Mạng xã hội: “Mặt trận không tiếng súng” góp phần bảo vệ tín ngưỡng thờ Mẫu

16/10/2024 20:31

Theo dõi trên

Trong thời đại công nghệ, mạng xã hội không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn trở thành nền tảng quan trọng trong việc bảo tồn, quảng bá và phát huy các di sản văn hóa truyền thống. Tín ngưỡng thờ Mẫu, một giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam, cũng đang “hưởng lợi” từ sức mạnh của truyền thông số để lan tỏa. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, sự phát triển không kiểm soát của mạng xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức và hệ lụy. Trong bối cảnh đó, mạng xã hội được xem là "mặt trận thầm lặng" góp phần bảo vệ tín ngưỡng thờ Mẫu.

cochien1-1728228627-1729085419.jpg
Hình ảnh tài khoản Tik Tok mang tên “Cô Chiến Xinh Đẹp”

Cơ hội từ sự phát triển của mạng xã hội

Mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng như Facebook và TikTok, đang giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Mẫu tới một lượng lớn người dùng. Nhiều thanh đồng đã tận dụng các nền tảng này để quảng bá và bảo tồn giá trị của tín ngưỡng, góp phần làm giàu thêm hiểu biết của xã hội về di sản dân tộc.

Thông qua các video, bài viết trên Facebook hay TikTok, tín ngưỡng thờ Mẫu được lan tỏa không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn vươn tới cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới. Điều này mở ra cơ hội lớn trong việc gìn giữ và phát triển mạnh mẽ tới thế hệ trẻ, những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội.

Dù vậy, những giá trị văn hoá tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn bị méo mó. Nhiều người đã lên tiếng bảo vệ tín ngưỡng bằng cách phê phán những hành vi biến tướng, lệch lạc.

Đáng chú ý, “Cô Chiến Xinh Đẹp” - tài khoản TikTok với lượng người theo dõi lớn - là một trong số ít những thanh đồng sử dụng mạng xã hội để lên tiếng bảo vệ tín ngưỡng thờ Mẫu, lên án các hành vi biến tướng và lệch lạc. Tuy nhiên, trước đó tài khoản này cũng đã vấp phải luồng ý kiến trái chiều về cách phát ngôn và cần phải điều chỉnh.

Theo đó, tài khoản này đã nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành vi được cho là đang làm ảnh hưởng tới giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, như: Xem bói, phong thánh thần hay tổ chức các lớp dạy hầu đồng không đúng quy định. Hành động của tài khoản này không chỉ nhận được sự đồng tình từ một bộ phận lớn cộng đồng mạng, mà còn phản ánh một hiện tượng đáng chú ý trong xã hội: Sự tham gia tích cực của công dân vào việc bảo vệ các giá trị truyền thống thông qua phương tiện số.

Thách thức và những sai phạm cần được soi chiếu

Dù mạng xã hội mang đến cơ hội cho tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng cũng là môi trường dễ dàng cho các cá nhân có hành vi lệch lạc, ảnh hưởng đến văn hoá tín ngưỡng và xã hội. Một trong những hiện tượng được “Cô Chiến Xinh Đẹp” phản ánh là tài khoản TikTok mang tên “Cô Đồng Bát Nước”, với hành vi sử dụng mạng xã hội để xem bói và lan truyền những nội dung mang tính mê tín dị đoan.

Theo ghi nhận, tài khoản “Cô Đồng Bát Nước” tự cho mình có khả năng nhìn thấu chuyện gia đình, công việc, vong nhập, cơ đày, duyên âm… chỉ thông qua một bát nước. Sau hành vi lên án của “Cô Chiến Xinh Đẹp” và cộng đồng mạng, thì chủ nhân của tài khoản “Cô Đồng Bát Nước” đã được nhiều cơ quan báo chí “chỉ mặt, gọi tên”.

Những hành vi này không chỉ làm lệch lạc giá trị tín ngưỡng mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho xã hội, dẫn đến sự hiểu lầm và lạm dụng tín ngưỡng để trục lợi cá nhân. Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng mạng, sự nhắc nhở của cơ quan chức năng, chủ tài khoản TikTok “Cô Đồng Bát Nước” đã nhận ra sai phạm của mình và có sự điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực.

Thêm vào đó, hiện tượng “Học viện hầu dâng” cũng được tài khoản “Cô Chiến Xinh Đẹp” nhắc tên, đây có thể được xem là một trong những thách thức mới. Việc tổ chức các lớp dạy hầu đồng tại những không gian không thiêng liêng, không được phép, đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Cộng đồng mạng cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động của “Học viện hầu dâng”: Liệu học viện này có tuân thủ các quy định pháp luật? Những gì họ truyền dạy có phù hợp với nghi thức truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu? Tổ chức này đã được cấp phép thành lập và giảng dạy để trở thành học viện như tên gọi chưa? Việc mở lớp học này có dấu hiệu biến tướng nhằm mục đích trục lợi tín ngưỡng và vi phạm Luật di sản hay không? Đồng thời, vấn đề tài chính của lớp học cũng cần được xem xét kỹ lưỡng, bao gồm việc thu chi và nghĩa vụ thuế.

Ngoài ra, tài khoản "Cô Chiến Xinh Đẹp" và cộng đồng hoạt động tín ngưỡng cũng cho rằng, từ xưa đến nay, không hề có việc dạy hầu đồng, đặc biệt là dưới hình thức tổ chức có hệ thống, nhất là tại những địa điểm không mang tính linh thiêng. Đây được xem là hành vi biến tướng, làm sai lệch giá trị của di sản.

Những câu hỏi trên nhằm mục đích bảo vệ sự chính thống của tín ngưỡng thờ Mẫu và ngăn chặn các hoạt động phi pháp, biến tướng. Tuy nhiên, dưới góc độ truyền thông, việc đưa ra phán xét cần thận trọng và không thể quy kết vội vàng. Vì vậy, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ, trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.

cochien2-1728228722-1729085473.jpg
Hình ảnh một cơ sở mang tên "Học viện hầu dâng" trên TikTok

Vai trò của những cá nhân và sự cần thiết của pháp lý

Cộng đồng mạng cho rằng, trong “cuộc chiến” chống lại sự biến tướng của tín ngưỡng trên mạng xã hội, tài khoản TikTok “Cô Chiến Xinh Đẹp” đóng vai trò như một người tiên phong. Sự phẫn nộ của chủ tài khoản này có thể dễ hiểu khi giá trị văn hóa truyền thống mà họ tôn thờ bị biến dạng, méo mó.

Một số người lại cho rằng, tài khoản TikTok “Cô Chiến Xinh Đẹp” đã đi quá giới hạn khi sử dụng những lời lẽ thiếu tế nhị để phản ứng. Điều này không phù hợp với hình ảnh của một thanh đồng hoạt động trong tín ngưỡng.

Tuy nhiên, theo luồng ý kiến khác, cần phải hiểu rõ động cơ của “Cô Chiến Xinh Đẹp” không phải chỉ là sự tức giận đơn thuần, mà sâu xa hơn, là mong muốn bảo vệ tín ngưỡng dân tộc. Phản ứng mạnh mẽ này thể hiện sự cấp thiết trong việc ngăn chặn những hành vi lạm dụng tín ngưỡng để kiếm lời, và đây là vấn đề cần được công nhận. Bên cạnh đó, sự phẫn nộ cần được thể hiện một cách đúng mực hơn, mang tính chất xây dựng, tránh làm xấu đi hình ảnh người bảo vệ tín ngưỡng.

Trước những phản hồi đó, chủ tài khoản TikTok "Cô Chiến Xinh Đẹp" đã có những điều chỉnh phù hợp hơn về cảm xúc và cách sử dụng ngôn từ. Thời gian gần đây, thay vì bày tỏ sự bức xúc như trước, tài khoản này đã chọn cách phản ánh vấn đề qua những tiểu phẩm ngắn hài hước, mang đậm màu sắc văn hóa. Phong cách này nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực từ cộng đồng mạng.

Trước những vấn đề nêu trên, sự tham gia của pháp luật ở thời điểm này là điều không thể thiếu. Cần có những hành lang pháp lý chặt chẽ để bảo vệ những người dám lên tiếng phản đối các hành vi lệch lạc. Nhưng đồng thời cũng cần có những quy định rõ ràng về hành vi và cách thức phản biện để đảm bảo tính văn minh và sự tôn trọng lẫn nhau trong không gian mạng. Nếu không có hành lang pháp lý bảo vệ, những cá nhân dám đứng lên bảo vệ tín ngưỡng sẽ dễ dàng bị công kích hoặc hiểu lầm, dẫn đến việc làm sai lệch mục đích tốt đẹp ban đầu.

Mạng xã hội đã mở ra một cánh cửa lớn cho tín ngưỡng thờ Mẫu, mang những giá trị văn hoá tốt đẹp đến gần hơn với người dân. Tuy nhiên, cùng với cơ hội cũng là những thách thức, khi sự kiểm soát và quy định về việc truyền bá, bảo tồn tín ngưỡng này còn lỏng lẻo. Những hành vi như xem bói, phong thánh thần, tổ chức lớp truyền dạy tín ngưỡng không đúng quy định pháp luật cần được xem xét và xử lý nghiêm minh.

Câu chuyện của tài khoản TikTok “Cô Chiến Xinh Đẹp” là một ví dụ rõ ràng về cách mà mạng xã hội có thể trở thành “mặt trận không tiếng súng” để bảo vệ tín ngưỡng, nhưng cũng đồng thời là nơi mà những tranh cãi và mâu thuẫn nổi lên khi thiếu đi sự định hướng và quản lý từ phía pháp luật.

Do đó, xã hội cần nhìn nhận sâu hơn về trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia vào việc bảo vệ di sản văn hóa. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có những quy định rõ ràng, minh bạch để ngăn chặn sự lạm dụng tín ngưỡng. Việc phối hợp chặt chẽ giữa xã hội và chính quyền sẽ đảm bảo cho tín ngưỡng thờ Mẫu được bảo tồn và phát triển một cách đúng đắn, tránh những sai lệch và biến tướng không đáng có, làm mất đi những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bình An
Bạn đang đọc bài viết "Mạng xã hội: “Mặt trận không tiếng súng” góp phần bảo vệ tín ngưỡng thờ Mẫu" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.