ chia sẻ.
Ở tuổi 85, nghệ sĩ Phạm Bằng ra đi thanh thản sau những tháng ngày chống chọi với bệnh tật. Ở nơi chín suối, có lẽ ông đang mỉm cười mãn nguyện khi cuối cùng, sau nhiều năm ly biệt, ông đã được đoàn tụ với người vợ thân yêu mà ông hằng mong nhớ.
(Theo ngoisao.net)