Sau hàng chục năm tồn tại, sau danh hiệu Nghệ nhân dân gian - danh hiệu cao quý do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao cho những người có thành tích đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa phi vật thể, giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như ca trù, quan họ, hát xoan, chầu văn… Năm 2015, lần đầu tiên, những nghệ nhân tài hoa trong lĩnh vực này đã có danh hiệu mới do Nhà nước trao tặng, đó là Nghệ nhân ưu tú và Nghệ nhân nhân dân. Việc ghi nhận, động viên kịp thời của Nhà nước cả về mặt tinh thần và vật chất đã thổi bùng thêm niềm đam mê, tình yêu với tri thức văn hóa của dân tộc trong cộng đồng.
Việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân không phải là ban phát mà là việc ghi nhận, tôn vinh
Song lợi dụng tâm lý của nhiều người mong muốn được ghi nhận, được vinh danh... trong khi quy trình xét tặng của Nhà nước lại nghiêm ngặt, đòi hỏi đáp ứng nhiều tiêu chí, chuẩn mực, vì thế thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức tự ý đưa ra các loại bằng chứng nhận cho cá nhân cũng như các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng với những tên gọi na ná như nghệ nhân ưu tú dân gian, nghệ nhân văn hóa dân gian...
Chia sẻ về hiện tượng này, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết, chỉ khoảng 2 năm nay, thanh tra bộ đã nhận nhiều thông tin, đơn thư phản ánh về hiện tượng phong danh hiệu. Nhiều tổ chức dù không có chức năng phong tặng danh hiệu cũng làm ẩu, làm bừa khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về việc “vàng thau lẫn lộn”. “Chưa nói về tính pháp lý của những tấm bằng này, mà chỉ xét khía cạnh cấp phát danh hiệu với những tiêu chí mơ hồ, thiếu khoa học đã khiến xã hội bức xúc”, ông Vũ Xuân Thành, nhấn mạnh.
Việc tùy tiện cấp, trao tặng bằng chứng nhận danh hiệu đã bị phát hiện, cơ quan quản lý lên tiếng chấn chỉnh, dư luận xã hội cũng lên án, nhưng hiện tượng này vẫn chưa có chiều hướng giảm khiến nhiều cơ quan liên quan đã buộc phải thẩm định và lên tiếng về sự tùy tiện và thiếu khoa học này. Điển hình như việc Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam bỗng dưng trao bằng chứng nhận cho đền Thiên Linh Ứng - Phú Thọ, đạt tiêu chuẩn văn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam và bằng chứng nhận nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt cho một cá nhân ở đền này đã khiến dư luận khá bức xúc.
Thẩm định về việc trao bằng này, Cục Di sản văn hóa khẳng định danh hiệu “đạt tiêu chuẩn văn hóa đền Tam, Tứ phủ” mà tổ chức này đặt ra là hết sức tùy tiện, không có căn cứ pháp lý và khoa học. Còn Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VH-TT-DL cũng có văn bản nói rõ việc cấp bằng công nhận nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt - cũng của Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam cấp, là “mập mờ, vi phạm Luật Thi đua - Khen thưởng”.
Cũng liên quan tới vinh danh nghệ nhân, cuối năm 2015, Bộ VH-TT-DL đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc trao tặng bằng chứng nhận nghệ nhân văn hóa dân gian có dấu hiệu trục lợi, không đúng với các quy định luật pháp của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam.
Không thể để vàng thau lẫn lộn
Trước hiện tượng tùy tiện này, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã có nhiều văn bản nhắc nhở các tổ chức liên quan tới việc tùy tiện phong tặng, cấp bằng. Trong đó, Thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng nói rõ việc cấp bằng cho hệ thống đền đạt chuẩn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam và phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt cho hệ thống đền và cá nhân là chưa đúng với các quy định của pháp luật. Thanh tra bộ cũng đề nghị Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam dừng ngay việc làm này để tránh gây hiểu lầm trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về văn hóa tại các địa phương.
Song có lẽ do chưa có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi trên nên hiện tượng này vẫn chưa dừng lại. Nhiều đền khác ở Hà Nội và một số tỉnh như đền Lưu Ly (Hoài Đức - Hà Nội); đền Cả - Dinh Đô Quan Hoàng Mười (Trung Lương - Hà Tĩnh)... cũng được Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam trao bằng chứng nhận “đạt tiêu chuẩn văn hóa đền Tam, Tứ phủ”. Gần đây, cuối tháng 6-2016, đền Thiên Minh Sơn Từ - Ý Yên - Nam Định thậm chí còn tự ý tổ chức một lễ hội riêng phục vụ việc đón nhận danh hiệu Đền thờ Mẫu và Tam, Tứ phủ theo nghi lễ truyền thống Việt Nam - cũng của Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam trao tặng. Trên thực tế, theo kiểm kê di tích từ năm 1962 thì điện Thiên Minh Sơn Từ không có tên trong danh sách di tích và không nằm trong hồ sơ kiểm kê di tích. Thậm chí di tích này còn chưa được xếp hạng. Vì thế không rõ việc trao nhận bằng chứng nhận đạt chuẩn mà nhà đền được trao dựa trên tiêu chí nào. Vụ việc khi được phát hiện đã bị các cơ quan chức năng nhắc nhở và lập biên bản. Chưa dừng lại ở đó, đầu tháng 7 vừa qua, Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam lại tiếp tục mở rộng diện trao tặng dành cho các đối tượng đang hành nghề trong lĩnh vực đông y, thầy lang, thầy thuốc với tên gọi bằng chứng nhận “Di sản văn hóa nhân dân”.
Được biết, trong lần đầu phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, không có hồ sơ nào của những người hoạt động trong lĩnh vực đông y, thầy lang, thầy thuốc được xem xét. Nguyên nhân theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng giải thích là do mặc dù lương y thuộc loại hình tri thức dân gian nhưng người hoạt động trong ngành nghề y phải có xác nhận của cơ quan y tế để đảm bảo việc tôn vinh được thực hiện đúng. Do vậy, sau khi hội đồng xét chọn nghiên cứu, cân nhắc thận trọng và đã tạm gác lại không xét hồ sơ của những đối tượng này. Không giống như nhiều lĩnh vực khác, với những người hành nghề y ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sinh mệnh của con người nên việc thận trọng là điều cần thiết. Việc phong tặng danh hiệu thiếu cơ sở khoa học với các đối tượng này cũng có thể dẫn tới các hệ lụy khôn lường.
Phong tặng và vinh danh nghệ nhân phải là cả một quá trình, quy trình cùng với những quy chế hết sức chặt chẽ. Việc phong tặng không phải là ban phát mà là tôn vinh, ghi nhận chính xác những đóng góp của các nghệ nhân đối với tri thức văn hóa của dân tộc. Vì việc đánh giá, phong tặng không đúng sẽ gây ra những việc không tôn trọng nhau, “vàng thau lẫn lộn” và là nguyên nhân dẫn đến sự xúc phạm với những người có tài năng thực sự. Do đó, hơn lúc nào hết, cần ngăn chặn ngay hành vi tôn vinh tùy tiện để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật, đồng thời cũng là việc làm khuyến khích, động viên những người đang ngày đêm gìn giữ, phát triển tri thức văn hóa dân gian của dân tộc.
(Theo SGGP)