Mảnh đất của những cây thị cổ và giếng cổ

29/12/2016 15:51

Theo dõi trên

Cách thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu, Nghệ An) 2km về phía Bắc, ít ai ngờ rằng mảnh đất xã Quỳnh Hoa lại là một vùng đất cổ xưa với nhiều truyền thuyết và huyền thoại dân gian hấp dẫn. Vết tích của chúng đến ngày nay vẫn còn và những câu chuyện xung quanh nó như nhắc nhở người ta về một mảnh đất thiêng có lịch sử từ rất lâu đời.



Cây thị cổ cạnh đền Cửa Gan, xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu, Nghệ An

Dấu tích còn lại

Quỳnh Hoa vốn là một vùng đất cổ, tại đây còn lưu lại nhiều dấu tích hoạt động của con người từ thời đại đá mới cách ngày nay 4 - 5000 năm, là xứ sở nằm bên cạnh di chỉ văn hóa Quỳnh Văn, một trong những nơi được lịch sử ghi nhận là có sự xuất hiện đầu tiên của người Việt Nam, cư trú ven bờ biển nông và lặng gió, bắt sò điệp làm thức ăn và đóng thuyền làm nghề đánh cá. 

Dưới triều Nguyễn, Quỳnh Hoa có tên gọi là Phù Hoa. Năm 1803, triều Nguyễn (Gia Long) khi đắp đường quan mới thấy đây là vùng đất giàu, đẹp nên gọi là Phú Mỹ. Năm 1954 đến nay lập xã mới, đổi tên là Quỳnh Hoa. 

Cho đến tận bây giờ, người dân nơi đây vẫn truyền nhau câu chuyện rằng: Ngày xưa ở Phú Mỹ nổi tiếng là vùng đất giàu có và rất đẹp, là nơi đất lành chim đậu. Trước khi thống nhất đất nước và đánh phá quân xâm lược Xiêm và Thanh, Nguyễn Huệ (Quang Trung) định dời đô về Phù Hoa. Lúc bấy giờ Phù Hoa đã có 100 cái giếng và có nhiều cây thị to, đẹp.

Một ngày nọ, từ phương xa bỗng xuất hiện 100 con chim phượng hoàng bay đến Phú Mỹ. Chúng lượn tròn nhiều vòng trên đỉnh Rú Đụn cao ngất ở đầu làng rồi sà xuống tắm ở 100 cái giếng. Tắm xong chúng bay lên đậu trên ngọn của những cây thị, 99 con đã có chỗ đậu nhưng một con tìm mãi không có thêm cây thị nào nên đã vỗ cánh bay đi. Thế là cả đàn cùng cất cánh bay theo vào đất Hồng Lĩnh. Nhưng Hồng Lĩnh cũng chỉ có 99 ngọn núi. Nên cả đàn mới bay vào đất Phượng Hoàng Trung Đô (là Thành phố Vinh bây giờ). Những cụ già trong làng vẫn thường kể lại câu chuyện này cho con cháu nghe, kèm theo lời giải thích đầy tiếc nuối rằng: Đã có 100 giếng đào cho 100 con phượng hoàng xuống tắm, nhưng chỉ có 99 cây thị, thiếu giếng thì có thể đào được, còn cây thị thì không sao trồng kịp! Và Phù Hoa đã không thành đất kinh đô chỉ vì thiếu đi một cây thị.

Hiện nay ở Quỳnh Hoa vẫn còn 2 cây thị cổ (năm 2010 còn 3 cây nhưng sau đó 1 cây đã bị bão quật đổ mất) với bán kính khoảng 1m, tán cây to rộng rợp cả một vùng rộng lớn, gốc cây cổ thụ với những cái rễ to bật lên trên khỏi mặt đất. Bà Lê Thị Tràn (64 tuổi) cho biết: “Quỳnh Hoa vốn là đất trồng nhiều thị. Nhưng điều đặc biệt là những cây mới trồng dù tươi tốt đến mấy vẫn không nhiều quả, quả không ngọt, không thơm bằng quả của những cây thị cổ”. 
 


Giếng Nghè, ở làng Phú Mỹ (Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu, Nghệ An)

Vết tích giếng cổ 

Truyền thuyết xưa còn lưu dấu tích bằng nhiều cái giếng cổ vẫn còn tới tận bây giờ. Trước kia, địa bàn phân bố các giếng cổ ở Quỳnh Hoa rất rộng, tập trung nhiều nhất là ở hai thôn Phú Mỹ và Hữu Vịnh. Hai thôn này đã có 100 giếng, được đào theo sơ đồ có ý thức cắt ngang trục đường chính giữa làng, có chừng 20 hàng, hàng nọ cách hàng kia chừng 120 mét và mỗi hàng như vậy có khoảng 5 giếng. Các giếng được xây bằng đá vôi lấy từ các khối đá vôi tự nhiên ở Lèn Đồng, đoạn dưới đáy cao 1 mét được ghép bằng lõi gỗ tốt, chịu nước, không mục, càng ngấm nước càng bền. 

Mỗi cái giếng đều mang một cái tên như: Giếng Am, Nghè, Thuyền, Thơi, Rải, Mặn, Giữa, Ngọ, Mặn… Điều đặc biệt là các giếng đào ở đây dù sâu chỉ 3 – 4m nhưng nước không bao giờ cạn, kể cả những năm hạn hán gay gắt. Thậm chí, có những giếng mực nước còn cao hơn cả mặt ruộng. Sách “Quỳnh Lưu huyện phong thổ ký” cũng có viết “Giếng đào lớp cát là nước phọt ra…”, nhân dân trong huyện còn truyền tụng nhau câu hát: “Thứ nhất giếng hương Phú Đa, Thứ nhì giếng Phốc, thứ ba giếng Nghè”. Giếng Nghè là giếng cổ nằm bên cạnh đền Cửa Gan có nước ngon nổi tiếng nhất xã Quỳnh Hoa, mực nước trong giếng bao giờ cũng cao hơn mặt ruộng.

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền giai thoại về việc người Tàu giấu vàng ở dưới đáy giếng, rồi chôn theo bê và người theo để làm thần giữ của. Cách Phú Mỹ khoảng 2km về phía nam là làng Bàu Đột (nay là xã Quỳnh Lâm và Ngọc Sơn) nơi trang ấp của viên quan đô hộ người Trung Hoa Hồ Hưng Dật, từ đó liên hệ tới việc sự có mặt của người Trung Hoa ở độ hộ và xây giếng ở nơi đây.

Nhưng điều đáng lưu ý là đối với những dấu tích còn lại của câu chuyện xưa, thì người dân nơi đây chỉ coi như là chuyện “tự nhiên nó thế”. Quỳnh Hoa cho đến bây giờ vẫn là một xã miền núi nghèo của huyện Quỳnh Lưu, người dân sống đơn giản, mộc mạc, lo bữa cơm manh áo từng ngày. Kể cả những năm về trước, có nhiều người nói về việc Quỳnh Hoa có nhiều cổ vật trầm tích thì người dân ở đây vẫn không để ý. Ông Lê Năm Thanh (55 tuổi) chia sẻ: “Thỉnh thoảng dân trong làng có đào được một số trống đồng, ấm sành, niêu đất, nồi đồng… nhưng không ai biết nó có giá trị gì. Cho đến 7, 8 năm trước có người đến mua với giá cao thì mới biết nó là cổ vật. Nhưng giờ thì hết rồi, không còn nữa mô, dân đồng nát họ vô mua thì bán, rồi họ lén đào trộm đi hết chứ làm chi còn nữa”.

Theo ông Vũ Đức Trọng (Cán bộ Văn hóa xã Quỳnh Hoa) cho biết: “Giếng cổ Quỳnh Hoa được đào từ thời kỳ đô hộ của người Trung Hoa. Cho đến nay, vẫn còn 13 cái giếng nước đang được sử dụng dù người dân đã ít dùng nước giếng hơn. Trong nhân dân vẫn lưu truyền chuyện người Tàu còn giấu vàng ở dưới đáy giếng nhưng tôi chưa thấy vàng đào được từ dưới giếng lên bao giờ. Thỉnh thoảng, có gia đình đi bói được ở đâu về dưới giếng có vàng nên về nhà lén đào giếng lên, nhưng chính quyền xã đã kịp thời xử lý và ngăn chặn”. 

Hiện nay, xã Quỳnh Hoa cũng đã có những biện pháp để giữ gìn, khôi phục những giá trị lịch sử văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, làm được điều này cần phải có thời gian và sự hỗ trợ từ nhiều phía. Cuộc sống khó khăn khiến người dân nơi đây chưa kịp nghĩ đến giá trị lịch sử văn hóa của địa phương mình. Chỉ e rằng đến một lúc nào đó, khi điều kiện vật chất đã khá lên, muốn tìm về lịch sử xưa của quê hương, muốn thấy lại những vết tích chứng minh cho văn mình lâu đời của mảnh đất mình đang sinh sống thì tất cả đã không còn nữa.
 
Hồ Lài

Bạn đang đọc bài viết "Mảnh đất của những cây thị cổ và giếng cổ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.