Miền Trung cấp tập ứng phó bão số 4

13/09/2016 08:22

Theo dõi trên

Thông tin cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn trung ương cho biết hồi 19 giờ ngày 12-9, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Trung bộ đã mạnh lên thành bão số 4 và hướng thẳng vào đất liền Trung bộ. Đến 22 giờ ngày 12-9, vị trí bão số 4 ở khoảng 15 độ vĩ Bắc, 110 độ kinh Đông, cách bờ biển Quảng Nam - Quảng Ngãi khoảng 100km với sức gió vùng tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 11. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khá nhanh từ 15 - 20km, hướng vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Di dời dân, tập kết tàu thuyền

Chiều 12-9, TP Hội An (Quảng Nam) thực hiện bố trí 8 địa điểm sơ tán dân tập trung, khi có bão lũ sẽ chủ động di dời 5.500-10.000 người vào khu vực các địa điểm kiên cố như trường học, nhà văn hóa, thực hiện xen ghép tại chỗ khi có bão lũ từ 2.500-5.500 người. BCH quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ. Bố trí lực lượng kiểm tra, trực ứng cứu tại các công trình hạ tầng xung yếu, nhất là các hồ chứa nước, công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông, đường cao tốc đang thi công dở dang nhằm bảo vệ an toàn công trình và các khu vực lân cận, đề phòng xảy ra sự cố.

Tại Đà Nẵng, cả ngày 12-9, người dân ven biển thuộc các phường Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà) đã huy động phương tiện, nhân lực tổ chức đưa hàng trăm thuyền thúng công suất nhỏ lên bờ tránh bão. Trong khi đó, tại âu thuyền Thọ Quang, Bộ đội Biên phòng hướng dẫn cho hơn 700 tàu cá của ngư dân miền Trung vào neo đậu. Chiều tối 12-9, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng có thông báo cho học sinh trên toàn thành phố nghỉ học cho đến khi bão tan để đảm bảo an toàn.




Ngư dân quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) di chuyển thuyền thúng lên bờ tránh bão

Chuẩn bị cho Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần 5 (ABG5) diễn ra tại TP Đà Nẵng vào ngày 24-9 tới, ban tổ chức đã cho lắp đặt hàng trăm lều bạt, nhà tạm và các hạng mục công trình liên quan phục vụ ABG5 tại khu vực bãi biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng. Ngay trong ngày 12-9, ban tổ chức đã huy động hàng trăm công nhân tiến hành tháo dỡ các lều bạt, nhà tạm... tránh để gió bão gây thiệt hại.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cấm tất cả các tàu thuyền xuất bến ra biển, kể cả tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại kể từ 14 giờ ngày 12-9 cho đến khi có thông tin cuối cùng về cơn bão số 4. Yêu cầu 343 tàu thuyền với 2.293 lao động đang hoạt động trên các vùng biển tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương vào bờ. Tăng cường theo dõi, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở núi, sạt lở bờ sông, bờ biển…

Đến tối 12-9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cùng ngành chức năng đã liên lạc, kêu gọi hơn 6.300 tàu thuyền với gần 43.000 ngư dân chủ động chạy tránh, neo trú để không bị thiệt hại do bão số 4 gây ra.

Xuất hiện lũ trên các sông

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, trong ngày 12-9 trên địa bàn các tỉnh miền Trung (từ Đà Nẵng đến Bình Định) đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được ở Quảng Nam, Quảng Ngãi phổ biến từ 50 - 80mm; ở Bình Định phổ biến từ 100-150mm, một số nơi cao hơn như Bồng Sơn 226mm, Hoài Ân 172mm, Hoài Nhơn 193mm. Mưa lớn liên tục đã khiến lũ trên các sông ở miền Trung lên nhanh. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Quảng Ngãi có khả năng lên báo động 2 và trên báo động 2; các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, sông Vu Gia (Quảng Nam) và khu vực Tây Nguyên có khả năng lên trên báo động 1.

Mưa lớn liên tục cùng với lũ trên các sông đang lên nhanh đã khiến cho hàng ngàn hécta lúa hè thu của người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định... chưa kịp thu hoạch bị ngập úng.




Đường phố Đà Nẵng ngập nặng sau trận mưa chiều 12-9. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Ngày 12-9, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mưa to rơi đúng cao điểm nông dân tỉnh này thu hoạch lúa hè thu 2016. Ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo bà con nông dân, nhanh chóng thu hoạch những diện tích lúa còn lại trong tổng số hơn 20.000ha lúa hè thu tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền và 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã chuẩn bị máy móc để sẵn sàng đấu úng cho những diện tích lúa bị ngập lụt.

Riêng tại huyện A Lưới do địa bàn biên giới khó khăn, không có máy đập lúa tại ruộng nên các đoàn viên Chi đoàn thanh niên Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt không chỉ gặt lúa giúp dân, mà còn tiếp tục chở lúa về nhà tuốt và thu gom, hong phơi lúa giúp dân.

Nguy cơ bão chồng bão

Chiều tối 12-9, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến khẩn tại Hà Nội với các địa phương ven biển từ Nghệ An tới Bình Thuận để chỉ đạo các biện pháp ứng phó.




Nhiều hạng mục phục vụ Đại hội Thể thao biển châu Á tại bãi biển Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng) phải tháo gỡ để tránh bão. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn trung ương, dự báo sẽ có 6 tỉnh ở Trung bộ và Tây Nguyên có mưa lũ lớn. Ngoài ra, hiện một siêu bão có tên quốc tế là Meranti với cấp 16 vẫn đang hoạt động ở phía Đông Philippines và đang hướng vào biển Đông, sẽ gây gió giật cấp 10 - 13 trong vài ngày tới.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương phải đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là ngư dân, tiếp tục kiểm tra các khu neo đậu tàu thuyền. Sáu tỉnh được cảnh báo mưa lũ phải lên phương án phòng chống mưa lũ, sạt lở.

Đối với sản xuất nông nghiệp tại miền Trung, cần chú ý đặc biệt tới bảo vệ các diện tích nuôi trồng thủy sản, khẩn trương hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch lúa hè thu. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương không để mưa lũ, sạt lở gây nguy hiểm về tính mạng người dân. Các địa phương và bộ ngành có liên quan phải chủ động chuẩn bị các phương án và vật tư sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Mặc dù là áp thấp nhiệt đới hay bão nhỏ cũng không được chủ quan, mất cảnh giác.

 Hơn 7.000 tàu đã vào đất liền

Đến chiều 12-9, Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho biết, đã có hơn 7.000 tàu với khoảng 45.000 lao động đã vào đất liền hoặc tìm nơi neo đậu trú tránh bão. Khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn còn 20 tàu với 140 lao động; khu vực giữa Hoàng Sa - Trường Sa có 308 tàu với 2.156 lao động; khu vực quần đảo Trường Sa có 287 tàu với 2.050 lao động. Số tàu thuyền này đã nắm bắt được tình hình của bão số 4, đang trên đường trở vào đất liền và đang giữ liên lạc với Bộ đội Biên phòng các địa phương.

(Theo SGGP)

NHÓM PV
Bạn đang đọc bài viết "Miền Trung cấp tập ứng phó bão số 4 " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.