Mệnh lệnh hành chính trong quản lý lễ hội: Có đi ngược bảo tồn?

22/12/2016 10:54

Theo dõi trên

Chen lấn, hình ảnh phản cảm, bạo lực là những hình ảnh nhiều năm gần đây vẫn xảy ra tại một số lễ hội xuân. Liệu mệnh lệnh hành chính có giải quyết được tận gốc vấn đề?

Sau câu chuyện chém lợn Ném Thượng, lại nổi lên câu chuyện bạo lực từ lễ hội đả cầu cướp phết tại xã Bàn Giản (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) hay cầu trâu Xuân Quang, cướp phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Đây là những lễ hội truyền thống có từ lâu đời, mang nhiều yếu tố văn hóa tâm linh chứa đựng ý nghĩa tinh thần với người dân ở các địa phương này. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, nhất là năm 2016, lễ hội này đã xuất hiện nhiều những hình ảnh lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, thiếu chuẩn mực trong hành vi ứng xử… được báo chí đăng tải đã khiến cho lễ hội bị dư luận nhìn nhận theo chiều hướng tiêu cực. Thậm chí, một số lễ hội đã diễn ra trong không khí hỗn loạn, giẫm đạp kinh hoàng, các thanh niên thì gậy gộc loạn đả, thậm chí còn đổ máu tại lễ hội.



Hình ảnh bạo lực tại các lễ hội đã làm biến tướng những nét đẹp văn hóa người Việt.

Không riêng lễ hội chém lợn hay đả cầu cướp phết mà còn rất nhiều các lễ hội khác đang diễn ra trên cả nước xuất hiện những hình ảnh phản cảm, bạo lực. Vậy đâu là căn nguyên của những hình ảnh bạo lực phản cảm làm biến tướng văn hóa dân gian như thời gian qua? Nếu can thiệp hành chính, cấm các lễ hội liệu có đi trái với công ước liên hợp quốc về bảo tồn văn hóa dân gian? Tương lai, nhiều nếp sinh hoạt truyền thống làng xã cộng đồng sẽ ra sao nếu cứ phản cảm là… cấm?

Trao đổi với PV Người đưa tin ông Phạm Anh Tiến, Trưởng phòng văn hóa huyện Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái) cho rằng: "Bản thân lễ hội văn hóa truyền thống luôn ẩn chứa những giá trị văn hóa tinh thần sau nhiều năm của các tầng lớp dân cư địa phương. Các triết lý, các yêu tố tâm linh… các mục đích này đều vô cùng tốt đẹp.

Tuy nhiên, để những hình ảnh phản cảm như thời gian vừa qua theo tôi có một số nguyên nhân. Trước hết về mặt phương diện quản lý lễ hội chúng ta làm chưa tốt. Điều này dẫn đến có nơi thì để thả cho người dân tự tổ chức, có nơi thì quản lý khá chặt. Thậm chí có nơi lại biến việc tổ chức lễ hội thành hoạt động kinh tế, làm giàu cho địa phương mình dẫn đến tình trạng thương mại hóa lễ hội.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về ý nghĩa văn minh lễ hội chưa ổn. Ví dụ như như đả cầu cướp phết là văn hóa mang ý nghĩa tâm linh, khi tổ chức tất nhiên là phải có cướp phết, nhưng ý nghĩa của việc cướp phết, lấy phết về nhà để làm gì thì không mấy ai biết và chỉ có niềm tin mơ hồ rằng cướp phết về là may mắn cả năm nên mọi người mới tìm mọi cách để đạt được."

Từ kinh nghiệp thực tế trong công tác tổ chức lễ hội tại huyện Văn Yên (Yên Bái), ông Tiến cũng cho rằng: "Điều quan trọng là về công tác tổ chức cần có những nghi lễ cho phù hợp vừa đảm bảo văn minh vừa đảm bảo những tiêu chí của lễ hội truyền thống tránh làm mất đi những giá trị cốt lõi của văn hóa dân gian. Người ta đi hội để lấy vui, lấy may chứ không phải đi để cướp may. Để làm cho lễ hội của chúng ta mang giá trị nhân văn, nhân bản và loại bỏ những hình ảnh bạo lực phản cảm thì cần là một quá trình lâu dài. Không nên cứ thấy phản cảm là cấm mà cần phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Trước hết, theo tôi cần phải truyên truyền tốt cho người dân hiểu về giá trị của lễ hội, nguồn gốc cũng như ý nghĩa đầy đủ của các hoạt động này để có những ứng xử cho phù hợp. Chính việc hiểu lệch lạc các giá trị của lễ hội nên dẫn đến những hình ảnh phản cảm như vừa qua."

Còn TS. Đinh Hồng Hải, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội lại cho rằng: "Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, việc quảng bá cho hoạt động lễ hội hiện nay rất nhiều nhưng lại thiếu đi chiều sâu. Bởi vấn đề cốt lõi nhất của lễ hội chính là ý nghĩa văn hóa và ý nghĩa tinh thần của nó. Nếu chúng ta không khai thác sâu về những khía cạnh này thì không khó hiểu khi sự tập trung, hiệu quả của việc tổ chức lễ hội sẽ giảm đi.

Theo tôi, giải pháp với tất cả các lễ hội hiện nay là chúng ta phải hướng tới một đối tượng và ý nghĩa cụ thể chứ không thể lễ hội nào cũng tổ chức giống như lễ hội nào. Hơn nữa, điều cốt lõi vẫn nằm ở ý thức tham gia lễ hội của người dân. Trước kia, người dân chủ yếu làm nông nghiệp theo thời vụ nên việc họ bỏ hẳn một thời gian dài của mùa xuân để du xuân là điều dễ hiểu. Nhưng hoàn cảnh hiện nay đã thay đổi, nếu chúng ta vẫn theo ý thức cũ thì không được. Nếu thay đổi được ý thức này, tôi cho rằng bức tranh lễ hội đầu năm mới sẽ khởi sắc."

(Theo nguoiduatin.vn) 

Trần Phương
Bạn đang đọc bài viết "Mệnh lệnh hành chính trong quản lý lễ hội: Có đi ngược bảo tồn?" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.