Theo Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025 của Tỉnh ủy Hà Giang thì "Phát triển du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường". Hiện nay, tỉnh Hà Giang đã quy hoạch vùng và hình thành không gian du lịch 3 vùng, bao gồm: Không gian du lịch đồi núi thấp gắn với sản phẩm du lịch thương mại, du lịch nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh; không gian du lịch đồi núi đá phía bắc, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; không gian du lịch đồi núi đất phía tây gắn với Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
Song song với việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang qua nhiều hình thức để thu hút khách du lịch đến với Hà Giang thì tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển du lịch địa phương. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 điểm du lịch được đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ. Các điểm du lịch đang được khai thác một cách hiệu quả, bền vững, đem lại nguồn thu lớn cho người dân đó là các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Đến nay, trên toàn tỉnh có 40 làng văn hóa du lịch, trong đó có 16 làng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận hoàn thành các tiêu chí theo từng giai đoạn. Năm 2022 tỉnh Hà Giang công nhận 02 làng đạt tiêu chí “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Năm 2023, tỉnh Hà Giang đã có 18 làng văn hóa du lịch được lựa chọn để quảng bá các làng du lịch cộng đồng trên website APEC, đây là website đầu tiên trong khu vực APEC hướng đến quảng bá du lịch cộng đồng gồm: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm; Lô Lô Chải; Du Già; Thiên Hương; Lũng Cẩm; Ma Lé; Pả Vi Hạ; Thôn Chì; Nậm Hồng; Làng dệt Lùng Tám; thôn Nà Thác; thôn Hạ Thành; thôn Khuổi My; thôn Lùng Vài; xã Vần Chải; xã Xà Phìn; Bản Luốc; huyện Hoàng Su Phì. Các làng văn hóa du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số các điểm du lịch của Việt Nam được giới thiệu trên website APEC.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang hoạt động theo mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP theo Bộ tiêu chí được ban hành tại Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 5.7.2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đa phần, dịch vụ du lịch tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng được hình thành từ những nét văn hóa đậm đà bản sắc, các mô hình nhà ở homestay được cải tạo từ những ngôi nhà cũ và giữ nguyên kiến trúc nhà ở của người dân bản địa.
Anh Minh Công - một du khách đến du lịch tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn chia sẻ: "Chúng tôi chọn lưu trú tại thôn Lô Lô Chải vì tôi thích văn hóa bản địa nơi đây. Khi tôi đi dạo quanh làng, người dân ở đây rất thân thiện và tôi có thể tùy thích chụp ảnh ở homestay nào mà tôi muốn, ở đây mọi thứ thật yên bình và tôi cảm thấy mình được sống chậm lại."
Theo anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải cho hay: Năm 2021, thôn Lô Lô Chải được hỗ trợ xây dựng làm du lịch homestay và gia đình anh Gai được chọn là một trong những hộ tham gia làm du lịch đầu tiên của thôn. Anh nói: "Lúc đầu làm cũng gặp một số khó khăn vì người Lô Lô có những phong tục, tập quán cũ, không phù hợp với làm du lịch cộng đồng như: nhà của người Lô Lô tách biệt riêng từng khu, không làm nhà vệ sinh trong nhà chính, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ở gần khu vực nhà ở rất khó khăn vì tập quán sinh hoạt... Sau khi tìm hiểu và đi học hỏi kinh nghiệm ở một vài nơi về cách là du lịch cộng đồng anh Gai đã tích cực vận động, tuyên truyền và hướng dẫn bà con trong thôn dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phù hợp với phát triển du lịch”. Cách làm du lịch của Trưởng thôn Sình Dỉ Gai đã mang lại hiệu quả kinh tế và được các gia đình trong thôn học tập và làm theo. Từ những ngày đầu thôn chỉ có vài hộ làm homestay, giờ đây toàn thôn đã có 42 hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng, thành lập tổ hợp tác du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng một cách bài bản.
Cũng theo anh Gai, trong 3 tháng đầu năm 2024 thôn Lô Lô Chải đón tổng số lượng khách ăn, nghỉ và tham quan khoảng 18.000 lượt khách. Từ khi du lịch của thôn phát triển, các homestay còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động là người địa phương, với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải là địa điểm được du khách ở nhiều nơi trong nước, quốc tế lựa chọn tham quan, lưu trú. Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch ở thôn Lô Lô Chải đó là phải gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lô Lô, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ du khách, không phá vỡ cảnh quan, kiến trúc nhà truyền thống gắn với công tác giữ vệ sinh môi trường.
Từ những nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân. Trong thời gian qua tỉnh Hà Giang đã vinh dự đạt được giải thưởng có giá trị về du lịch cộng đồng: Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ nhận giải thưởng ASEAN về du lịch cộng đồng; 18 làng văn hóa du lịch được lựa chọn để quảng bá các làng du lịch cộng đồng trên website APEC…
Hà Giang đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Lượng khách đến với Hà Giang tăng nhanh qua từng năm, năm 2023 đạt 3,2 triệu lượt khách; 3 tháng đầu năm 2024 đạt 848 ngàn lượt khách, dự kiến cả năm đạt 3,5 triệu lượt khách. Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, du lịch trên cả nước nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch mới; mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế; hướng tới một thương hiệu du lịch bền vững, mang một sức hút riêng của Hà Giang trên bản đồ du lịch Việt Nam.